Cách đây 4 năm, khắp nơi xôn xao chuyện hai cha con ông Dương Đình Thắng (SN 1955, thôn Đức Nghiêm, xã Ngọc Sơn, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) có khả năng ngậm dây điện để thắp sáng...
Cuộc sống của cha con dị nhân hiện tại ra sao? Câu hỏi ấy đã thôi thúc chúng tôi trở về thôn Đức Nghiêm vào một ngày hè nắng gắt...
“Dị nhân” miễn nhiễm với điện bỗng dưng ngừng “phát điện”
Tìm về thôn Đức Ngiêm, xã Ngọc Sơn vào một trưa hè nóng bức, vừa mới đến đầu làng hỏi thăm ông Thắng “điện”, bà con nơi đây đều hồ hởi chỉ đường. Họ thao thao bất tuyệt kể về câu chuyện cách đây 4 năm, 3 thế hệ trong một gia đình đã khiến dư luận xôn xao vì khả năng đặc biệt: “miễn nhiễm với điện”.
Những con người đặc biệt đó gồm ông Dương Đình Thắng, con trai cả Dương Minh Lợi và cháu Dương Tiến Mạnh (con trai anh Lợi). Ba người trong một gia đình cùng có khả năng đặc biệt này, phải chăng đó là “gen di truyền”?
Ông Thắng cho biết: “Từ khi tin đồn tôi có khả năng “miễn nhiễm với điện” lan xa, nhiều người hiếu kỳ kéo tới nhà bày tỏ nguyện vọng muốn được tận mắt chứng kiến. Thời gian đầu tôi “biểu diễn” nhiệt tình, song sau này sức khỏe giảm sút, gia đình tôi ngăn cản, nên tôi từ chối. Hôm nay nể nhà báo lặn lội đường xa vất vả trong thời tiết nắng nóng nên tôi cho dây điện qua người để nhà báo kiểm nghiệm”.
Để chứng tỏ khả năng dẫn điện của mình, ông Dương Đình Thắng lập tức chuẩn bị “đồ nghề” là các dây điện đủ loại, bút thử điện và bóng đèn. Ngay sau đó, ông để dòng điện chạy qua người và nối với một bóng đèn điện, nhiều người có thể hình dung ông Thắng giống như một vật dẫn điện nối từ nguồn điện đến các thiết bị điện.
Thao tác dẫn điện được thực hiện như sau, ông Thắng vừa ngậm dây điện vào miệng vừa buộc hai chân bóng đèn 220V vào tay mình, biến mình thành người truyền tải điện, tất cả những người có mặt tại đó đều nhìn thấy bóng đèn phát sáng. Người con trai cả của ông là anh Dương Minh Lợi như hiểu ý bố nên cầm bóng đèn ngủ đặt lên bàn tay của bố, bóng đèn ngủ liền phát sáng mà không hề bị điện giật. Chúng tôi liền dùng bút thử điện đặt lên cánh tay anh Lợi, bút thử điện liền phát ra ánh sáng đỏ bên trong. Quả là “trăm nghe không bằng một thấy”.
Ông Thắng biểu diễn khả năng của mình. |
Khi người con trai của ông Thắng vừa thả bút thử điện từ tay ra, ông liền cầm lên và chạm vào cơ thể nhưng bút thử điện lần này không sáng, ông liền bảo đưa cái bút khác cho ông, tuy nhiên, bút thử điện tiếp tục không sáng. Thấy chúng tôi tỏ vẻ nghi ngờ, ông liền nhanh miệng đáp: “Lần này lạ thật, chắc do tuổi cao, sức khỏe giảm nên khả năng trong tôi cũng theo đó mà hạn chế dần. Hoặc có thể lâu nay tôi không sửa hay động chạm gì đến điện nên khả năng bị mất dần”.
