Tin mới

Rượu đế + cồn + phẩm màu = Rượu ngoại!

Thứ ba, 10/02/2015, 19:37 (GMT+7)

Để mang về lợi nhuận cao mà không phải bỏ vốn, nhiều đối tượng sẵn sàng mua các loại vỏ chai của các hãng rượu uy tín rồi mang về đóng chai các loại rượu dỏm, sau đó bán ra thị trường với giá cao.

Để mang về lợi nhuận cao mà không phải bỏ vốn, nhiều đối tượng sẵn sàng mua các loại vỏ chai của các hãng rượu uy tín rồi mang về đóng chai các loại rượu dỏm, sau đó bán ra thị trường với giá cao.

Khi "rượu ngoại" được bán rong

Càng gần Tết Nguyên đán, giá rượu ngoại tại các quầy bán được nhích lên dần. Điều này cũng dễ hiểu bởi nhu cầu mua rượu ngoại để làm quà Tết đang dần tăng cao. Đây cũng là thời điểm các loại rượu giả, rượu kém chất lượng được tung ra càng nhiều. Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM phối hợp với nhiều lực lượng khác liên tục kiểm tra, xử phạt nhưng thị trường buôn bán rượu ngoại giả xem ra vẫn rất sôi động. Việc làm giả rượu ngày càng tinh vi, từ nắp chai, tem, cốt số... được làm giống như thật, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi kiểm tra.

Khảo sát tại nhiều cửa hàng kinh doanh rượu trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, PV ghi nhận cùng một loại rượu nhưng giá rất khác nhau. Có những loại rượu cùng loại, cùng dung tích, cùng số năm tuổi nhưng giá bán chênh nhau hơn một nửa. Tại sao lại có sự chênh lệch nhau lớn đến vậy?

Để tìm hiểu, PV khảo sát giá tại một số siêu thị để so sánh giá. Theo quan sát, rượu ngoại bán trong một số cửa hàng có giá rẻ hơn siêu thị, nhưng mẫu mã lại hoàn toàn giống nhau, rất khó phát hiện đâu là thật, đâu là giả. PV khảo sát tại siêu thị Co.opmart (chi nhánh tại quận Bình Thạnh, TP.HCM), rượu whisky Cardhu (loại 12 năm, 40%vol) 700ml có giá bán 836.000 đồng/chai, rượu Martell C Bleu 40%vol 700ml có giá bán 4.093.000 đồng/chai. Cũng hai loại rượu này nhưng tại cửa hàng rượu ngoại M.C., giá thấp hơn lần lượt khoảng 47% và 56%.

Không chỉ các cửa hàng rượu bắt đầu vào mùa cao điểm bán hàng, những người kinh doanh vỉa hè cũng chào bán các loại rượu ngoại xách tay. Sau khi PV đi ra từ một cửa hàng bán rượu ngoại trên đường Cộng Hòa (quận Tân Bình, TP.HCM), một phụ nữ tới kéo tay áo PV rồi nói nhỏ: "Chị mua rượu ở những cửa hàng này giá cao lắm, em có rượu ngoại xách tay nên giá mềm hơn rất nhiều".

Vừa nói, người phụ nữ vừa cho PV xem chai rượu hãng Hennessy được che kỹ trong giỏ xách. Nhìn bề ngoài chai rượu này không khác loại thượng hạng nhưng chỉ có giá... 200.000 đồng. PV đem chai rượu vừa mua đến một người quen là chuyên gia về pha chế rượu thì được biết, chai rượu Hennessy nói trên chỉ là hỗn hợp của rượu đế, phẩm màu và cồn!

Rượu đế + cồn + phẩm màu = Rượu ngoại! - Ảnh 1

Chai rượu Hennessy PV mua được với giá 200 ngàn đồng, trong khi một chai rượu chính hãng có giá hơn 1 triệu đồng.

Theo thông tin từ Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, mỗi năm chi cục đã phối hợp với nhiều cơ quan chức năng liên quan, kiểm tra, xử phạt nhiều vụ vận chuyển rượu ngoại nhập lậu, triệt phá một số cơ sở chuyên làm giả rượu ngoại để bán với giá cao. TP.HCM là thị trường tiêu thụ rượu bia lớn nhất cả nước. Chính vì thế, nơi đây luôn là tâm điểm để dân buôn lậu và làm rượu giả hoạt động. Vào thời điểm cuối năm, nạn buôn lậu, làm giả rượu ngoại càng tăng, nên rất khó xử lý triệt để.

Những đối tượng làm rượu ngoại giả có nhiều thủ đoạn để qua mặt cơ quan chức năng, chúng không "sản xuất" ở một chỗ mà chia làm nhiều cơ sở để nếu có bị phát hiện thì mức thiệt hại và xử phạt không cao. Các loại rượu ngoại giả thành phẩm sau đó được các "đầu nậu" bỏ mối cho đại lý. Từ các đại lý này, rượu giả được tung vào các quán bar, vũ trường... Nhiều đại lý còn chào hàng tới các công ty vào dịp cuối năm để biếu đối tác, khách hàng. Những ngày gần tết, rong ruổi trên một số tuyến đường tại TP.HCM, không ít lần PV thấy "rượu ngoại" theo những người bán hàng rong xuống phố. Khi hỏi đến nguồn gốc của những chai rượu này, người bán luôn có một "điệp khúc" như hàng xách tay hay quà biếu nhưng không uống.

