Tam thất rừng là mặt hàng hiếm được các đại gia “tranh nhau” săn tìm. Thậm chí, có người không ngại chi ra hơn 100 triệu đồng để mua củ tam thất rừng có trọng lượng “khủng” đến 3kg.
Tam thất được y học biết đến từ lâu với nhiều tác dụng tốt cho sức khỏe. Chính vì lý do này mà các “đại gia” tranh nhau săn tìm tam thất để sử dụng và nhất là làm quà biếu cho mùa tết đang đến gần.
Hiện tại, trên thị trường, tam thất được bán ra chủ yếu là loại tam thất được nuôi trồng nhân tạo. Loại tam thất này cũng có 2 loại chính là củ tươi và củ khô, mức giá cũng không cố định, dao động từ 2 - 3 triệu đồng/kg tùy kích cỡ. Theo kinh nghiệm của một số người tiêu dùng, tam thất dùng tươi sẽ tốt hơn rất nhiều so với dùng tam thất khô.
Tam thất đang được giới nhà giàu săn đón. Nguồn: Dân Trí |
Trên báo Dân trí, anh Trần Thế Cường, chủ một cửa hàng tam thất ở Nam Trung Yên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, ngoài 2 loại tam thất trên, các đại gia Việt còn rất ưa chuộng loại tam thất hoang (tam thất rừng). Vì mặt hàng này được khai thác hoàn toàn từ tự nhiên nên có chất lượng rất tốt. Đồng thời, giá bán của loại tam thất này cao gấp nhiều lần so với tam thất được trồng nhân tạo.
Được biết, tam thất rừng loại 25 - 30 củ/kg, giá 4 - 5 triệu đồng/kg, tam thất tươi còn nguyên lá khai thác trên rừng có giá 6 triệu đồng/kg. Riêng với loại củ to từ 0,5 - 1 kg/củ, giá khoảng 16 - 18 triệu đồng. Đặc biệt, theo anh Cường, với loại tam thất có trọng lượng khoảng 3 kg/củ có giá trên thị trường lên đến 35 triệu đồng/kg.
Mặc dù loại tam thất có trọng lượng lớn như trên có giá cao tuy nhiên có rất nhiều khách hàng có nhu cầu đặt mua. Mỗi lần đặt mua họ thường đặt đến 2 - 3 kg chứ không đặt nhỏ lẻ.
Cũng trên báo Dân trí, anh Nguyễn Tấn Tài ở Nguyễn Khang (Cầu Giấy) chia sẻ, để mua được loại tam thất có chất lượng tốt, có trọng lượng 0,5 kg/củ, anh phải đặt từ đầu tháng 9, tới cuối tháng 10 mới có hàng. Thậm chí, anh Tài còn phải mua qua tay thương lái với giá 24 triệu đồng/kg.
Tuy nhiên, theo một số nguồn tin trên báo chí, hiện nay, có rất nhiều thương lái khu vực phía nam đã sử dụng tam thất để trộn qua bột chì, hoặc sơ chế để biến thành sâm ngọc linh nhằm lừa khách hàng. Nguồn tam thất mà các thương lái sử dụng để lừa đảo khách hàng có xuất xứ chủ yếu là từ Trung Quốc và hàng trôi nổi của Việt Nam.
Báo Người Đưa Tin đã đăng tải ý kiến của một đầu nậu buôn sâm giả đã “gác kiếm”: “Trên thị trường hiện nay 99,9% đều không phải sâm Ngọc Linh mà là tam thất Vũ Điệp! Đây là loại cây rất nhiều ở các tỉnh phía Bắc, Vân Nam Trung Quốc và chỉ có giá khoảng 800.000 đồng/kg. Tam thất cùng họ với sâm Ngọc Linh, về củ, hoa, lá và trong thành phần củ này cũng có một số hoạt chất giống sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, tam thất Vũ Điệp mỗi năm tăng trưởng từ 7-10 đốt, trong khi sâm Ngọc Linh chỉ tăng một đốt. Khi đưa ra thị trường, đặc biệt lại xuất phát từ vùng đất Kon Tum, nơi được biết đến là “thánh địa sâm Ngọc Linh”, tam thất Vũ Điệp nghiễm nhiên trở thành sâm Ngọc Linh được bán với đủ các giá từ vài triệu đồng/kg đến vài chục triệu đồng/kg. Những ngày giáp Tết Nguyên đán, do nhu cầu mua làm quà ra Thủ đô biếu, có người đã phải mua với giá 70 triệu đồng/kg”.
Nhân Văn (tổng hợp)