Đa phần các bạn trẻ đều đang trong giai đoạn thích nghi với môi trường học tập và cuộc sống mới. Việc học ở các trường hàng đầu luôn gắn liền với những áp lực, đòi hỏi cao ở bản thân. Bạn có thể là người rất xuất sắc ở quê nhà, nhưng khi sang Mỹ hay Canada... mọi thứ đều phải bắt đầu từ vạch xuất phát.
Kiếm học bổng tiền tỷ đi du học giờ đây chẳng phải là điều viển vông hay cái đích khó chạm đến với nhiều người trẻ. Trong năm 2017, chúng ta đã lắng nghe rất nhiều câu chuyện, được gặp gỡ với khá nhiều gương mặt trẻ tài năng. Họ không chỉ có điểm số cao trong học tập mà còn theo đuổi những suy nghĩ đột phá chinh phục được hội đồng tuyển sinh khó tính của các trường ĐH danh tiếng trên thế giới.
Chúng ta nghe thấy một nữ sinh Ams được nhận vào Harvard để học về Nhân văn, một du học sinh Việt hào hứng đến ĐH Johns Hopkins ở tuổi 24 với học bổng tiến sĩ giá trị lớn, một cậu bạn gửi bài luận "thách thức" ban tuyển sinh và được nhận ngay vào ĐH Chicago - ĐH top 10 tại Mỹ... Tất cả họ đều là những điểm sáng đáng tự hào trong tổng thể bức tranh giáo dục năm qua.
Nhập học rồi, các bạn có đi nhanh trên con đường đã định hay dừng lại để lắng nghe tiếng nói bên trong mình? Môi trường học tập ở các nước tiên tiến như thế nào? Du học bằng học bổng giá trị có áp lực gì không?
Hãy cùng tìm câu trả lời qua bài viết cập nhật những thông (sinh năm 1999, tại Hà Nội). Cùng với sự danh giá của ngôi trường, Tôn Nữ trở thành "thỏi nam châm" thu hút rất nhiều sự quan tâm của cộng đồng. Nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ với nữ sinh.
Nhưng cô bạn cá tính này đã quyết định không nhập học Harvard ngay mà sẽ gap year 1 năm. Trong khoảng thời gian ấy, nữ sinh Việt dành thời gian để yêu gia đình, bạn bè hơn và rèn kỉ luật học tập, ngay cả khi không phải đi thi! Với lý do hay ho ấy, Tôn Nữ chỉ mất 6 phút để nhận được một cái gật đầu của Harvard.
Trong thời gian gap year, Tôn Nữ đã trở thành thành viên của International Catalysts for Empowerment (ICE). Đây là một tổ chức có sứ mệnh kết nối các học sinh từ những nền tảng giáo dục khác nhau, nhằm rút ngắn khoảng cách và sự bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục.
Nữ sinh tham gia một trại hè kéo dài trong 5 ngày tại Quảng Ngãi, cô bạn lên nội dung cho chương trình về tư duy phản biện dành cho các học sinh ở vùng nông thôn Quảng Ngãi.
Ngoài ra, Tôn Nữ vẫn tiếp tục nghiên cứu triết học và văn hoá châu Á. Hiểu về văn hóa nơi mình sinh ra và lớn lên từ gốc rễ, chính là cách để tiếp thu tốt hơn những kiến thức mới sẽ được học trong 4 năm sắp tới tại Harvard. Đây cũng là cách cô bạn giảm tải áp lực cho bản thân trước những thử thách cao vời vợi ở ngôi trường hàng đầu thế giới.
Sao Ly: Choáng ngợp vì ở Johns Hopkins ai cũng hoàn hảo
Tháng 4 khởi đầu bằng một tin tức tốt lành! Nguyễn Thị Sao Ly (sinh năm 1993, tại Đà Nẵng) chia sẻ mình nhận được học bổng tiến sĩ của 8 trường Mỹ danh tiếng gồm MIT, Johns Hopkins, Cornell University, University of California San Diego, University of Chicago, Rice University, University of Texas Southwestern và Baylor University.
