Chia sẻ lên mạng xã hội phụ huynh L.A. viết: "Suất cơm của con em đi học. Bữa trưa mẹ phải nộp 25k ( trừ 5k vào bữa phụ là bánh mỳ hoặc sữa chua) thì còn 20k mà được như này các mẹ có thấy ổn không.
Chả cá viên mua sẵn. Đậu phụ và ít rau củ, chắc các con chan canh cơm trắng qua ngày thôi.
Ôi cái trường làng em!
Một bữa con em bị trừ 3k tiền ga, 3k tiền muối nước mắm.
Tiểu học Đức Thắng Bắc Từ Liêm".
Vị phụ huynh này cho rằng, bữa trưa không cần cầu kỳ nhưng suất ăn như thế này thì không chấp nhận được. Ảnh: FB
Đính kèm là hình ảnh suất cơm gồm có chả cá viên mua sẵn, chút đậu phụ, ít rau củ cải xào và cơm trắng.
Nhìn suất ăn này của các bé trường tiểu học, nhiều người đánh giá nó không bằng bữa cơm công nhân có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng ở các bếp ăn công nghiệp.
Trao đổi với Zing.vn, vị phụ huynh này cho biết bức ảnh được chụp ngày 21/11. Sau khi đăng trên nhóm chat chung của lớp, nhiều người không hài lòng về khẩu phần ăn này.
Sau khi hình ảnh về bữa ăn bán trú bị đăng tải lên mạng xã hội, trường Tiểu học Đức Thắng đã mời các phụ huynh lên làm việc và tỏ thái độ không đồng tình khi phụ huynh chia sẻ lên mạng. Ảnh: FB
Chị L.A. cho biết thêm từ đầu năm, cha mẹ học sinh đã phàn nàn về suất ăn ở trường. Nhà trường gặp gỡ, khẳng định sẽ đổi nhân viên nhà bếp nhưng vẫn giữ nguyên công ty cung cấp.
Sau đó, phụ huynh không được phép vào trường kiểm tra bữa ăn trưa của học sinh bán trú. Chỉ những người trong ban kiểm tra thực phẩm mới được vào. Vì thế, chị L.A. cũng như nhiều phụ huynh khác, không nắm được tình hình.
Khi thấy ảnh chụp bữa ăn, chị bức xúc nên đăng lên mạng xã hội vì trường hứa hẹn nhưng không cải thiện, chị mới đăng lên.
Ngoài bữa ăn quá đạm bạc, chị L.A. còn phản ánh trường còn dùng gạo có mọt để nấu cho học sinh. Phụ huynh đóng tiền ăn bán trú là 25.000 đồng/ngày. Trong đó, 5.000 đồng dành cho bữa phụ. Số tiền 20.000 đồng cho bữa chính còn bị trừ đi 3.000 tiền ga. Chị cho rằng đây là khoản trường "bôi ra để hết tiền".
Chị L.A. cũng cho biết, trước đó, khi phụ huynh phản ánh chuyện suất ăn, hiệu trưởng cho biết ai không đồng ý, có thể tự mang con về nhà. Câu trả lời này khiến nhiều phụ huynh rất bức xúc.
Trước phản ánh trên, bà Trần Thị Phượng, hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thắng giải thích bữa ăn hôm đó có thể do... nhà bếp chia suất không đều.
"Đầu năm học, khi cha mẹ học sinh phàn nàn về bữa ăn trưa, trường tổ chức cho ban phụ huynh họp với nhà bếp để điều chỉnh", trên Trí thức trẻ dẫn lời bà Phượng nói và thừa nhận ban đầu, gạo dùng ở trường có mọt. Sau đó, bà đã yêu cầu nhà bếp chỉ nhập gạo đủ dùng trong 1-2 ngày. Bếp cũng thực hiện nghiêm túc.
Chuyện chi 3.000 đồng trong tiền ăn bán trú cho khoản gas có từ đầu năm là đã điều chỉnh.
Hiệu trưởng trường Tiểu học Đức Thắng khẳng định trường luôn lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ phụ huynh. Khi họ phàn nàn, trường đã cho đổi nhân viên nhà bếp để đảm bảo bữa ăn cho trẻ.
Ngoài ra, phụ huynh nhà trường có đoàn đến phối hợp giáo viên, nhân viên kiểm tra nhà bếp thường xuyên. Thực đơn mỗi ngày được công khai trên bảng đặt trong trường. Hàng sáng, cha mẹ học sinh có thể đến kiểm tra thực đơn và thực phẩm đầu vào.