Tin mới

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và "đêm pháo hoa" mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng

Thứ hai, 30/04/2018, 08:27 (GMT+7)

43 năm đã trôi qua, nhưng nhắc đến kỷ niệm về trận chiến cuối cùng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, người cựu chiến binh lái xe tăng Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn thấy rưng rưng.

43 năm đã trôi qua, nhưng nhắc đến kỷ niệm về trận chiến cuối cùng tiến vào chiếm Dinh Độc Lập, người cựu chiến binh lái xe tăng Nguyễn Khắc Nguyệt vẫn thấy rưng rưng.

"Tôi nhớ về những đồng đội đã hy sinh, nhớ những người đã đổ xương máu để có ngày toàn thắng", Đại tá, nhà văn Nguyễn Khắc Nguyệt, nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn xe tăng 203, bộ phận tiến vào Dinh Độc Lập đầu tiên trong đội hình Quân đoàn 2 vào buổi sáng ngày 30/4 cách đây 43 năm, chia sẻ.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 1.
 

- Thưa đại tá, ông có nhớ cảm xúc của mình và đồng đội trước khi xuất kích buổi sáng ngày 30/4/1975 lịch sử không?

Trong những ngày tháng lịch sử đó, chúng tôi ai cũng cùng chung ý nghĩ là chiến tranh sắp đi đến kết cục rồi. Với sức tấn công như vũ bão của quân ta, đối phương có chống cự đến đâu thì cũng phải kết thúc thôi. Còn cách họ đầu hàng thế nào thì mình chưa biết.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 2.

Mũi thọc sâu cơ giới đánh điếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh tư liệu.

 - Lữ đoàn xe tăng 203 nhận nhiệm vụ thọc sâu tiến vào Sài Gòn như thế nào?

Từ ngày 26/4, khi đơn vị tập kết tại rừng cao su Ông Quế ở Long Thành, Đồng Nai, Bộ Tư lệnh chiến dịch đã phổ biến quyết tâm đến toàn thể các đơn vị rồi. Sau các trận chiến quyết liệt tại Nước Trong, Thủ Đức, đến đêm 29/4, tất cả đơn vị chúng tôi đã ém sát Sài Gòn, các xe đều nắm chắc chỉ thị: Tiến qua cầu Thị Nghè, đến ngã tư thứ 7 thì rẽ trái, là đến Dinh Độc Lập. Chỉ có điều chúng tôi không có bản đồ chi tiết nào.

Dù trong gói quà của anh chị em sinh viên Viện Đại học Vạn Hạnh tặng quân giải phóng có cuốn sổ, trang cuối có in một bản đồ du lịch thành phố Sài Gòn, nhưng cỡ nhỏ và không chi tiết, nên không dùng vào chiến đấu được. Thành ra lúc tiến vào thành phố, tôi cũng không biết rằng nếu đi theo đại lộ lớn nhất, là đại lộ Thống Nhất, là thẳng tới Dinh luôn.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 3.

- Theo các truyện, ký ông đã viết lại, trong trận đánh cuối cùng này, trên xe tăng số hiệu 380 của ông chỉ còn có 2 thành viên, vậy các ông tổ chức chiến đấu thế nào được?

Đúng rồi, trong trận đánh căn cứ Nước Trong sáng 28/4, xe của tôi bị trúng đạn pháo địch. 

Pháo hai Nguyễn Kim Duyệt hy sinh, trưởng xe Nguyễn Đình Luông bị thương. Kíp xe lúc đó còn mỗi tôi - lái xe và pháo thủ Trương Đức Thọ.

Thực ra chiều 29/4, tiểu đoàn có bổ sung một số anh em từ đại đội 5 sang xe tôi cho đủ biên chế, nhưng sáng 30/4, khi tiến đến ngã ba Thái Lan, thấy một chiếc xe M113 của địch bỏ lại, anh em nhảy sang chiếm và lái theo đoàn quân, nên trong trận đánh cuối cùng, vẫn chỉ còn hai anh em chúng tôi.