Sau giờ nghỉ trưa, chúng tôi tiếp tục bày tỏ nguyện vọng muốn ông Thắng thử lại một lần nữa với bút thử điện. Ông không ngần ngại nối một đầu dây với bóng điện và cắm vào người, một tay dùng bút thử điện đặt lên trán nhưng bút điện vẫn không phát sáng. Chưa có kết luận chính xác cho hiện tượng này nhưng tính đến thời điểm gần đây nhất, dường như nguồn điện trong người ông Thắng đã không còn nữa?!
Trò chuyện với chúng tôi về khả năng của bố, anh Dương Minh Lợi (con trai cả của ông Thắng) cho biết: “Cách đây 4 năm, bố tôi còn khỏe mạnh và thể hiện được khả năng này cho đông đảo người xem, nhưng hiện nay chắc do sức khỏe ngày một kém nên ông không còn dẫn điện được nữa.
Khả năng miễn nhiễm với điện của ông thực ra được phát hiện từ rất lâu rồi chứ không phải mới 4 năm trở lại đây. Từ năm 1973 khi đang công tác trong ngành thủy lợi thì ông được cử đi phụ đội thi công đường dây điện 220 KV vì khá dày dạn kinh nghiệm trong lĩnh vực này. Trong quá trình thi công lắp đặt đường dây, ông nhiều lần chạm trực tiếp vào dây đang dẫn điện mà không thấy bị giật”.
Theo những gì chúng tôi được biết thì sau khi trở về quê nhà, ông cùng tổ điện năng của xã nhà bắt đầu xây dựng các trạm biến áp để kéo điện lưới. Năm 1990, khi hệ thống điện liên thôn, liên xã hoàn thiện, ông Thắng lại được Sở Điện lực Bắc Giang giao cho quản lý các trạm điện trong xã cho đến năm 2010 mới nghỉ.
Trong gần 20 năm làm quản lý điện của xã, mỗi khi hệ thống đường dây có vấn đề, ông vẫn giữ thói quen cầm trực tiếp vào dây điện để sửa chữa. Hoặc với dòng điện 220V, loại 3 pha bốn dây, mỗi khi chuyển từ pha nọ sang pha kia, ông cũng dùng tay trần chứ không cầm kìm, cũng không hề phải dập cầu dao. Tất nhiên, mỗi khi như thế ông đều cách âm. Từ ngày hoạt động trong lĩnh vực điện năng, ông chưa một lần xảy ra vấn đề gì về điện.
Còn trường hợp người con trai của ông là anh Dương Minh Lợi cũng được phát hiện khả năng miễn nhiễm với điện trong một lần làng mới có điện, các gia đình bắt đầu kéo điện về. Khi đó anh Lợi mới 10 tuổi và là một cậu bé rất hiếu động, luôn tò mò và thích khám phá. Một lần, sợi dây điện của chiếc bóng đèn trong nhà bếp bị đứt, vì không biết nên Lợi vô tư cầm vào để nối lại mà không bị điện giật. Hiện nay, anh Lợi đang làm nghề cơ khí và hàng ngày anh vẫn có thói quen cầm trực tiếp vào các cực âm, cực dương của nguồn điện cùng một lúc mà không hề có cảm giác gì.
Phát điện khi trạng thái cơ thể tốt?
Nói về hiện tượng người phát điện, ông Nguyễn Phúc Giác Hải - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng tiềm năng con người cho biết: “Đây là một hiện tượng dễ hiểu. Những lúc ông Thắng khỏe, có thể cho dòng điện chạy qua người và phát sáng là thời điểm ông có thể kháng cự được dòng điện chạy qua cơ thể. Còn khi cơ thể mệt mỏi và yếu thì khả năng của ông không còn.Đây chính là lý do khiến bút thử điện lúc phát sáng, lúc không phát sáng khi thử điện trên cơ thể ông Thắng.
