Trước hàng loạt sai sót kỹ thuật tại cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, sau khi thị sát công trình tại Hải Phòng, lãnh đạo Bộ Giao thông phê bình Ban Quản lý dự án 2, Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.
Cầu vượt biển dài nhất Việt Nam sẽ thông xe vào tháng 8/2017. Ảnh: Hải Sâm/Dân trí |
Theo thông tin trên báo Dân trí, VnExpress, sáng 14/7, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cùng đại diện Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đã kiểm tra hiện trường Dự án đường ô tô Tân Vũ- Lạch Huyện (Hải Phòng). Tại đây, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đã phê bình nghiêm khắc ác đơn vị thực hiện dự án, bao gồm: Ban Quản lý dự án 2, Tư vấn giám sát và nhà thầu thi công.
Thứ trưởng Công cũng khẳng định, không có chuyện nứt dầm cầu vượt biển dài nhất Việt Nam, Theo Thứ trưởng Công, trong số 11 “lỗi” kỹ thuật mà Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng chỉ ra thì có 6 lỗi khuyến cáo và 5 lỗi sai sót kỹ thuật, trong đó có 3 lỗi thuộc cầu vượt biển, còn lại 2 lỗi ở cầu sông Cấm (dài 74m) và đường dẫn lên cầu.
“Hiện nay một số lỗi kỹ thuật đã được nhà thầu khắc phục xong, một số đang trong quá trình xử lý và được giám sát sát chặt sẽ nhằm đảm bảo công trình có chất lượng tốt nhất”, Thứ trưởng Công nhấn mạnh.
Với vai trò chủ đầu tư dự án, Ban Quản lý dự án 2 cũng yêu cầu tư vấn giám sát, nhà thầu nghiêm túc chấn chỉnh, kiểm điểm các cá nhân, đơn vị để xảy ra khiếm khuyết tại dự án.
Cũng theo Ban quản lý dự án 2, về đánh giá của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước “Cầu Sông Cấm thi công một dầm T không đảm bảo kích thước hình học theo thiết kế nên khi lắp đặt bị vượt cao độ khoảng 5cm so với các dầm còn lại”, Ban Quản lý dự án 2 cho biết, trong quá trình chế tạo, chiều dày của dầm T đã lớn hơn so với thiết kế.
Khi thi công, đơn vị tư vấn và nhà thầu đánh giá dầm đảm bảo khả năng chịu lực theo thiết kế. Theo đề xuất của tư vấn, nhà thầu sẽ sử dụng vữa để bù vênh vị trí chênh sau khi đã kiểm toán đánh giá tải trọng.
Về vị trí mối nối các đốt dầm SBS được làm kín bằng keo có hiện tượng thấm nước và có nước đọng trong lòng dầm hộp, chủ đầu tư cho biết đã kiểm tra hiện trường, ghi nhận 15 trong số hơn 1.300 vị trí có hiện tượng thấm. Nguyên nhân là do quá trình thi công nối hai đốt dầm bằng keo Epoxy, một số điểm nối không sạch bụi, dẫn đến bề mặt keo bám bụi. Nước qua đó thấm vào lòng dầm hộp.
Liên quan đến “chất lượng thi công lớp bê tông nhựa trên mặt cầu Đình Vũ - Cát Hải còn một số tồn tại như độ bằng phẳng không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật, thi công mối nối dọc chưa tốt; bề mặt tồn tại nhiều vệt lu lốp; một số vị trí bề mặt bê tông nhựa rời rạc, độ rỗng lớn”, Ban quản lý dự án 2 cho biết, hầu hết vị trí có độ gồ ghề lớn nằm tại các mối nối ngang, vị trí dừng máy rải thi công, thiếu công tác lu hoàn thiện.
Trước những sai phạm ở công trình trên, dưới góc nhìn của chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng Hà Nội nhận định: "Việc để xảy ra hàng loạt lỗi đối với công trình cầu vượt biển dài nhất Việt Nam như vậy là không thể chấp nhận được và phải làm rõ, xử lý nghiêm trách nhiệm".
PGS.TS Hùng cũng đề nghị cần phải kiểm tra tổng thể lại toàn bộ công trình để xem xét kỹ càng, đánh giá toàn diện từng hạng mục thi công.
Bởi theo ông Hùng, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước mới chỉ kiểm tra trong một thời gian ngắn nên có thể chưa phát hiện được hết các lỗi của công trình mà các đơn vị gây ra.
Đức Hòa (tổng hợp)