Cô gái xinh đẹp đã chọn học tại ĐH Johns Hopkins (top 5 trường Y tốt nhất thế giới). 9X được cấp học bổng toàn phần có giá trị lên đến 410.000 USD cho 5 năm học (hơn 9,3 tỷ đồng).
9 tháng sau ngày nhận được tin vui ấy, cuộc sống của Sao Ly đã có nhiều thay đổi. Cô chuyển đến một thành phố mới thuộc khu bờ Đông của nước Mỹ để tiện cho việc học tại trường.
"Mình vào học ở Johns Hopkins được 4 tháng rồi. Ly thấy chương trình học rất khó, mọi người xung quanh thì cực kỳ giỏi, toàn diện. Điều đó làm mình cảm thấy đôi chút choáng ngợp. Mình tự động viên bản thân là hãy cứ coi đây là cơ hội để học hỏi và cố gắng nhiều hơn.
Hiện tại, Ly đang học năm thứ nhất. Trong năm này thì mình sẽ làm 3 rotations (luân phiên giữa các chuyên khoa như tim mạch, nội tiết....) rồi sau đó chọn ra một chuyên ngành để theo trong 4-5 năm nữa", Sao Ly chia sẻ.
Lâm Quang Nhật: Mê hoạt động ngoại khóa ở ĐH Chicago
Tháng 8/2017, Lâm Quang Nhật - cựu nam sinh của lớp 12 chuyên Anh, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Bình Định) đã trở thành tân sinh viên ĐH Chicago (Mỹ). Đây là ngôi trường có mặt trong top 10 ĐH hàng đầu nước Mỹ, nơi GS Ngô Bảo Châu và GS Đàm Thanh Sơn giảng dạy.
Cậu bạn nhận được mức học bổng trị giá 6,5 tỷ cho 4 năm học. Nhật và câu chuyện mạo hiểm gửi bài luận "thách thức" ban tuyển sinh và bất ngờ được nhận vào trường đã thu hút không ít sự chú ý của cộng đồng quan tâm tới du học trong năm qua.
Nhật hòa nhập khá nhanh sau khi vào trường và chăm tham gia các hoạt động ngoại khóa. Hiện tại, cậu là thành viên Analyst (nhà phân tích) ở International Leadership Council: Entrepreneurship Division. Đây là một tổ chức khá cạnh tranh trong trường, sinh viên được tập trung vào tài chính, công nghệ và khởi nghiệp.
Nhật tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa, việc học chỉ chiếm một phần nhỏ trong quỹ thời gian của cậu tại ĐH Chicago.
Bên cạnh đó, Nhật còn làm việc ở một tờ báo khoa học tên là The Triple Helix: Scientia Division. Học kỳ vừa rồi Nhật có phỏng vấn và viết bài về một giáo sư vật lý thiên văn học trên tờ báo này, và sắp tới sẽ làm phụ tá nghiên cứu cho thầy. Một câu lạc bộ khác mà Nhật tham gia là TechTeam - câu lạc bộ công nghệ civic và Society of Physics Students (Hội sinh viên Vật lý).
"Cuộc sống của mình ở đây không chỉ quanh quẩn với việc học. Có rất nhiều sự kiện, cơ hội cũng như những con người hay ho, thú vị để giao lưu và kết bạn. Việc học hành chỉ chiếm một phần nho nhỏ trong cuộc sống hàng ngày của mình", Nhật hào hứng chia sẻ.
Thảo Nguyên: Áp lực tự học ở ĐH British Columbia
Nguyễn Thảo Nguyên (sinh năm 1999, tại Hà Nội) cũng là gương mặt thu hút sự chú ý của giới trẻ trong năm qua. Cô bạn xuất sắc được 9 trường Mỹ nhận hồ sơ du học trong đó có 7 trường cấp học bổng từ 14.000 đến 35.000 USD/năm (hơn 318 triệu đồng - 795 triệu đồng/năm). Thảo Nguyên đã quyết định nhập học ĐH British Columbia ở Vancouver, Canada.