Lúc đó chúng tôi phân công nhau nhiệm vụ rõ ràng: Lái xe lái cho nhanh, pháo phải bắn chuẩn. Trong nòng pháo đã nạp sẵn một viên đạn xuyên, chỉ dùng khi gặp xe tăng địch. Nếu bắn xong cần bắn tiếp thì pháo thủ chui xuống nạp đạn rồi bắn tiếp. Còn nếu gặp bộ binh địch, sẽ sử dụng khẩu súng máy phía trước do lái xe bắn trực tiếp.

- Vậy trong trận đánh cuối cùng sáng 30/4, xe ông có trực tiếp chiến đấu không?

Trong trận đánh Nước Trong ngày 28/4, đại đội 5 là đơn vị trực tiếp tham chiến, đại đội 4 điều thêm xe 380 của tôi lên bổ sung cho đại đội 5. Trong trận đánh đó xe tôi đã bị thương, lại chỉ còn 2 thành viên, nên ngày 30/4 xe của tôi được bố trí ở thê đội 2.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 4.

Mũi thọc sâu cơ giới đánh điếm Dinh Độc Lập trưa 30/04/1975. Ảnh tư liệu.

Trên đường hành tiến, các xe ở thê đội 1 vẫn còn phải chiến đấu ác liệt ở cầu Xa Lộ, cầu Rạch Chiếc, Tăng Nhơn Phú (Thủ Đức), cầu Sài Gòn. Nhiều xe bị cháy, bị thương.

Xâm nhập nội đô Sài Gòn đầu tiên là xe 866 của đại đội 3, do Lê Tiến Hùng chỉ huy. Vào cầu Thị Nghè, xe 866 bị một xe M41 phục kích ở đó bắn trúng, không cháy nhưng khiến một chiến sĩ hy sinh. Trưởng xe Lê Tiến Hùng bị thương, phải đưa vào viện tư nhân Sùng Chính gần đó để cứu chữa.

Các xe tăng 843, 390 của đại đội 4 đã trực tiếp chiến đấu với địch trên cầu Sài Gòn và đầu cầu Thị Nghè, bắn cháy xe tăng M41 và xe bọc thép M113 của địch thì mới mở đường cho đội hình tiến lên được.

Lúc thê đội 2 của chúng tôi tiến vào thì địch đã chạy hết. Xe tôi không còn phải bắn một viên đạn nào nữa.

- Vậy lúc xe ông tiến vào đến trung tâm Sài Gòn, quang cảnh đường phố thế nào?

Theo như anh em trong thê đội 1 kể lại, lúc đó đường phố vắng tanh không một bóng người. Còn lúc chúng tôi tiến vào, thì dù vẫn tập trung tìm đường và lái xe, tôi nhận thấy lác đác có nhân dân mở cửa bước ra hè phố hoặc đầu ngõ hẻm để quan sát, đa phần vẫn còn vẻ rụt rè, bỡ ngỡ.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 5.

- Ông còn nhớ giây phút xe của mình lăn bánh qua cổng Dinh Độc Lập chứ?

Có chứ. Khi xe tôi vào thì trên 20 xe tăng của thê đội 1 đã vây quanh Dinh rồi. Lực lượng bảo vệ Dinh đã đầu hàng. Tôi biết rằng Dinh đã nằm trong tay quân ta.

Lúc đó cảm giác lâng lâng khó tả, lòng tôi dâng lên niềm xúc động khi nhận ra rằng hành trình 4 năm qua của mình từ ngày nhập ngũ đến nay, đã đi đến đích cuối cùng. Cảm giác lúc đó thật sự như mơ, đầy lãng mạn của tuổi trẻ, vì khi đó tôi mới 21 tuổi mà. Đúng là chỉ có tuổi trẻ mới cứ nhìn thẳng phía trước mà tiến, không nghĩ đến chết chóc gì cả.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 6.

