* Chỉ trong một thời gian ngắn nhưng đã có quá nhiều đề án được Giám đốc Sở GD-ĐT ký duyệt. Đặc biệt, tất cả các đề án này đều có những khuyết điểm và vấp phải ý kiến gây gắt từ phía dư luận như đề án sách giáo khoa (SGK) điện tử, chương trình tiếng Anh Cambridge và đề xuất SGK riêng cho TP.HCM. Vậy ông trả lời về vấn đề này như thế nào?
- Đầu tiên, tôi sẽ trình bày về đề án SGK điện tử. Theo như các phương tiện truyền thông đưa tin thì đề án SGK điện tử với nguồn kinh phí 4.000 tỉ đồng được Giám đốc Sở trình lên và đang chờ Bộ GD-ĐT ký duyệt.
Thế nhưng, thông tin này hoàn toàn sai lệch bởi cái mà người ta gọi là “đề án” hiện chỉ là phương án do hai đơn vị tư vấn là Công ty AVITECH và Intel trình bày để lấy ý kiến tham mưu xây dựng đề án, chứ chưa hề có một văn bản nào liên quan đến đề án SGK điện tử cụ thể được Sở trình phê duyệt cho UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT.
Hàng năm, HĐND TP.HCM tổ chức cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo với các em học sinh (HS) tiêu biểu của TP.HCM. Tại cuộc gặp gỡ gần đây nhất, sau khi lắng nghe chia sẻ của các em HS về việc còn phải mang vác nhiều sách vở đến trường, ông Hứa Ngọc Thuận - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM có hứa sẽ trang bị máy tính cho các em để giảm thiểu sức nặng từ việc mang theo quá nhiều sách vở cho mỗi buổi học.
Thực hiện chủ trương đó, Sở GD-ĐT đã nghiên cứu, khảo sát phương án từ 2 đơn vị tư vấn về giải pháp xây dựng lớp học thông minh là AVITECH, Nhà xuất bản giáo dục và Intel. Đây đơn giản chỉ là phương án được 2 đơn vị đưa ra để lấy ý kiến dư luận, và trên cơ sở đó, Sở sẽ viết chính thức một đề án để gửi cho UBND TP.HCM.
Nhưng, để xây dựng một đề án cần phải thu thập ý kiến của nhiều chuyên gia cùng với các Sở và ban ngành khác trước khi quyết định có nên trình lên UBND TP.HCM và Bộ GD-ĐT.
* Tại buổi thảo luận sáng ngày 9.7.2014, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Lê Hồng Sơn có đề nghị UBND TP cho phép Sở xây dựng bộ SGK riêng cho TP.HCM. Đề nghị này của Sở lại một lần nữa vấp phải chất vấn từ UBND TP và vướng phải nhiều sự phản đối của dư luận. Vậy, tại sao Sở lại vội vàng đề nghị xây dựng một đề án khi còn khá nhiều người không đồng tình?
Ông Đỗ Minh Hoàng - Chánh văn phòng Sở GD-ĐT TP.HCM |
* Thưa ông, nếu cập nhật thêm một số tài liệu học tập riêng cho TP.HCM thì HS sẽ phải gánh thêm một lượng kiến thức mới nữa thì sao?
- Tài liệu hướng dẫn học tập chỉ làm rõ các thuật ngữ và thay thế một số ví dụ gần gũi với địa phương HS đang sống, có thể gọi là thay thế chứ HS không phải gánh thêm một lượng kiến thức nào thêm cả. Và Hội đồng Bộ môn sẽ cân nhắc để các em HS không phải gánh thêm lượng kiến thức mới mà còn nhằm đến giảm nhẹ cho các em.
* Ông trả lời như thế nào về việc Sở ra quyết định dừng ngay Chương trình tiếng Anh Cambridge để chuyển sang Chương trình tiếng Anh tích hợp khi đang có hàng ngàn em HS đang theo học?
