Trước việc Cục Nghệ thuật biểu diễn công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó có ca khúc Tiến quân ca - quốc ca Việt Nam gây nhiều tranh cãi, Phó Thủ tướng Vũ Đức vừa có văn bản yêu cầu chấn chỉnh cục này.
Ngày 2 tháng 9 năm 1945, "Tiến quân ca" chính thức được cử hành trong ngày Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình bởi Ban nhạc Giải phóng quân do Đinh Ngọc Liên chỉ huy. Năm 1946, Quốc hội khóa I đã quyết định chọn "Tiến quân ca" làm "Quốc ca". |
Theo thông tin trên VGP, VOV, Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chấn chỉnh việc cấp phép phổ biến tác phẩm âm nhạc và hoạt động biểu diễn nghệ thuật.
Nội dung văn bản nêu rõ: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nghiêm túc thực hiện ý kiến kết luận của Phó Thủ tướng tại cuộc họp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ ngày 26/4/2017.
Cụ thể, Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động biểu diễn nghệ thuật, đề xuất sửa đổi phù hợp với yêu cầu phát triển.
Các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường chỉ đạo, chấn chỉnh, nâng cao năng lực quản lý, thực thi pháp luật của Cục Nghệ thuật biểu diễn.
Trước đó ngày 19/5, Cục Nghệ thuật Biểu diễn đã công bố danh sách hơn 300 bài hát được phổ biến rộng rãi, trong đó chủ yếu là sáng tác nhạc đỏ nổi tiếng như Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Trường Sơn Đông – Trường Sơn Tây, Ca ngợi Hồ Chí Minh, Như có Bác trong ngày vui đại thắng, Tiến quân ca...
Điều này đã gây nhiều tranh cãi trong công chúng khi cho rằng các ca khúc đã đi vào lịch sử, thậm chí ngay cả ca khúc Tiến quân ca - Quốc ca của nhạc sĩ Văn Cao mà mới đây mới được cấp phép là vô lý, việc cập nhật vào danh mục phổ biến là không cần thiết, chỉ là “thừa giấy vẽ voi”.
Đến ngày 21/5, Cục này đã lên tiếng đính chính rằng "chỉ cập nhật thêm 300 bài hát này vào danh mục các ca khúc đã phổ biến rộng rãi chứ không phải cấp phép mới". Tuy nhiên, lời giải thích này vẫn khiến dư luận bức xúc, khó chấp nhận.
Về việc này, ca sĩ Trọng Tấn cũng nêu quan điểm, việc cập nhật 300 ca khúc nhạc đỏ vào danh sách phổ biến rộng rãi là đúng, là cần thiết, nhưng cách làm của Cục Nghệ thuật Biểu diễn dễ gây hiểu lầm và nhiễu loạn thông tin không đáng có.
"Tôi tin rằng Cục Nghệ thuật Biểu diễn không hề có ý “cấp phép Quốc ca” như một số người bàn luận. Hơn ai hết, Cục hiểu rằng họ không có quyền ấy. Quốc hội đã phê chuẩn Tiến quân ca là Quốc ca, đó đã là một tài sản của quốc gia", ca sĩ Trọng Tấn nhận định.
Ngoài Tiến quân ca, những ca khúc nói về truyền thống cách mạng, tình yêu quê hương đất nước, chắc chắn cũng sẽ luôn được phổ biến và yêu thích, như một thực tế không phải tranh cãi. Nhưng vì không làm rõ thông tin, câu chữ từ đầu nên mọi người đã hiểu sang vấn đề cấp phép và chỉ trích Cục Nghệ thuật Biểu diễn như mọi người đều biết.
Đức Hòa (tổng hợp)