Ngày 19/4, thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết, ngoài việc duy trì lực lượng và phương tiện hiện có, hôm nay sẽ điều thêm 12 người nhái, 3 tàu gắn thiết bị dò tìm dưới đáy biển.
Theo Vnexpress đăng tải, Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn, Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân cho biết: Lực lượng tìm kiếm được tăng cường một tàu có thiết bị kéo và chứa các vật thể nặng của Cảnh sát biển; tàu biên phòng. Lực lượng Phòng không – Không quân, Kiểm ngư, đặc công, bộ đội địa phương… cũng điều thêm cán bộ, chiến sĩ cùng các phương tiện hiện đại đến hiện trường. Việc trục vớt các phần của máy bay đã xác định được sẽ tiến hành trong ngày.
Như vậy cùng với 2 trực thăng đã có mặt trước đó tại đảo Phú Quý để phục vụ công tác tìm kiếm cứu nạn, thời điểm này đang có 4 máy bay trực thăng cùng tham gia việc tìm kiếm hai máy bay SU22.
Trao đổi trên báo Tuổi Trẻ, thượng tá Hoàng Văn Số - Chủ nhiệm chính trị, Lữ đoàn đặc công 5 cho biết kíp đặc công người nhái đầu tiên trong ngày hôm nay cũng đã sẵn sàng lặn xuống biển tìm máy bay SU22.
Trong ngày tìm kiếm hôm qua (18/4), đặc công người nhái đã vớt được khung kính buồng lái, xác định được một thùng dầu phụ và một vật thể hình trụ tròn to nhưng chưa rõ chi tiết nào của máy bay SU 22.
Hiện nay vẫn chưa phát hiện tung tích của 2 phi công mất tích.
Đồng thời đặc công người nhái cũng đã xác định thêm vị trí của ba chi tiết khác của máy bay và trong sáng nay, sẽ ưu tiên tìm kiếm trục vớt ba vật thể này.
"Chúng tôi đã khoanh vùng và xác định chính xác vị trí máy bay rơi" - Thiếu tướng Đỗ Minh Tuấn khẳng định.
Trước đó, trong ngày 18/4, các chiến sỹ Lữ đoàn đặc công 5 đã lặn tìm kiếm được nhiều mảnh vỡ. Trong đó có ba mảnh vỡ quan trọng nghi là bộ phận của máy bay Su 22 gồm khung kính buồng lái, một thùng dầu phụ và một vật thể chưa xác định là bộ phần nào của máy bay.
Đến chiều 18/4, mới chỉ trục vớt được khung kính buồng lái, 2 vật còn lại chưa thể vớt được. Do trời tối nên Lữ đoàn đặc công 5 đã tạm ngừng việc lặn tìm kiếm và sẽ tiếp tục vào sáng mai 19/4.
Trong khi đó việc tìm kiếm hai phi công vẫn đang tiến hành khẩn trương. Hiện chưa có thông tin gì về hai phi công Lê Văn Nghĩa (Trung tá, Phó Trung đoàn trưởng Trung đoàn 937, điều khiển máy bay Su 22 mang số hiệu 5857) và Nguyễn Anh Tú (Đại úy, điều khiển máy bay Su 22 mang số hiệu 5863, phi đội phó Phi đội 1, Trung đoàn 937, Sư đoàn 370.
Theo tin từ Đồn Biên phòng Phú Quý, hoạt động tìm kiếm tiếp tục được tiến hành hết sức khẩn trương với nhiều lực lượng phối hợp gồm Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Thuận, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Bình Thuận, Quân chủng Hải quân, Cảnh sát biển, Lữ đoàn 918, Sư đoàn 370, Lữ đoàn 5 Đặc công (Bộ Tư lệnh Đặc công), cùng các thợ lặn chuyên nghiệp và nhiều tàu cá của ngư dân huyện đảo Phú Quý.
Như tin đã đưa, vào trưa 16/4, hai chiếc máy bay Su 22, thuộc Sư đoàn 370 đang bay huấn luyện trên vùng biển gần đảo Phú Quý thuộc địa bàn tỉnh Bình Thuận bị mất tích.
ai chiếc máy bay này cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) khoảng 5 giờ 30 phút ngày 16/4, đến 11 giờ 30 phút cùng ngày thì mất tính hiệu.
Hiện công tác tìm kiếm cứu hộ xung quanh đảo Phú Quý vẫn đang được tiến hành khẩn trương.
Thuận Phong (tổng hợp)