Tin mới

Tác giả sách cho rằng “người Việt có nguồn gốc từ Trung Quốc” lên tiếng

Thứ ba, 20/05/2014, 15:18 (GMT+7)

(Tinmoi.vn) Nhà dân tộc học Tạ Đức cho biết, ông viết cuốn “Nguồn gốc người Việt – người Mường” không phải vì háo danh mà vì bổn phận nghề nghiệp, và người “kiện” cuốn sách này chính là bạn thân của tác giả.

(Tinmoi.vn) Nhà dân tộc học Tạ Đức cho biết, ông viết cuốn “Nguồn gốc người Việt – người Mường” không phải vì háo danh mà vì bổn phận nghề nghiệp, và người “kiện” cuốn sách này chính là bạn thân của tác giả.

 

Như đã đưa tin, vụ việc buổi giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tác giả Tạ Đức – Nhà xuất bản Tri Thức phát hành bị hoãn vào phút chót đang thu hút sự chú ý của dư luận và tạo ra những tranh cãi trong giới nghiên cứu.

Theo những thông tin ban đầu, nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hội thảo giới thiệu sách trên bị tạm hoãn là do PGS, TS Bùi Xuân Đính - Trưởng phòng Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc Ngôn ngữ Việt - Mường - Viện Dân tộc học Việt Nam – đã có đơn thư “khiếu nại” về cuốn sách. Một lý do đáng chú ý mà ông Đính đưa ra là cho rằng: “Đây là cuốn sách có rất nhiều sai sót về phương pháp luận, về việc sử dụng tài liệu, do vậy, đưa đến những kết luận khoa học không đúng đắn: phủ nhận người Việt và người Mường cùng nguồn gốc, phủ nhận tính bản địa của hai tộc người này, coi họ đều từ Trung Quốc sang”.

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Nhà Dân tộc học Tạ Đức – tác giả cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” – để tìm hiểu rõ hơn về vụ việc.

- Xin ông cho biết thông tin cụ thể, chi tiết hơn về việc buổi giới thiệu cuốn sách của ông tại Trung tâm văn hóa Pháp L’Espace vừa bị hoãn vào phút chót?

- Trước tiên, tôi xin nói rõ rằng, cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” của tôi thực ra đã được NXB Tri Thức chính thức phát hành từ tháng 1/2014. Buổi hội thảo giới thiệu sách dự kiến diễn ra ngày 15/5 tại L’Espace 24 Tràng Tiền vừa qua là do NXB Tri Thức và Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức, tôi cũng chỉ là một khách mời đến trao đổi về cuốn sách với các học giả, nhà nghiên cứu khác. Buổi giới thiệu sách này đã được lên kế hoạch và ấn định thời gian từ nhiều tháng trước, chứ không phải cố ý chọn đúng thời điểm đang xảy ra những căng thẳng về Biển Đông giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc để tổ chức.

Nhưng như mọi người đã biết, buổi giới thiệu sách đã bất ngờ có thông báo hoãn vào ngày 14/5, tức là chỉ một ngày trước ngày dự kiến tổ chức.

Nguyên nhân trực tiếp của việc hoãn trên là do ông Bùi Xuân Đính, nhân danh là PGS.TS, Trưởng phòng, Phòng Nghiên cứu các dân tộc thuộc Ngôn ngữ Việt - Mường, Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, đã gọi điện thoại (ngày 9/5), gửi thư và trực tiếp đến Trung tâm văn hóa Pháp (ngày 13/5) lớn tiếng đòi hoãn cuộc hội thảo. Và ông ta đã đạt được mục đích.

Nhà Dân tộc học Tạ Đức - tác giả cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" - bị chính người bạn thân là PGS, TS Bùi Xuân Đính làm cho buổi giới thiệu sách bị hoãn. Ảnh: Duy Minh.

- Ông Bùi Xuân Đính đưa ra nhiều lý do trong thư yêu cầu gửi một số nơi liên quan để đòi hủy bỏ buổi giới thiệu cuốn sách của ông. Ông nhìn nhận như thế nào về hành động của ông Đính?

- Với những lời lẽ gay gắt, có phần trịch thượng, ông Đính đưa ra nhiều lý do để đòi hủy bỏ buổi hội thảo giới thiệu cuốn sách của tôi.
Ông Đính đã nói rằng: “Đây là cuốn sách có rất nhiều sai sót về phương pháp luận, về việc sử dụng tài liệu, do vậy, đưa đến những kết luận khoa học không đúng đắn: phủ nhận người Việt và người Mường cùng nguồn gốc, phủ nhận tính bản địa của hai tộc người này, coi họ đều từ Trung Quốc sang; phủ nhận hầu hết các thành tựu nghiên cứu của các ngành Khảo cổ học, Sử học, Dân tộc học, Ngôn Ngữ học của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của nhiều học giả Pháp trong hơn nửa thế kỷ qua”.