Xe tăng chiến lợi phẩm do Mỹ sản xuất mà QGP thu được. Ảnh tư liệu.

Tôi đã làm một bài thơ, mà tứ thơ vụt lên trong chiều 30/4 tại dinh Độc Lập:

"Khi chiếc xe tăng dừng trước dinh Độc Lập

Ta ngỡ ngàng - Đây thật hay mơ?

Cây số cuối cùng cuộc trường chinh dằng dặc

Đến rồi chăng? Hai mắt bỗng dưng nhòa..."

Trước trận đánh này, dù biết rằng kết cục sẽ đến, nhưng không ngờ nó diễn ra thuận lợi như vậy. Cứ nghĩ đối phương sẽ chống cự điên cuồng, nhưng cuối cùng, cũng không đến nỗi quá khốc liệt.

Tâm trạng tôi cứ lâng lâng như trong mơ như vậy, cho đến khi anh em tung mũ lên trời, reo hò chào mừng, bắn súng chỉ thiên vang đội, tôi mới tĩnh trí lại. Lúc đó, tôi thấy thương đồng đội, nước mắt cứ trào ra. Như nhớ đến anh Duyệt trước đó mấy chục tiếng còn chiến đấu cạnh tôi, thế mà đã hy sinh ngay trước thềm toàn thắng.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 7.

Ảnh tư liệu.

- Ngay lúc đó, các ông làm gì đầu tiên?

Khi đó, anh Bùi Quang Thận, đại đội trưởng đại đội 4 đã lên cắm cờ trên nóc Dinh rồi. Còn các xe vẫn phải ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu. 

Thực ra anh em ai cũng muốn chạy vào "ngó" Dinh Độc Lập một chút, chỉ xem cái Dinh tổng thống thôi, chứ không phải xem nội các của Dương Văn Minh đang bị giữ thế nào, vì đó không phải nhiệm vụ của chúng tôi.

Nhưng cánh lái xe chúng tôi có trách nhiệm - phải luôn ở ngay cạnh xe, chỉ được chạy ù vào trong Dinh một chút rồi phải chạy ra ngay. Thành ra anh em cứ chạy vào một tí, chạy ra một tí, ra bồn nước rửa mặt một tí, lòng vui phơi phới mà chẳng nghĩ gì đến ăn uống, dù từ sáng sớm chưa có gì vào bụng.

- Ông còn nhớ kỷ niệm gì đặc biệt về những khoảnh khắc ấy nữa?

Kỷ niệm cũng khá buồn cười. Đó là khi rửa mặt, soi bóng mình dưới bồn nước trang trí giữa sân Dinh, tôi mới thấy mình... thật xấu hổ. Mặt mũi tôi lem luốc vì suốt mấy ngày chiến đấu liên tục, quần áo dính đầy bụi đất đỏ, rồi dầu mỡ, khói súng.

Đặc biệt, chiếc quần của tôi chẳng hiểu bị vướng vào đâu mà rách toạc từ trên đùi tới tận mắt cá bên ống trái, cứ toang hoác. Mà lúc đó nhân dân kéo vào đã đông, lại có nhiều nhà báo chụp ảnh, quay phim nữa. Thế là tôi bèn chui tọt vào xe, chỉ thò đầu ra quan sát.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 8.

Trong ảnh là một chiếc xe tăng hạng nhẹ K-63-85 giữa nhân dân Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

 - Các ông cứ bảo vệ quanh Dinh cho đến tối hôm đó?

Không, đến khoảng 2 giờ chiều chúng tôi nhận nhiệm vụ ra chiếm cảng Sài Gòn. Ra đến nơi, thấy cảng bỏ không, các nhà kho mở toang, đông nghịt dân chúng, có cả người đang hôi của, ùn ùn khuân hàng ra. Để vãn hồi trật tự, bộ binh dùng tiểu liên bắn chỉ thiên, nhưng họ biết bộ đội chỉ bắn dọa, nên vẫn tấp nập hôi của, thậm chí còn... cười.