Cô bạn sinh năm 1999 vẫn trong giai đoạn thích nghi ở ĐH.
Từng là học sinh trường quốc tế, sớm tiếp cận với phương pháp giáo dục hiện đại... song Thảo Nguyên vẫn gặp không ít bỡ ngỡ khi trở thành sinh viên một trường ĐH ở nước ngoài.
"Mình thấy việc học ở trường không hề dễ dàng thậm chí là khá vất vả. Mình chỉ biết cố hết sức thôi. Hầu hết các môn học thầy cô đều yêu cầu sinh viên tự nghiên cứu, không hướng dẫn chi tiết như hồi học cấp 3. Mới vào học, mình cũng không biết hết các tiêu chuẩn để đánh giá những bài tập hay dự án được giao.
Tuy nhiên, môi trường học tập ở đây lại là một điểm cộng lớn. Bạn bè rất thân thiện và hòa đồng. Họ đến từ nhiều nơi khác nhau. Mình rất thích cuộc sống ở đây dù phải tập làm quen với cách sống trong ký túc xá, chuyện xa nhà cũng còn nhiều khó khăn nhưng mình tin bản thân sẽ thích nghi được", Nguyên nói.
Kiều Phương: Vất vả cấp 3 chẳng thấm tháp gì so với ĐH ở Mỹ
Ngô Hà Kiều Phương (sinh năm 1999, tại Hà Nội) trở thành 0,03% người đạt điểm tuyệt đối trong số 1,7 triệu người thi SAT khi đạt 2400/2400 điểm. Điểm số ấn tượng này đã giúp Kiều Phương mở cánh cửa bước chân vào đại học danh giá Vanderbilt (Mỹ). Đây là ngôi trường top 15 trường ĐH hàng đầu ở Mỹ.
Xuất sắc như thế nhưng khi nhập học ĐH Mỹ, Kiều Phương cũng gặp không ít khó khăn. Cô bạn nhận thấy cấp 3 đã học tập vất vả rồi, nhưng cũng chẳng thấm tháp gì so với khi vào ĐH ở Mỹ.
"Cấp 3, mình học ở trường 13 môn. Sang Mỹ, một học sinh trung bình học 5 môn mỗi kỳ. Ban đầu mình tưởng việc học sẽ nhẹ nhàng. Nhưng mình đã sai cực kì. Khoảng thời gian 3 năm vừa học chuyên vừa ôn thi đủ thứ chứng chỉ mà mình từng tưởng là rất vất vả rồi chẳng là gì so với khối lượng công việc của kỳ vừa qua.
Dù chỉ học vài môn, chương trình học yêu cầu học sinh hiểu rất sâu và rất chắc những phần kiến thức ấy. Ví dụ như khi học về Sexism (phân biệt giới tính) trong lớp Sociology (Xã hội học), bọn mình không chỉ học trong sách giáo khoa mà cần đọc rất nhiều bài báo, đoạn trích từ các tiểu thuyết, và phân tích cả những sản phẩm truyền thông khác như phim, nhạc...", Kiều Phương cho biết.
Dù học tập vất vả nhưng Kiều Phương rất thích môi trường học ở trường. Cô bạn được tự do thể hiện khả năng và quan điểm cá nhân. Sinh viên không bị áp lực chuyện phải có một ý kiến đúng duy nhất hay giáo sư là người có quyền quyết định đúng sai. Sinh viên được khuyến khích thoải mái đưa ra quan điểm cá nhân, miễn là có thể giải thích cho quan điểm ấy một cách logic. Đó chính là một nơi tuyệt vời cho những bạn trẻ thông minh như Kiều Phương.