Tin mới

Sự thật về “quan tòa giếng thiêng” có khả năng chữa bách bệnh

Thứ năm, 18/06/2015, 09:45 (GMT+7)

Nhờ đó, mà nhiều cặp vợ chồng trong làng sống với nhau hòa thuận, hàng xóm láng giềng sống đoàn kết. Người H’re còn xem nguồn nước ở giếng thiêng là "thần dược" chữa được bá bệnh. Vậy đâu là sự thật?

Nhờ đó, mà nhiều cặp vợ chồng trong làng sống với nhau hòa thuận, hàng xóm láng giềng sống đoàn kết. Người H’re còn xem nguồn nước ở giếng thiêng là "thần dược" chữa được bá bệnh. Vậy đâu là sự thật?

"Thần dược" nơi đáy giếng?

Thôn Tà Pa, xã Sơn Thượng (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) nằm ẩn mình trong những cánh rừng già âm u. Những ngôi nhà sàn bằng gỗ nằm chênh vênh bên triền đồi là nơi cư ngụ của đồng bào H’re bao đời nay. Trên đoạn đường tìm về chiếc giếng được coi là bảo vật của người dân làng Tà Pa, chúng tôi được người dân kể cho nghe về những giai thoại kỳ bí đã gắn bó với người dân làng này từ thuở xa xưa.

"Giếng thiêng" được giữ gìn sạch sẽ.

Già làng Đinh Văn Xếch (70 tuổi, ngụ làng Tà Pa) cho biết, giếng thiêng được xem là linh hồn của làng, nếu làng nào không có giếng này sẽ làm ăn thất bát, thường xuyên đau ốm bệnh tật. Tập tục này đã có từ mấy trăm mùa rẫy, muốn lập làng thì phải đi tìm nguồn nước tốt, phải có giếng. Đó là quy luật sống của đồng bào người H’re. Với họ, nước sinh ra tất cả. Giếng nước là một nơi rất linh thiêng, nếu giếng bị phạm thì cả làng phải chịu tội. Chính vì vậy, người H’re ban hành "xà rươn" (điều cấm kỵ) và làm lễ cúng giếng nước vào ngày Tết hay ngày mừng lúa mới.

"Hằng năm, người dân ở làng chúng tôi tổ chức họp một lần để chọn ra "ngài giữ giếng", người có trách nhiệm trông coi giếng và đứng ra làm lễ cúng giếng nước. Theo tập tục thì "ngài" phải là người có uy tín, khá giả và nhất là biết phân xử việc lớn, việc nhỏ của cộng đồng", già Xếch giải thích.

Được người trong làng giới thiệu, chúng tôi đến nhà ông Đinh Văn Bin (56 tuổi) là "ngài giữ giếng" hiện nay của làng. Già Bin làm "ngài giữ giếng" đã được gần năm năm, cho biết, phong tục cúng giếng đã có từ mấy trăm mùa rẫy.

Cứ đến giữa tháng 3, tháng 8 (lễ mừng lúa mới) và ngày Tết của người H’re mùng 10/12 (âm lịch) thì "ngài giữ giếng" đứng ra làm lễ "kà lạ a râm" (cúng giếng) cho cả làng. "Lễ cúng giếng thiêng được tổ chức để tạ ơn các vị thần đã ban nguồn nước cho dân làng, cầu mong sức khỏe cho tất cả mọi người và mong cho lúa đầy kho, con bò con trâu khỏe mạnh", già Bin nói.

Nhờ "giếng thiêng" mà vợ chồng chị Bông sống hòa thuận chăm lo cho các con.

Gọi là giếng thiêng, nhưng trước kia, khi chưa có hệ thống nước sạch theo chương trình 135 về thôn bản, mọi sinh hoạt của dân làng Ta Pa vẫn diễn ra ở đây. Tuy nhiên, họ phải thực hiện những điều cấm kỵ nghiêm ngặt. Có thể thấy phụ nữ H’re giặt giũ bên giếng thiêng, nhưng ít ai biết rằng họ chỉ được giặt quần áo của đàn ông, còn quần áo phụ nữ không được giặt ở đây.

Đặc biệt, không ai được lấy đá đập hay vỗ tay gây ra tiếng động, sẽ làm kinh động đến các vị thần... "Người H’re chúng tôi còn quy định, người ở làng này không được mang nước giếng cho người làng khác, cũng không lấy nước giếng làng khác để dùng. Vì làm như thế, nguồn nước thiêng bị đánh cắp, dân trong làng sẽ không khỏe mạnh, nuôi con trâu, con bò không được tốt", ông Bin lý giải.

Theo già Bin, nguồn nước ở giếng thiêng còn là "thần dược" chữa được bá bệnh. Từ thuở xa xưa, khi một người H’re bị bệnh, lập tức gia đình sẽ nhờ "ngài giữ giếng" làm lễ chữa bệnh tại giếng thiêng. "Ngài giữ giếng" lấy chân trái của con gà cúng để chẩn đoán người bệnh bị đau cái gì, đau ở đâu. Sau đó, làm lễ cầu xin giếng thiêng được lấy nước uống để chữa bệnh.

"Nước giếng ở đây có thể chữa được tất cả các bệnh. Người bị bệnh là do con ma bắt đi, nên phải nhờ đến nước giếng thiêng dẫn lối quay về. Đến bệnh viện có uống thuốc cũng chỉ chữa phần xác, còn phần hồn vẫn bị con ma giữ(?!)", già Bin trầm ngâm nói.

