Tin mới

Sốt mò, căn bệnh bị lãng quên đã trở lại

Chủ nhật, 12/10/2014, 09:13 (GMT+7)

Dân thích phượt ở những vùng núi, rừng nhiều cây cối cần cẩn trọng vì có thể bị ấu trùng mò đốt, đe dọa tính mạng. Từ tháng 4 đến nay đã có gần 80 bệnh nhân sốt mò tại Yên Bái.

Dân thích phượt ở những vùng núi, rừng nhiều cây cối cần cẩn trọng vì có thể bị ấu trùng mò đốt, đe dọa tính mạng. Từ tháng 4 đến nay đã có gần 80 bệnh nhân sốt mò tại Yên Bái.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Văn Châu (Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương) cho biết, bệnh sốt mò đang

xảy ra trên địa bàn tỉnh Yên Bái với diện khá rộng và số bệnh nhân tăng. Tính từ đầu tháng 4/2014 đến hết tháng 9, có 78 bệnh nhân sốt mò đến điềutrị tại bệnh viện huyện và thị xã.


Theo báo cáo của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh Yên Bái, bệnh nhân sốt mò tập trung nhiều nhất ở huyện Văn Chấn (54%), thị trấn Nghĩa Lộ (21%), huyện Trạm Tấu (15%) và huyện Mù Cang Chải (10%).

Bệnh nhân chủ yếu gặp ở dân tộc H’Mông và dân tộc Dao, sống nơi rẻo cao, tuổi từ 1 đến 52, và phụ nữ mắc nhiều hơn nam.

Điều đáng quan tâm là hiện nay các loại thuốc kháng sinh điều trị sốt mò đặc hiệu như Tetracyclin, Doxycyclin … không có trong danh sách cơ số thuốc cho bệnh nhân bảo hiểm y tế ở tuyến y tế xã.

"Những địa phương nhiều năm không có bệnh sốt mò nên người dân và cán bộ y tế cơ sở đã “lãng quên” bệnh này.

Do đó những người bị sốt đến trạm xá, cán bộ y tế xã không nghĩ đến bệnh sốt mò và nếu nghi là bị sốt mò cũng không có thuốc điều trị. Vì vậy trạm y tế xã phải gửi lên tuyến trên, khi lên bệnh viện tuyến trên bệnh đã nặng, đe dọa đến tính mạng.", tiến sĩ Châu lo lắng.

Hiện bệnh chưa có vắc xin phòng tránh, người dân nên tránh đi vào khu vực có dịch bệnh.

Bệnh sốt mò Scrub typhus (hay sốt bụi rậm, sốt triền sông Nhật Bản, sốt Rickettsia) là một bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm C. Tác nhân gây bệnh tồn tại ngoài thiên nhiên, do ấu trùng mò (Trombiculidae) truyền ngẫu nhiên sang người qua vết đốt của chúng. Bệnh lưu hành chủ yếu ở khu vực châu Á và Tây Thái Bình Dương.

Mò thường sống ở các bụi cây, bụi cỏ ẩm, phía trên là các vòm cây cao hoặc trong các hang đá có các loài gậm nhấm sống. Nó vừa là vật chủ, vừa là trung gian truyền bệnh. Quá trình nhiễm trùng được duy trì trong tự nhiên giữa mò và các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột, thỏ, lợn và các loài chim, hoặc gia súc)...

Ở Việt Nam sốt mò được phát hiện tại Sài Gòn vào năm 1915. Từ đó đến nay, bệnh tiếp tục xảy ra ở vùng trung du và rừng núi của Việt Nam. Đặc biệt sau năm 1990, bệnh sốt mò có xu hướng quay trở lại và mở rộng vùng phân bố.

Thời gian ủ bệnh kéo dài từ 6-21 ngày. Thời kỳ toàn phát thường gặp sốt, vết loét ngoài da, phát ban, sưng hạch, tổn thương ở các cơ quan và phủ tạng... Ngoài ra, các vết loét xuất hiện khắp cơ thể như bộ phận sinh dục, nách, bẹn rồi đến hậu môn, háng, thắt lưng sau mới tới chân tay, lưng, ngực, bụng, cổ.

Đôi khi vết loét ở vị trí khá bất ngờ như vành tai, rốn, mi mắt. Bệnh nhân sốt mò có thể diễn biến nặng ngay từ tuần đầu và thường tử vong do suy đa phủ tạng. Tỷ lệ tử vong của sốt mò trong giai đoạn trước kháng sinh có thể lên tới 50-60%.

Trong những trường hợp không được điều trị kháng sinh đặc hiệu và không tử vong, bệnh nhân thường hết sốt sau 10-14 ngày; những bệnh nhân nặng có thể có sốt kéo dài 21 ngày hoặc lâu hơn.

Tuy nhiên, một số biểu hiện như rối loạn tuần hoàn, giảm thính lực, có thể tồn tại kéo dài nhiều tuần đến nhiều tháng sau đó. Sốt mò ở phụ nữ có thai có thể gây biến chứng về thai sản như sảy thai, thai chết lưu hoặc cân nặng khi sinh thấp.

Theo các bác sĩ, do bệnh chưa có vắc xin phòng tránh nên mọi người cần tránh đi vào vùng sốt. Người sống trong vùng sốt mò cần áp dụng biện pháp chống ấu trùng mò đốt như mặc quần áo kín, chẽn gấu, mặc quần áo có ngâm tẩm các hóa chất chống côn trùng như benzyl benzoat, bôi các hóa chất xua côn trùng như diethyltoluamide lên các vùng da hở. Kiểm soát quần thể mò bằng cách tiêu diệt chuột, sử dụng hóa chất diệt côn trùng, diệt cỏ hoặc đốt cỏ.

Đặc biệt, với những người thích đi du lịch ở các vùng núi, nhiều cây cối không nên đặt ba lô hay nằm trên cỏ. Khi vào vùng rậm rạp nhiều cây cỏ nên mặc quần áo kín, có tất che kín tay chân.

Tại địa bàn tỉnh Quảng Ninh, từ năm 2000-2002 có 449 bệnh nhân bị sốt mò vào điều trị tại bệnh viện Uông Bí.

Từ đầu tháng 3/2001 đến hết tháng 2/2003 tại Viện Y học lâm sàng các bệnh Nhiệt đới có 255 ca sốt mò từ 24 tỉnh và thành phố của Miền Bắc về điều trị. Từ năm 2009 đến 2010, tại Khánh Hòa, Quảng Nam và Quảng Ngãi có 83 người mắc bệnh này.
Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news