Tin mới

Sinh viên nghèo: Từ tủi nhục đến bị lạm tình

Thứ ba, 17/06/2014, 14:34 (GMT+7)

Có biết bao nhiêu câu chuyện về sự tủi hổ, về các cạm bẫy mà các bạn sinh viên đã chạm phải khi nhọc nhằn tìm việc làm thêm, hòng đỡ đần cha mẹ dưới quê.

Có biết bao nhiêu câu chuyện về sự tủi hổ, về các cạm bẫy mà các bạn sinh viên đã chạm phải khi nhọc nhằn tìm việc làm thêm, hòng đỡ đần cha mẹ dưới quê.

Xấu cũng có tội!

Chuyện xảy ra đã hơn một tuần, nhưng đến nay đó vẫn là cú sốc nặng nề đối với bạn Thanh Hương (sinh viên ĐH Hoa Sen). Hương cho rằng, từ lâu bạn luôn tâm niệm trình độ, kinh nghiệm là yếu tố quan trọng khi đi tìm việc làm.

Sinh viên nghèo: Từ tủi nhục đến bị lạm tình

Chuyện bắt đầu khi Hương tìm trên mạng thấy một cửa hàng bán đồ miễn thuế của sân bay Tân Sơn Nhất đang tuyển người. Trước đây, Hương cũng đã từng bán hàng ở nhiều nơi nên khá tự tin về kinh nghiệm của mình. Nhưng đến đó, lập tức bị người ta từ chối vì “đen đúa quá không hợp với nơi sang trọng”. “Câu nói trên thực sự đã hạ gục em. Thử hỏi ai phải bươn chải ngoài đường suốt ngày mà không đen. Có nhiều cách từ chối, vậy mà họ nỡ nói như vậy”, Hương buồn nói.

Ai cũng có thể thấy, việc làm mùa hè của sinh viên nhiều nhất chính là bán hàng. Vậy mà, bây giờ đến quán lề đường cũng đòi hỏi người phụ bán phải trắng trẻo, ăn mặc “hot” thì sinh viên tỉnh, vốn quen dãi nắng, dầm mưa coi như thua chắc.

Câu chuyện của bạn Thanh Xuân (sinh viên ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – KHXH&NV) minh chứng rõ nhất cho câu “xấu cũng có… tội”. Chuyện là Xuân muốn xin vào làm phục vụ cho một quán sinh tố trên đường Bùi Đình Tuý. Chủ quán khi nhìn thấy bạn đã tìm cách từ chối khéo: “Quán anh chủ yếu bán cho sinh viên nên cần bạn nào nhanh nhẹn và dễ nhìn xíu. Em thông cảm nhé!”

Có lẽ thấm thía được chuyện phải tủi hổ vì đen đúa, mà hè này bạn Lê Nhân (sinh viên ĐH Lao động – xã hội) cùng với em gái (cũng là sinh viên) quyết định mở một quán nước mía và sinh tố ở vỉa hè một con đường ở quận 2. “Ngày chỉ kiếm được năm bảy chục nhưng quan trọng là mình vẫn là mình, không bị ai chê bai dè bỉu”, Nhân nói.

Cũng theo Nhân, nhờ mở quán nước mía vỉa hè, thấy chị em chịu thương, chịu khó, có chị gần nhà tin tưởng, thuê giữ con được thêm tháng 3 triệu đồng. “Hết hè này, chị em em hẳn sẽ dư tiền đóng học phí, gửi về cho mẹ đôi chút”, Nhân chia sẻ.

Quỵt lương và lạm tình

Xin được một công việc phù hợp đã vất vả nhưng khi đi làm, các bạn còn gặp nhiều trở ngại, rắc rối hơn nữa. Bạn Thành An (sinh viên ĐH Luật) vẫn không giấu nổi sự bực dọc khi nói về công việc làm thêm của mình. An làm gia sư tiếng Hoa cho một chị ở quận 5. Mà chị học giờ hơi khác thường, từ 12g – 13g30. Tuy hơi bất tiện nhưng An cũng cố gắng đi dạy để kiếm thêm thu nhập. Nửa tháng trước, chị ấy bảo có việc bận nên không học được nữa, hẹn An tới nhà thanh toán học phí. “Mình đến bốn năm lần rồi, dù đã hẹn trước nhưng lần nào đến cũng không có chị ở nhà, gọi điện thì toàn nói bận hoặc khoá máy. Chắc không muốn trả tiền cho mình. Vài trăm ngàn với nhiều người là con số nhỏ, nhưng với sinh viên nhiều lắm chứ bộ. Cả tháng tiền ăn chứ không ít”, An chua xót.

Không chỉ đối diện với nguy cơ bị quỵt tiền lương, nhiều bạn còn bị trêu chọc hay sàm sỡ một cách thô thiển ngay tại nơi làm việc. Bạn Hoàng Uyên (sinh viên ĐH Ngoại thương) làm phục vụ ở một quán càphê nhạc sống trên quận Tân Bình, chia sẻ câu chuyện của mình. Một lần, khi đang bưng nước cho một nhóm khách nam khoảng 30 – 40 tuổi, đột nhiên bạn bị một vị khách trong bàn kéo lại gần sờ tay, sờ eo rồi buông lời khiếm nhã: “Dễ thương vậy đi làm chi cho cực em, nghỉ làm đi, theo anh, anh bao suốt đời”.

Bên cạnh đó, không ít bạn còn bị xúc phạm, nghi ngờ về nhân cách và lòng trung thực. Bạn Hà Loan (sinh viên ĐH KHXH&NV) chia sẻ, đi giúp việc lại là sinh viên nghèo nên nhiều lúc cũng hay bị chủ nghi ngờ này kia. Nhất là lúc họ mất đồ đạc, lúc nào họ cũng gặng hỏi mình như thể đang hỏi cung tội phạm vậy. Tự ái xin nghỉ là coi như rơi bẫy xù lương của chủ.

Nhiều cạm bẫy có cái giúp sinh viên trưởng thành, có cái hạ gục họ. Các bạn đã vượt qua như thế nào, có thể cùng chúng tôi chia sẻ thêm.

Theo Thế giới tiếp thị

Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Thời sự bằng Rap về Biển Đông ra mắt thêm 5 ngôn ngữ

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news