Đến nay, không chỉ Việt Nam mà trên thế giới cũng có không ít người có khả năng giống như cha con ông Thắng ở Bắc Giang, tức là cho dây điện chạy qua người và làm cho bóng điện hay bút thử điện phát sáng mà không bị giật. Theo cá nhân tôi nghĩ, trong cơ thể họ có những chất xúc tác nào đó khiến không bị phản ứng với điện. Để giải mã cho hiện tượng đặc biệt này, khoa học cần thêm thời gian để nghiên cứu sâu hơn mới cho ra kết luận được”.
Nói thêm về hiện tượng này, ông Hải cho biết: Những người cơ thể có cường độ điện tương đối mạnh mới dễ gặp và gây ra những hiện tượng như thế. Hiện tượng này có thể còn phụ thuộc vào yếu tố khí hậu, môi trường, sức khỏe, tâm lý của mỗi người…
Để chứng minh cho những hiện tượng “đặc biệt” trên, ông Hải có dẫn chứng một vài trường hợp cũng tương tự như ông Thắng, một người đàn ông khỏe mạnh đứng chân đất cầm dây điện không bị giật nhưng khi trạng thái cơ thể thay đổi, người đàn ông đó không hề hay biết mà vẫn cầm dây điện nên đã bị điện giật gây tử vong.
Từ những lý giải khoa học, ông Hải đưa ra khuyến cáo tới mọi người, không nên thử dưới bất kỳ hình thức nào, có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng. Những trường hợp như ông Dương Đình Thắng cần được khoa học nghiên cứu và không nên lạm dụng khả năng của mình.
Thực vậy, trên thực tế, đã có ít nhất hai trường hợp “không sợ điện” tương tự như cha con ông Thắng nhưng cả hai đều đã chết vì điện giật.
Theo TS. Đỗ Kiên Cường (GV bộ môn Vật Lý, trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch TP.HCM), xét từ quan điểm vật lý và sinh học, hoàn toàn không có gì đáng xem là “chuyện lạ” trong khả năng của những người “miễn nhiễm với điện”. Đơn giản là họ có điện trở da đủ lớn (theo định luật Ôm: Cường độ dòng điện đi qua một vật dẫn tỉ lệ thuận với hiệu điện thế và tỉ lệ nghịch với điện trở) nên dòng điện đi vào cơ thể họ đủ nhỏ để không bị điện giật mà chỉ thấy một chút cảm giác “tê tê lan tỏa khắp người”.
Với người bình thường, khi cho một dòng điện đủ yếu chạy qua, bất cứ ai cũng sẽ có cảm giác đó. Tuy nhiên những “siêu nhân” không sợ điện cũng không nên quá hoang tưởng về khả năng của bản thân vì nguy cơ tử vong do điện giật có thể xảy đến bất cứ lúc nào. Vì điện trở của cơ thể người, trong đó có điện trở da, không phải là một giá trị hằng định theo thời gian. Nó thay đổi tùy thuộc vào các tính chất vật lý của môi trường và đặc trưng sinh lý và tâm lý của cơ thể. Khi thời tiết nóng ẩm sẽ làm giảm giá trị điện trở cơ thể và do đó làm tăng dòng điện. Khi vừa tắm xong hay khi cơ thể tiết nhiều mồ hôi, sờ tay vào đồ điện gia dụng, ta có thể bị giật nhẹ là vì vậy.
Cơ thể đói mệt, đầu óc đang căng thẳng, lo âu… cũng là các yếu tố nguy cơ vì góp phần làm giảm điện trở cơ thể. Và như một “khả năng đặc biệt” bất kì, một lúc nào đó, cơ thể có thể mất hoàn toàn khả năng cách điện. Nếu không cảnh giác, các “siêu nhân” có thể sẽ bị điện giật. Ngay cả khi khả năng cách điện vẫn còn tốt, các “siêu nhân” cũng cần biết rằng, điện lưới thông thường 220V có thể không đủ lớn để giật họ, nhưng với các điện thế cao hơn (điện ba pha 380V hay điện cao thế), câu chuyện sẽ hoàn toàn khác.
Minh Hùng