Rượu đế + cồn + phẩm màu = Rượu ngoại! - Ảnh 2

Chi cục QLTT TP. HCM kiểm tra một cửa hàng rượu ngoại tại quận Bình Tân.

Vỏ thật, ruột giả

Theo tiết lộ của P.X.H. (38 tuổi, một người từng làm rượu ngoại giả nay đã giải nghệ), để có một chai rượu ngoại dỏm không hề khó, điều quan trọng là phải chọn và dập nắp chai như thế nào cho giống với rượu thật. Người mua chủ yếu chỉ chú ý đến tên và nắp chai, nếu nắp chai còn nguyên thì là sản phẩm thật, nhưng chiêu thức này chỉ lừa được những người không am hiểu về rượu ngoại. Thường thì các loại rượu như Chivas, Johnnie Walker, Macallan, Ballantine's, Martell, Royal Salute, Hennessy,... là những thương hiệu được ưa chuộng nên bị làm giả nhiều nhất, đặc biệt vào thời điểm giáp Tết.

Cũng theo P.X.H., tùy loại rượu mà có công thức làm giả khác nhau, như rượu X.O được pha chế bằng rượu trắng, nước, mật ong và một ít rượu thật để tạo mùi. Bốn chất này trộn đều là đã có một chai rượu ngoại, sau đó được bán với danh nghĩa hàng xịn. "Một chai rượu Johnnie Walker Gold Label Reserve loại 750ml 40%vol có thể pha được với 9 lít rượu trắng để tạo mùi. Phần còn lại, người làm rượu ngoại giả pha chế thêm mật ong hoặc nước đường nấu với lượng vừa đủ để cho ra màu sắc giống với loại rượu mà họ làm giả", P.X.H. tiết lộ.

Ngoài ra, các chai "rượu ngoại" tự chế tại nhà, mang các nhãn hiệu Johnnie Walker, Red Label, Hennessy... còn được làm giả một cách tinh vi, khó phát hiện. Theo đó, quy trình của các nhà "sản xuất" dỏm này chỉ cần pha chế rượu trắng với một tỷ lệ nhỏ rượu xịn cộng với chất tạo màu: Xanh, đỏ, sẫm tùy theo từng loại rượu, sẽ có ngay thành phẩm "rượu ngoại". Vỏ chai, bao bì được thu mua từ các nhà hàng, quán rượu, quán bar có bán rượu ngoại. Thậm chí, nếu không có, các đối tượng làm giả có thể nhập lậu bao bì, vỏ chai cho đến tem rượu từ Trung Quốc với giá cực rẻ.

Với mánh khóe làm giả này, nhiều chủ cửa hàng chuyên kinh doanh rượu ngoại cũng bị đánh lừa mà nhập về những chai rượu không đạt chất lượng. Chị Nguyễn Thanh Tâm, chủ cửa hàng rượu J.R trên đường Lê Văn Sĩ (quận 3, TP.HCM): "Để bơm rượu giả vào vỏ chai ngoại, các cơ sở sản xuất lậu dùng xilanh bơm rượu vào đối với những chai có cổ bi. Một số loại chai khác, chỉ cần khoan lỗ rất nhỏ như sợi tóc dưới đáy chai để rút rượu thật ra và bơm rượu giả vào. Nút chai cũng được thu gom tại các quầy bar hoặc nhập lậu và sử dụng công nghệ dập nút chai của Trung Quốc. Sau khi ấn nút xong, chỉ cần dán thêm chiếc tem sáng bóng là thành một chai rượu ngoại dỏm khó ai phát hiện".

Rượu đế + cồn + phẩm màu = Rượu ngoại! - Ảnh 3

Một chủ cửa hàng rượu đang tiết lộ những mánh khóe bơm rượu giả vào vỏ chai rượu ngoại thật.

Do thủ đoạn làm rượu giả ngày càng tinh vi như vậy, trong khi lực lượng chức năng mỏng, kiểm soát không xuể, nên dù có tập trung cũng khó lòng "chặn" nổi tình trạng này. Hơn nữa, tâm lý "chuộng" hàng ngoại cũng đã đẩy không ít người tiêu dùng đến những thiệt thòi về kinh tế, sức khỏe khi mua phải rượu ngoại giả. Theo quy định rượu là mặt hàng bắt buộc phải dán tem nhưng khi lực lượng chức năng đi kiểm tra thì vẫn phát hiện không ít người kinh doanh rượu ngoại và cả rượu sản xuất trong nước chưa thực hiện quy định này.

Cách phân biệt rượu ngoại thật - giả

Ông Nguyễn Khắc Tâm (56 tuổi, chủ tiệm rượu ngoại tại quận 1, TP.HCM) khuyến cáo: "Để tránh mua phải rượu ngoại giả, người tiêu dùng nên tìm những địa chỉ quen thuộc. Khi mua, cần quan sát kỹ vỏ chai, nút chai, tem nhãn xem có dấu hiệu bất thường và đặc biệt cảnh giác với các lời giải thích "hàng bị trầy xước trong quá trình vận chuyển, hay như cái này chỉ lỗi bao bì không có vấn đề gì hết. Ngoài ra, người tiêu dùng nên quan sát số sê-ri trên tem của nhiều chai rượu trên một quầy kệ vì hàng nhập chính ngạch có số lô, tem đầy đủ và các đơn vị phân phối bán lẻ thường nhập hàng theo lô, do đó trên một kệ hàng, nếu nhiều chai rượu có số sê-ri trên tem liền nhau, theo thứ tự thì yên tâm".

 

Theo Hạ Du/Đời Sống & Pháp Luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news