Nhưng thực tế, theo chúng tôi quan sát và nghe người dân kể lại, nhiều người trong làng uống nước giếng thiêng, nhưng bệnh tình vẫn không suy giảm. Như con của già Bin, đi làm rẫy bị gãy tay, lấy nước ở giếng về uống nhưng tay vẫn không lành lặn. May có cán bộ xã biết chuyện, về làng vận động đến bệnh viện chữa trị nên mới khỏe mạnh lại.

Giếng thiêng giúp vợ chồng hòa thuận

Trong câu chuyện về giếng thiêng của làng mình, già Bin tự hào khoe với chúng tôi: "Người H’re ở làng chúng tôi vợ chồng bỏ nhau là rất ít. Cũng nhờ giếng thiêng giúp đỡ mà các cặp vợ chồng sống với nhau hòa thuận, vui vẻ, có của ăn của để".

Già Bin luôn tự hào nói về linh hồn của làng.

Biết chúng tôi tò mò, già Bin giải thích, người H’re tin rằng, nước ở giếng thiêng sẽ giúp các cặp vợ chồng nếu có mâu thuẫn sẽ trở nên hòa thuận, còn người đi Ngoại tình sẽ không dám tái phạm nữa. Vì ai đã làm lễ và uống nước giếng thiêng mà tái phạm sẽ bị đuổi ra khỏi làng, nặng hơn là bị giếng thiêng bắt tội đau ốm mà chết(?!).

Già Bin kể, mới đây vợ chồng anh Đinh Văn Đê (43 tuổi) và chị Đinh Thị Bông (40 tuổi) cãi nhau, vì người chồng thường xuyên rượu chè mà không lo làm ăn. Chị Bông mời các già làng và "ngài giữ giếng" đưa ra giếng thiêng phân xử.

Vợ chồng chị Bông phải góp con heo to để làm lễ cúng. "Ngài" làm lễ khấn vái, kể chuyện vợ chồng chị Bông với giếng thiêng, sau đó lấy nước giếng cho hai vợ chồng uống. Vì anh Đê là người có lỗi nên anh phải thề với giếng thiêng sẽ không uống rượu nữa mà chăm lo làm ăn. Nhờ giếng thiêng phân xử mà vợ chồng anh Đê sống với nhau hòa thuận vui vẻ. "Thằng Đê đang đi làm thuê ở thị trấn Sơn Hà, còn con Bông ở nhà làm rẫy. Vợ chồng nó mới sinh thêm đứa con, sống rất hạnh phúc", già Bin vui vẻ nói.

Nhưng không phải vụ nào "tòa án giếng thiêng" cũng giải quyết trọn vẹn đôi đường. Nhiều cặp vợ chồng sau khi được đưa ra "tòa" hòa giải, nhưng không thành thì đành cho họ ly hôn. Già Bin cho biết, có một số cặp vợ chồng "cứng rắn" tới mức, nếu không cho bỏ nhau thì sẽ ăn rễ cây độc hoặc ăn lá ngón để tự tử, nên đành để họ ly hôn.

Người làng Tà Pa cũng có những quy định rất nghiêm ngặt, hai vợ chồng trước khi đường ai nấy đi, phải cúng lễ bằng một con heo để xin giếng thiêng tha tội, hóa giải lời thề trước đó. Nếu người chồng hoặc người vợ có lỗi sẽ bị đuổi ra khỏi làng, không được phép sử dụng nước giếng, vì sẽ làm ô uế giếng thiêng khiến cả làng không được khỏe mạnh, làm ăn không tốt.

Già Bin cho biết, giếng thiêng còn là nơi giải quyết những chuyện xích mích to nhỏ trong làng. Nếu người trong làng xảy ra xích mích với nhau sẽ phải đem ra giếng thiêng để phân xử đúng sai. Người nào sai sẽ làm lễ bằng một con gà để xin lỗi, sau đó “ngài giữ giếng” lấy nước  ở giếng thiêng rót vào một cái bát cho hai người uống hòa giải và thề với giếng sẽ không bao giờ cãi nhau nữa. "Bà con ở đây rất tôn trọng sự phán quyết của "ngài giữ giếng". Nên khi đã được làm hòa rồi sẽ không bao giờ cãi nhau nữa. Chính vì thế, bà con ở đây sống với nhau rất vui vẻ", già Bin chia sẻ.                      

 

"Giếng thiêng" chữa bá bệnh là mê tín dị đoan

Ông Đinh Văn Kia, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Thượng cho biết, việc người dân H’re ở làng Tà Pa xem giếng là nơi linh thiêng, linh hồn của làng đó là một tín ngưỡng. Nhưng chuyện giếng thiêng chữa được bá bệnh chỉ là mê tín dị đoan, cần phải xóa bỏ.

Thời gian gần đây, nhờ sự vận động của cán bộ xã, việc cúng chữa bệnh bằng nước giếng đã giảm. Bà con ở làng Tà Pa đã biết đưa người đau ốm đến bệnh viện để chữa trị. Còn những "phiên tòa" hòa giải diễn ra ở giếng thiêng giúp vợ chồng hòa thuận là có thật. Đây là một điều rất tốt, vì nhờ đó mà vợ chồng ở trong làng ít cãi nhau, hàng xóm láng giềng sống hòa thuận, đoàn kết giúp đỡ nhau vươn lên thoát nghèo. Nhưng, chính quyền xã đang vận động bỏ bớt các thủ tục cúng heo to để người dân khỏi tốn kém.

   

Theo Như Ý/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news