Một đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương và đã đề nghị cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới.
Trong phiên thảo luận về dự thảo Luật Hộ tịch tại phiên họp Quốc hội sáng 28/10, đại biểu Nguyễn Thị Nhung cho rằng, dự luật không quy định nguyên tắc đặt tên cho con sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương khi cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt.
Bà Nhung dẫn chứng có những người đặt tên cho con theo tên nước ngoài hoặc tên gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ; hoặc tên quá dài, gây phức tạp khi sử dụng, như Lê Hoàng Hiếu Nghĩa Đệ Nhất Thương Tâm Nhân.
“Đó là những vướng mắc ở cơ sở mà cán bộ hộ tịch đã cho ý kiến khi chúng tôi đi giám sát. Vì vậy, tôi đề nghị nếu luật Hộ tịch không quy định xác định họ, dân tộc và nguyên tắc đặt tên thì cần xây dựng một luật mới là luật Đặt tên hay quy định rõ hơn trong bộ luật Dân sự sửa đổi sắp tới”, bà Nhung nói.
Một đại biểu Quốc hội cho rằng, việc cha mẹ đặt tên cho con không thuần Việt sẽ làm khó khăn cho cán bộ hộ tịch ở địa phương. Ảnh minh họa
Đại biểu Nhung đề nghị luật quy định nguyên tắc đặt tên và xác định họ dân tộc cho con phù hợp với văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, tránh tình trạng vì mong muốn của bố mẹ mà họ và dân tộc của con không phù hợp phong tục, tập quán. Ví như cha mẹ là người dân tộc, nhưng lại lấy họ Nguyễn làm phát sinh họ mới, gây nhầm lẫn và trái phong tục.
Trao đổi với phóng viên, PGS.TS. Phùng Trung Tập, giảng viên ĐH Luật Hà Nội cho rằng, việc đặt tên cho một đứa con mới sinh hay của con người nói chung không có một nguyên tắc nào cả. Tên gọi không có ý nghĩa về mặt triết tự, nó chỉ đóng vai trò xác định và cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân kia. Tuy nhiên, khi cha mẹ đặt tên cho con cần lưu ý đến một số yếu tố như: tên gọi đó không được xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của bất kỳ người nào; không được tục tĩu, phản cảm về mặt văn hóa và cái tên đó phải phát âm được, viết được bằng tiếng Việt.
“Tên của cá nhân là quyền nhân thân cá nhân do cha mẹ đặt cho đứa con mới sinh, để cá biệt hoá cá nhân này với cá nhân kia. Sự cá biệt hóa được ghi trong giấy khai sinh và nó là cơ sở pháp lý để sau này được xác định cá nhân đó mang tên gọi đó.
Mỗi công dân Việt Nam chỉ được mang một tên, đó là tên chính thức được ghi trong sổ hộ tịch, giấy khai sinh. (Các bí danh của cá nhân có thể có, nhưng khi xác định tư cách chủ thể của cá nhân đó là ai, thì phải căn cứ vào giấy khai sinh của cá nhân đó – theo khoản 1, Điều 26 Bộ luật dân sự).Tên gọi đó là cơ sở pháp lý để xác định cá nhân đó là công dân Việt Nam, được thực hiện quyền và nghĩa vụ của công dân đối với nhà nước, được hưởng mọi quyền dân sự, chính trị và được bảo vệ theo quy chế mà hiến pháp Việt Nam đã quy định”, ông Tập phân tích.
Theo đó ông Tập cho rằng: “Chúng ta không nên đưa ra nguyên tắc đặt tên con người. Ở đây chỉ giữ về thành phần dân tộc, giữ về dòng họ. Chữ đệm và tên gọi của cá nhân là do tùy thích của cha mẹ và những người thân thích của một con người được sinh ra. Chúng ta không có khái niệm tên dài hay tên ngắn. Tên gọi ở đây có thể mang một ý nghĩa nào đó về những kỷ niệm của cha mẹ về tình yêu, cuộc sống…,thậm chí đánh dấu một làng xã nào đó hay một sự kiện đáng nhớ của cha mẹ. Tên gọi cũng có thể là theo sở thích của cha mẹ. Cá nhân này với cá nhân kia có thể trùng tên nhưng tên gọi mang quyền nhân thân, mọi cá nhân có thể mang họ tên”.
