Tin mới

“Sống cùng lịch sử”, vừa xem đã thấy sạn

Thứ sáu, 10/10/2014, 08:49 (GMT+7)

Nếu đặt nội dung qua một bên, khán giả vẫn có thể nhặt được khá nhiều “sạn” trong bộ phim được đầu tư kinh phí khủng  - 21 tỷ đồng.

 

 

Nếu đặt nội dung qua một bên, khán giả vẫn có thể nhặt được khá nhiều “sạn” trong bộ phim được đầu tư kinh phí khủng  - 21 tỷ đồng.

Sau một thời gian được PR “miễn phí” do gây được “bão truyền thông” trên các diễn đàn, mạng xã hội với chủ đề “phim không bán nổi một vé”, “Sống cùng lịch sử” đang dần kéo được khán giả đến rạp.

Tuy nhiên, theo dõi đến hết phim, khán giả có thể nhặt được cả một “rổ sạn” vì nhiều tình tiết trong phim bị thừa, thiếu tính logic.

Hạt sạn thứ nhất bắt đầu bắt đầu từ một cảnh nóng chỉ sau ít phút mở đầu bộ phim. Trong một thời khắc yên bình hiếm hoi của cuộc chiến giữa núi rừng Điện Biên thì binh lính pháp bình thản vừa ngồi nhâm nhi rượu vang vừa xem các cô gái Mường múa hát. Tuy nhiên, ngay sau đó, khi đạn pháo từ bốn phía đồng loạt nã vào cứ điểm, tất cả mọi người bỏ chạy tán loạn và tìm nơi ẩn náu thì chuyện một tay lính Pháp bất ngờ cưỡng hiếp cô gái Mường. Cảnh này hoàn toàn không ăn nhập với bối cảnh, vì theo logic thông thường, hầu như không thể xảy ra phân đoạn trên của các nhân vật trong khi bom đạn đang dội ác liệt trên đầu.

Diễn viên Thu Quỳnh (vai Nga) trong phim

Một hạt sạn thứ nữa là sự “vênh” về thời gian khi nhóm phượt dựng lều hạ trại. Lúc hai nhân vật nam (Tùng, Lâm) và nhân vật nữ (Nga) căng lều thì quang cảnh xung quanh vẫn “sáng bừng”. Dựng lều xong, họ rủ nhau xuống tắm suối. Và khi đến được bờ suối thì khung cảnh đã thành nhá nhem (Trong khi chỗ dựng lều và con suối nằm gần nhau).

 

Tiếp đến, đó là sự thiếu lôgic trong phân đoạn dân công hỏa tuyến gánh, chở, thồ hàng ngược lên Điện Biên. Ở phân đoạn này, khán giả có thể dễ dàng nhặt được nhiều “cục sạn” khó tiêu. Một là cảnh đốt đuốc thắp sáng cho đoàn dân công đi trong khi trời hoàn toàn không tối. (Cụ thể: các chi tiết như áo quần của dân công, các gánh hàng…vẫn có thể được nhìn thấy khá rõ ràng). Hai là cảnh một nữ dân công (chị giới thiệu là người Nông Cống, Thanh Hóa) đang ăn cơm nắm thì trời bất chợt đổ mưa. Mọi người ai cũng nhanh chóng lấy các tấm bạt che cho kho hàng chuyên chở về Điện Biên. Và lúc này lại xuất hiện tình tiết đốt đuốc giữa trời mưa. Mưa rừng ào ào, mọi thứ đều ướt nhẹp nhưng những ngọn đuốc thắp giữa trời thì không hề bị tắt.

 

Không khó để nhận ra tình tiết phi lôgic tiếp theo, đó là cảnh chiếc áo trắng của một nữ dân công thay sau khi trời tạnh mưa. Giữa bối cảnh thời kỳ của chiến dịch Điện Biên (1954), dân lao động tất thảy đều chung một màu áo nâu sòng. Tuy nhiên, sự xuất hiện của chiếc áo trắng “lạc điệu” từ nhân vật nữ dân công hỏa tuyến đã tạo ra độ lệch tông đáng kể so với bối cảnh. Hơn nữa, kiểu dáng của chiếc áo hoàn toàn không mang hơi hướng của gia đoạn lịch sử xưa vì nó na ná với kiểu áo phổ biến hiện nay. Đây phải chăng là sơ hở của ê kíp làm phim trong quá trình lựa chọn trang phục cho nhân vật?

Ở những phân đoạn cuối của phim, khi nhân vật Lâm (Chí Nhân đóng) chạy vào thông báo với hai người còn lại về sự ra đi của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì cả ba người đều xúc động và tập trung vào những thông tin được đăng tải trên các trang mạng xã hội thông qua một chiếc máy tính bảng. Và chỉ mới đề cập tới chuyện Đại tướng từ trần nhưng khán giả lại thấy xuất hiện những hình ảnh về lễ đưa tang. Hơn nữa, cuối phim, xuất hiện hình ảnh ba nhân vật trở lại Hà Nội, với những bông hoa trên tay, lặng lẽ theo dòng người tới số nhà 30 Hoàng Diệu để viếng Người. Như vậy, các chi tiết được sắp xếp một cách phi lôgic: từ trần, đưa tang rồi mới đến…kính viếng. (???)

Theo Vũ Đậu (Người đưa tin)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news