Tin mới

Trụ trì "dính nợ" đa cấp, bán đồ của chùa chịu tội gì?

Thứ tư, 16/03/2016, 18:25 (GMT+7)

Vướng vào đường dây kinh doanh đa cấp dẫn tới bị nợ nần, sư trụ trì đã phải bán cả lợn, ngan mới đủ tiền trả cho chủ nợ.

Vướng vào đường dây kinh doanh đa cấp dẫn tới bị nợ nần, sư trụ trì đã phải bán cả lợn, ngan mới đủ tiền trả cho chủ nợ. 

Liên quan vụ việc sư thầy T.T.Kh. - Trụ trì tại một ngôi chùa thuộc địa bàn huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) bị lôi kéo tham gia vào hoạt động kinh doanh đa cấp của Công ty TNHH T.N.M.U., luật sư Đỗ Văn Hiền – Công ty Luật Đỗ Thành Nam (Hà Nội) cho biết, việc sư trụ trì bán lợn, ngan trong chùa để lấy tiền trả nợ có thể coi là hành vi bất hợp pháp nếu số gia súc, gia cầm trên không thuộc sở hữu của cá nhân sư.

Luật sư Hiền cho biết, qua những thông tin mà báo chí phản ánh thì vẫn chưa rõ số lợn và ngan bị đem bán trả nợ là tài sản ở trong hay ngoài khu vực chùa nơi sư thầy T.T.Kh. trụ trì. Do vậy, nếu số ngan, lợn đó ở ngoài (do sư thầy nhờ các con nhang đệ tử giúp đỡ trong lúc khó khăn) thì đó thuộc về vấn đề riêng của sư. Tuy nhiên, nếu số ngan, lợn đó do nhà chùa quản lý thì về mặt dân sự, sư trụ trì phải chứng minh được quyền sở hữu tài sản đó. Và nếu nhà sư là người sở hữu thì mới có quyền được chuyển nhượng, mua bán. Còn nếu không thì hành vi mua bán trong trường hợp này bị coi là vi phạm.

“Nếu sư trụ trì không có quyền sở hữu số tài sản trên nhưng vẫn đem bán để lấy tiền trả nợ thì sư có thể bị xử phạt hành chính nếu giá trị mua bán tài sản dưới 2 triệu đồng. Còn nếu số tiền mua bán trên 2 triệu đồng thì sư phải chịu trách nhiệm hình sự” – Luật sư Hiền phân tích.

Sư trụ trì đã phải bán cả lợn, ngan mới đủ tiền trả khoản nợ mua mã hàng đa cấp. Ảnh: Dân Việt

Ý kiến về vụ việc trên, sư thầy T.T. (một Trụ trì tại chùa ở Bắc Ninh) cho biết, về nguyên tắc, trong khuôn viên của nhà chùa không được phép chăn nuôi ngan ngỗng, lợn gà… mà chỉ trồng các loại rau, cây cối. Vì vậy, nếu số ngan, lợn mà sư T.T.Kh. đem bán vốn được chăn nuôi ở trong chùa thì điều này ngoài việc làm ảnh hưởng tới cảnh quan, vệ sinh môi trường của nhà chùa, còn vi phạm vào nội quy của chùa chiền nói chung.

“Ngoài các quy định về vệ sinh và cảnh quan thì đối với những đồ đạc, vật dụng sinh hoạt do con nhang, đệ tử hay khách thập phương mang tới “thỉnh”, nhà chùa chỉ để dùng chứ không được phép mang ra để trao đổi, mua bán” – sư T.T. cho biết thêm.

Trước đó, trao đổi với phóng viên báo Đất Việt, sư thầy T.T.Kh. – trụ trì tại một chùa thuộc địa bàn huyện Xuân Trường (Nam Định) cho biết, sư thầy bỗng nhiên gặp rắc rối vì vô tình vướng vào đường dây kinh doanh đa cấp của một cơ sở có chi nhánh trên địa bàn.

Theo lời của sư thầy, khoảng tháng 5/2015, thầy được một người quen rủ đi chữa bệnh. Vốn bị tai biến não nhẹ nên khi được người quen giới thiệu nơi chữa bệnh, sư thầy đã đồng ý. Tới nơi, thầy được các nhân viên tại cơ sở chữa bệnh này mời chào sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Sau đó, được họ tiến hành thăm khám.

Do sự chu đáo của nhân viên tại cơ sở, và người quen cũng ra sức thuyết phục nên sau đó, thầy còn tới cơ sở này thăm khám và điều trị thêm 3 lần nữa. Và sau 3 lần được sử dụng dịch vụ chăm sóc sức khỏe miễn phí, người quen của thầy đã bảo thầy mua một mã hàng trị giá 11.800.000 đồng tại cơ sở này.

Lúc thầy nói không có tiền tham gia thì người quen lập tức yêu cầu một người phụ nữ đứng ra cho thầy vay tiền để nộp mua mã hàng. Họ có đưa giấy và yêu cầu thầy ký tên.

Sau khi mua mã hàng, thầy được các nhân viên của cơ sở này tư vấn nếu giới thiệu thêm người cùng tham gia thì sẽ được nhận tiền hoa hồng, giá trị là 10% số tiền cho mỗi hợp đồng. Tuy nhiên, thầy từ chối.

Sau ít hôm thì người phụ nữ ứng tiền cho thầy vay trước đó đã tới chùa để đòi tiền thầy. Do không có tiền, lại bị thúc đòi nợ liên tục nên thầy phải bán 2 con lợn cùng một đàn ngan mới đủ tiền trả.

Vũ Đậu

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news