PGS.Tiến sĩ Phùng Trung Tập, giảng viên ĐH Luật Hà Nội
Về trường hợp một số tên gọi mà đại biểu quốc hội Nguyễn Thị Nhung cho rằng gây mặc cảm như: Lê Văn Thật, Nguyễn Văn Lỳ …theo PGS.TS. Phùng Trung Tập những tên gọi này “không vấn đề gì” vì nó phát âm được, cũng không xúc phạm đến ai, không xâm phạm đến phong tục tập quán.
“Mọi người có quyền đặt tên theo từ điển Tiếng việt. Trong hơn 70 ngàn từ đó có thể có từ ngoại lai, từ Hán việt, thuần việt và có thể có từ dính dáng đến công nghệ và cũng có thể liên quan một chút đến người nước ngoài vì bố hoặc mẹ là người ngoại quốc ….
Những ví dụ mà vị đại biểu quốc hội trên đưa ra là những tên được ghép bằng tiếng Việt, phát âm được và phân biệt anh này với anh kia; cô này với cô khác... Những tên gọi này không xúc phạm đến ai, không xâm phạm đến văn hoá và cũng không phản cảm về âm tiết của tiếng việt. Quan điểm cho rằng đó là những tên gọi gây phản cảm, làm khó cán bộ hộ tịch địa phương là không chuẩn xác”. - ông Tập chia sẻ quan điểm.
Trước ví dụ bố mẹ là người dân tộc nhưng con lại mang họ Nguyễn mà đại biểu Nhung cho là không phù hợp với văn hoá truyền thống, phong tục tập quán, PGS.TS. Phùng Trung Tập cho rằng, suy nghĩ thay đổi họ là phá vỡ bản sắc dân tộc quá máy móc. Ông trích dẫn tại Điều 26 Bộ luật dân sự năm 2005 quy định:
“1. Cá nhân có quyền có họ, tên. Họ tên của một người được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó.
2. Cá nhân xác lập, thực hiên quyền, nghĩa vụ dân sự theo họ, tên của mình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận”.
Về thay đổi đối với họ, tên. Tại Điều 27 Bộ luật dân sự quy định: “Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi họ, tên trong các trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có họ, tên mà việc sử dụng họ, tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Bộ luật dân sự năm 2005 thì, bố, mẹ có quyền: “Thay đổi họ cho con từ họ của cha sang họ của mẹ hoặc ngược lại”.
“Một đứa trẻ ra đời có thể mang họ của bố hoặc họ của mẹ và luật pháp Việt Nam cũng không cấm có thể mang họ khác nếu như cha mẹ thoả thuận được bởi vì sự thay đổi họ của đứa trẻ đó không ảnh hưởng gì đến truyền thống văn hoá (Tuy nhiên họ, tên của cá nhân phải được xác định theo họ, tên khai sinh của người đó). Phong tục không phải là pháp luật mà chỉ là mang bản sắc riêng của 1 dân tộc nào đó và nó được lặp đi lặp lại trong cuộc sống thành một quy ước của dân tộc nào đó. Nó có tính bản vi chứ không đại thể cho toàn quốc. Chúng ta đừng nên máy móc cứ thay đổi họ thì phá vỡ bản sắc dân tộc.
Quan điểm này không có tính thuyết phục. Tuy nhiên, đứa trẻ sinh ra mang họ của cha, của mẹ có tính kế thừa, mang dòng dõi của tổ tông. Nhưng không phải thay đổi tên họ là phá vỡ quy luật huyết thống nếu họ vẫn biết về dòng họ của mình, họ thay đổi được nhưng huyết thống không thay đổi được. Tên họ không phải là căn cứ để xác định quan hệ huyết thống”, ông Tập nói.
Theo H.Minh/Người Đưa Tin