Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh dự kiến sẽ sơ tán khoảng 28 vạn dân ở các khu vực nguy hiểm.
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn Trung ương, vào 4 giờ ngày 24/11, vị trí tâm bão số 9 cách bờ biển các tỉnh từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu khoảng 230km về phía Đông, cách đảo Phú Quý khoảng 130km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10 (75-100km/giờ), giật cấp 10. Bán kính gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 khoảng 180km tính từ tâm bão.Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ và miền Đông Nam Bộ với cường độ mạnh cấp 8, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì hội nghị ứng phó bão. Ảnh: Vietnamnet |
Do tác động của bão kết hợp với Không khí lạnh, từ ngày 24-26/11, mưa lớn xảy ra khắp Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, trong đó vùng nguy hiểm nhất từ Đà Nẵng – Bình Thuận với dự kiến từ 300-500mm, có nhiều nơi trên 600mm.
Ông Cường cũng đưa ra cảnh báo lũ với khu vực Nam Bộ và Tây Nguyên. Vùng núi dọc các tỉnh Quảng Nam – Bình Thuận có nguy cơ sạt lở, lũ quét và ngập lụt sâu ở vùng đô thị từ 0,5-1m.
Trí thức trẻ và Vietnamnet cho hay Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai Trần Quang Hoài lưu ý, hiện có 25.310m bờ biển đang có diễn biến sạt lở nguy hiểm cần xử lý cấp bách, nhất là tại Xóm Rớ (Phú Yên), Vĩnh Nguyên (Khánh Hoà), Phan Thiết, Phan Rí Cửa, Liên Hương, (Bình Thuận) Hội An (Quảng Nam),…
Ông Hoài đề nghị các tỉnh ảnh hưởng của bão phải thông tin đến khách quốc tế và người dân không hiếu kỳ ra xem bão đổ bộ.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hoà Lê Đức Vinh cho biết, hoàn lưu bão số 8 vừa qua đã gây tình trạng sạt lở, lũ quét nhiều nơi trên địa bàn, làm 19 người chết, 28 người bị thương, nhiều công trình giao thông thuỷ lợi bị hư hỏng… gây thiệt hại rất lớn.
“Tỉnh đã có chủ động ứng phó với bão số 8, tuy nhiên nó có diễn biến phức tạp, chưa bao giờ có ở Khánh Hoà nên ứng phó có hạn chế, bị động”, ông Vinh nói.
Để ứng phó với bão số 9, Khánh Hoà sẽ bám sát với đơn vị dự báo khí tượng để cảnh báo, tuyên truyền phổ biến tới người dân nắm được tình hình.
Các địa phương theo dõi diễn biến, chỉ đạo quyết liệt di dời, sơ tán dân khỏi khu vực xung yếu. Ngoài ra, bố trí các lực lượng chốt chặt các điểm xung yếu để đảm bảo an toàn cho người dân và tài sản, vận hành xả lũ hợp lý đảm bảo các công trình và hạ du…
Chia sẻ với những thiệt hại của tỉnh Khánh Hoà, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đề nghị tỉnh rà soát lại các phương án 4 tại chỗ, tích cực quyết liệt hơn nữa để ứng phó với bão số 9 sắp tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Lê Đức Vinh dự kiến sẽ sơ tán khoảng 28 vạn dân ở các khu vực nguy hiểm.
Theo ông Vinh, Khánh Hòa có khoảng 1.000 điểm xung yếu. Do đó, tỉnh chỉ đạo các địa phương tập trung sức lực, cử lực lượng đến từng địa điểm kiểm tra, đặc biệt vùng ven biển, thấp trũng có gió mạnh, tránh tư tưởng chủ quan.
Ông yêu cầu người dân không được ở lại nhà tạm, có nguy cơ tốc mái, sập đổ. Những trường hợp không rời vùng bão sẽ bị cưỡng chế.
Ngoài ra, ông Vinh cũng yêu cầu địa phương nghiêm cấm các đơn vị lữ hành trên địa bàn đưa khách tham quan các đảo; đồng thời có phương án, thông tin hỗ trợ khách du lịch còn lưu trú để họ được đảm bảo an toàn trong những hôm bão
Tàu thuyền không được ra khơi, phải neo đậu vào bờ. Hồ chứa nước cần điều tiết, khi xả lũ phải hợp lý tránh trường hợp lũ dồn dập.
Đối với các công trình xây dựng cao tầng, chủ đầu tư phải tháo dỡ, hạ thấp độ cao cần cẩu, phương tiện thi công và che chắn khu vực xây dựng.
Ngoài ra, ngành giáo dục chủ động theo dõi tình hình thời tiết để phát thông báo cho tất cả học sinh nghỉ.
Minh Di (tổng hợp)