Ai cũng nghĩ rằng lúc có động đất, cần nhanh chóng di chuyển ra ngoài. Nhưng thực tế, điều đó lại chỉ khiến bạn gặp nguy hiểm hơn.
Như đã đưa tin, sáng ngày 8/9 tại Hà Nội dường như đã có động đất xảy ra. Theo ghi nhận, người dân một số khu vực bỗng cảm thấy rung lắc, chóng mặt, khiến nhiều người cảm thấy hốt hoảng.
Dù nguyên nhân gây rung lắc là gì thì cũng thật may là sự kiện không gây ra thiệt hại về người và của. Tuy nhiên, có một vấn đề cần phải nhắc đến, đó là thực tế cho thấy phản ứng chung của nhiều người khi có động đất là chạy thật nhanh ra ngoài, nhất là ở các khu nhà cao tầng.
Và rất tiếc, đây là một sai lầm.
Bạn cần biết rằng đối với các khu vực nội thành, đường phố chính là nơi nguy hiểm bậc nhất mỗi khi có động đất. Ở đó có các tòa nhà, cột điện, biển báo, đèn giao thông, trụ điện... Mọi thứ đều có thể rơi xuống và trở thành tác nhân gây chết người nếu động đất đủ mạnh.
Ảnh: Wikihow
Động đất về cơ bản là mặt đất bị chấn động, nghĩa là bạn khó lòng di chuyển như bình thường. Đường phố có thể nứt ra khiến bạn vấp ngã, hoặc bị thương bởi các mảnh kính vỡ, gạch rơi. Như trong trận động đất năm 1933 tại khu vực Long Beach (Los Angeles, California) của Mỹ có 120 người tử vong, và phần lớn trong số đó bị chết bởi gạch đá rơi xuống khi đang ở bên ngoài.
Điều đúng đắn phải làm khi có động đất?
Trong trường hợp bạn đang ở bên ngoài, hãy nhanh chóng đến khu vực rộng rãi, an toàn hơn. Còn nếu ở trong nhà thì câu trả lời có lẽ đã quá rõ ràng: hãy ở yên bên trong. Tuy nhiên, vẫn còn có một số quy tắc bạn cần tuân thủ để bảo đảm an toàn cho chính mình.
Đầu tiên, bạn cần phải tránh xa cửa sổ. Đa số mọi người khi có động đất, ai cũng muốn xem tình hình bên ngoài như thế nào. Nhưng với các rung chấn mạnh, kính hoàn toàn có thể vỡ ra, và bạn thì rơi thẳng ra ngoài.
Điều nên làm nhất là nên chui xuống một chỗ trú thật vững - như bàn làm việc chẳng hạn - ngồi yên ở đó cho đến khi động đất chấm dứt. Nếu nơi bạn ở không có bàn, hãy di chuyển vào góc phòng, lấy tay bảo vệ đầu và mặt, và tiếp tục chờ đợi. Còn nếu đang ở trên giường thì cứ ở yên đó, dùng gối che đầu lại. Chỉ di chuyển khi thấy trần nhà phía trên có xu hướng sập xuống thôi.
Tốt nhất là chui xuống gầm bàn, tay bảo vệ phần nguy hiểm nhất
Thứ 2, bạn không nên chạy qua những cánh cửa, trừ phi bạn đang ở gần nó và hiểu rất rõ kết cấu cùng vật liệu làm ra vững chắc đến thế nào. Trên thực tế, nhiều văn phòng sử dụng vật liệu nhẹ để thiết kế khu vực cửa, nên có thể khi mở ra, bạn sẽ khiến toàn bộ khu vực sập xuống.
Tương tự, tuyệt đối không sử dụng thang bộ.
Thứ 3 là không sử dụng thang máy trong thời gian động đất. Các chấn động gây ra có thể khiến bảng mạch bị chập, làm điện bị rò ra, hết sức nguy hiểm. Hơn nữa, sẽ chẳng có gì bi kịch bằng việc bị kẹt hẳn trong thang máy, không thể ra được khi đang có động đất đâu.
Sử dụng thang máy khi có động đất là rất nguy hiểm
Và cuối cùng, đừng vì hốt hoảng mà chạy tán loạn. Khoa học đã chỉ ra rằng hầu hết các trường hợp bị thương khi có động đất xảy ra trong lúc di chuyển. Vậy nên tốt nhất, hãy ở yên một chỗ là được.
Đừng chạy tán loạn, nguy hiểm vô cùng