- Chương trình tiếng Anh Cambridge và Chương trình tiếng Anh tích hợp là hai chương trình độc lập với nhau.
Chương trình tiếng Anh Cambridge là một chương trình có hai bộ phận, một là chuyên về học thuật là trường Đại học Cambridge, giảng dạy các bậc học sau phổ thông. Bộ phận thứ hai là bộ phận kinh doanh của Cambridge gọi là CIE, chuyên về bán chương trình. Năm 2009, CIE thông qua EMG (đơn vị ủy quyền của Cambridge tại Việt Nam) xin phép Bộ GD-ĐT triển khai ở TP.HCM với mục tiêu như một chương trình du học tại chỗ với phí từ 100 - 150 USD/tháng, so với các trường quốc tế thì chương trình này có mức học phí thấp hơn đáng kể. Chương trình tiếng Anh Cambridge triển khai thí điểm tại một số trường trên địa bàn TP.HCM đã đạt kết quả tương đối tốt và được nhiều phụ huynh HS quan tâm.
Tuy nhiên, khoảng trước Tết Dương lịch 2014, CIE bất ngờ có văn bản thông báo với Sở GD-ĐT TP.HCM về việc CIE ngưng hợp đồng với EMG. Sau đó, Sở cũng yêu cầu CIE phải giải trình lý do ngưng hợp đồng và việc còn nhiều HS đang theo học chương trình thì giải quyết vấn đề này ra sao. Phía CIE cho biết, việc ngưng hợp đồng với EMG là theo điều khoản hợp đồng hai bên, họ được phép dừng hợp đồng và báo trước 6 tháng không cần nêu lý do.
Đồng thời, CIE đã cam kết với Sở sẽ đảm bảo HS đang học chương trình Cambridge tại các trường thuộc TP.HCM sẽ tiếp tục được cung cấp chương trình với chất lượng như trước đây đến khi nào HS đó ra trường. Do đó, việc ngưng hợp đồng là việc của 2 đơn vị CIE và EMG theo điều khoản hợp đồng.
* Vậy, Sở đánh giá như thế nào về cam kết phía CIE dành cho các HS đang theo học chương trình tiếng Anh Cambridge?
- Trách nhiệm của Sở là tiếp tục nghiên cứu, báo cáo cho UBND TP. Trong quá trình nghiên cứu, Sở phát hiện rằng, hợp đồng EMG ký với CIE vào năm 2008, có một số điều khoản CIE ưu đãi cho EMG về một số loại phí. Vậy, đã có một số yếu tố liên quan đến lợi nhuận của CIE nên công ty này đã ngưng hợp đồng với EMG.
Còn về cam kết của phía CIE đối với những HS đang theo học chương trình tiếng Anh Cambridge, đến thời điểm hiện tại, họ vẫn đảm bảo thực hiện đúng như cam kết trước đó với Sở GD-ĐT TP.HCM, là cung cấp chương trình cho các HS đến khi các em tốt nghiệp.
* Vậy theo ông, những thông tin báo chí phản ánh trong thời gian qua có một số thông tin không thật chuẩn, thiếu tính chính xác về các đề án?
- Có thể việc truyền tải thông tin của truyền thông về các đề án có phần không chính xác. Nhưng theo tôi nghĩ, trước những đề án thí điểm luôn cần lắng nghe ý kiến của dư luận, đó là một điều rất tốt để Sở có thêm nhiều kênh thông tin, phát hiện những điểm hạn chế trước một đề án đang xin ý kiến, để từ đó Sở cùng cơ quan ban ngành đề nghị các đơn vị tư vấn làm rõ hơn và tìm ra giải pháp hữu hiệu nhất, đảm bảo tính lợi ích của việc xây dựng đề án giáo dục mới.
Xuân Thi - Ngọc Diễm (Nguồn: Đời sống & Tiêu dùng)
Video bạn có thể quan tâm: Clip: Ngả nón khi nghe nam sinh hát như đọc thơ