Chỉ đến khi chúng tôi cho pháo xe tăng nổ súng bắn dọa "Bùm" một phát inh ỏi, tất cả mới nằm rạp xuống, rồi lỉnh đi hết. Mọi thứ trở lại trật tự. Chúng tôi đóng cổng cảng, đóng cửa các kho hàng lại, rồi chia nhau canh phòng, tắm giặt, nấu cơm ăn sớm.

Đến tối, chúng tôi phát hiện trên con tàu đậu dưới cảng có hai thùng pháo sáng. Đại đội tôi cũng thu được một thùng pháo sáng từ xe địch nữa. Anh em bàn nhau đem pháo sáng ra bắn, để lần lượt từng trái pháo bay vút lên bầu trời, tỏa sáng rực cả một góc thành phố. Đó quả thực là một "đêm pháo hoa" mừng chiến thắng rất đáng nhớ. Sau này, nhiều cựu chiến binh các đơn vị khác đóng trong thành phố Sài Gòn đêm hôm đó đều nói nhớ vụ bắn pháo sáng này.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 9.

- Và các ông giữ cảng Sài Gòn đến khi nào?

Chúng tôi ai cũng nghĩ sẽ nằm lại cảng còn lâu, nên ngày hôm sau, 1/5, anh em xác định là ngày để xả hơi thoải mái. Mọi người ngủ rốn, tắm giặt, nghỉ ngơi. Nhưng đến chiều hôm đó thì có lệnh bàn giao cảng lại cho đơn vị khác, chúng tôi được rút về căn cứ Long Bình. 

Tuần sau, một số xe tăng của đơn vị được giao nhiệm vụ vệ sinh sạch sẽ, sơn sửa mới để tham gia duyệt binh mừng chiến thắng ngày 15/5. Trong thời gian đó, chúng tôi cũng mới được lữ đoàn tổ chức cho đi tham quan vài nơi trong thành phố như Thảo cầm viên, Chợ Bến Thành...

- Trong hành trình dài để đến Dinh Độc Lập trong ngày toàn thắng, ông nhớ nhất điều gì?

Tôi nhớ nhất những đồng đội đã hy sinh, nhất là đồng đội trên chính chiếc xe tăng của mình. Tôi vẫn không quên được cảm giác sau khi xe mình trúng đạn pháo địch. Lúc viên đạn bắn trúng xe, có lẽ tôi đã ngất đi, xe cũng chết máy. Khi tỉnh lại, nhìn lên trên thấy ánh sáng, tôi biết rằng viên đạn pháo đã làm bật tung cửa lái xe.

Nhìn ra sau, thấy mặt Duyệt đầy máu, còn trưởng xe Luông nằm bất động trên ghế. Tôi khởi động lại xe thì máy nổ, liền quay xe về trạm phẫu để cấp cứu hai đồng đội, nhưng tối hôm đó, Duyệt đã vĩnh viễn nằm lại đất Long Thành.

Sài Gòn trưa 30/4/1975 và đêm pháo hoa mừng chiến thắng trong hồi ức lính tăng - Ảnh 10.

Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ từng người đồng đội đã hy sinh. Thực ra do điều kiện chiến đấu khác nhau, lính xe tăng hy sinh ít hơn lính bộ binh. Như lớp lính cùng nhập ngũ với tôi tháng 12/1971, vào xe tăng 43 người, thì có 5 người hy sinh. Đại đội 4 của tôi tính từ lúc đi ở chiến trường năm 72, đến ngày 30/4/1975 có 10 người hy sinh. 

Mỗi đồng đội ra đi là chúng tôi mất một phần máu thịt, là một phần tuổi trẻ và cuộc sống của chúng tôi đã để lại, chúng tôi sẽ mãi mãi không bao giờ quên!

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news