Chưa dừng lại, ông Đính tiếp tục ngoa ngôn: “Những luận điểm về nguồn gốc Trung Quốc của nhiều tộc người ở Việt Nam đã và đang bị sử dụng để gây ly khai, chia rẽ cộng đồng các tộc người ở Việt Nam, phá hoại khối đại đoàn kết, thống nhất của quốc gia Việt Nam... Trong bối cảnh nhà cầm quyền Trung Quốc ngang ngược xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam đã và đang bị dư luận thế giới phản đối, việc Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức giới thiệu cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" của tác giả Tạ Đức là không phù hợp, dễ bị lợi dụng”.

Tôi khẳng định, đó là những lời lẽ vu khống và vu cáo trắng trợn, bởi những ai đã đọc sách đều thấy rõ khi đưa ra các giả thuyết của mình, tôi đã kế thừa có chọn lọc  thành tựu của các học giả Pháp như  E. Chavanes, L.  Anrousseau, C.Madrolle, V. Goloubew, L. Bezacier,  J. Cusinier, Porée Maspéro…, hơn nữa, dựa trên những thành tựu mới của khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, di truyền học ở Việt Nam và thế giới trong 60 năm qua.

Tôi được biết và đã đọc một bài viết của ông Đính về cuốn sách của tôi, chuẩn bị đăng trên một tạp chí. Trong bài viết này có nhiều bằng chứng cho thấy ông Đính chỉ đọc cuốn sách của tôi một cách cẩu thả, qua loa, đại khái và thay cho việc phản biện một cách khoa học, ông ta đã đưa ra nhiều luận điểm vô căn cứ, tùy tiện, chụp mũ quan điểm chính trị một cách thô bạo, bịa đặt… mà những lời nêu trên chỉ là một ví dụ.

Tôi cho rằng, các lời lẽ “đao to búa lớn” của ông Đính với cán bộ của Trung tâm văn hóa Pháp, đòi hoãn cuộc giới thiệu và hội thảo là ngông cuồng. Vô lý hơn, sau khi L’Espace thông báo hoãn buổi giới thiệu sách, ông Đính còn viết thư yêu cầu một số cơ quan báo chí phải gỡ tin, bài đã đưa trước đây nói về buổi hội thảo giới thiệu cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”.

- Ông và ông Bùi Xuân Đính có quan hệ như thế nào với nhau?

- Từ năm 1980 – 1989, tôi là cán bộ nghiên cứu thuộc Phòng người Việt – Viện Dân tộc học. Trong khoảng thời gian này, tôi và ông Đính là đồng nghiệp cùng phòng với nhau. Ngoài đời, hai chúng tôi cũng là bạn thân.

Chính vì có mối quan hệ có thể coi là thân tình với ông Đính nên tôi đã rất bất ngờ và sốc một chút khi biết chuyện ông ta chính là người khiếu nại, đòi hủy bỏ buổi giới thiệu cuốn sách của tôi ngay sát ngày dự kiến tổ chức.

Tôi đã gọi điện ngay cho ông Đính để hỏi rõ sự tình với suy nghĩ là có thể ông Đính được giao nhiệm vụ nên phải thực hiện. Nhưng qua điện thoại, ông Đính vẫn lớn tiếng nói hành động vừa rồi là do ông chủ ý làm và tỏ ra tự đắc khi kể về việc “dọa” cán bộ Trung tâm văn hóa Pháp như thế nào để đạt được mục đích là buổi hội thảo giới thiệu sách bị hoãn.

Bị một người có thể coi là bạn thân làm thế với mình, tôi hơi buồn. Trước đây, đã có người nói với tôi về những tính xấu của ông Đính nhưng tôi không quan tâm lắm.

Tác giả Tạ Đức: "Tôi nghiên cứu và viết cuốn sách "Nguồn gốc người Việt - người Mường" không phải vì háo danh mà vì bổn phận nghề nghiệp". Ảnh: Duy Minh.

- Vậy ông cảm thấy thế nào, ông có thấy buồn không khi buổi giới thiệu cuốn sách – đứa con tinh thần của mình – bị hoãn vào phút chót?

- Trước khi trả lời câu hỏi của bạn, tôi xin chia sẻ một chút về quá trình viết cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”.

Tôi bắt đầu các công việc viết cuốn sách này từ năm 2003. Tôi nghiên cứu và viết sách một cách độc lập, hoàn toàn với tư cách cá nhân chứ không phải làm theo một dự án, nguồn tài trợ nào. Tôi có may mắn là có kinh tế vững nên có thể tập trung hoàn toàn cho sở thích công việc của mình.

Sau hơn 10 năm, cuốn sách trên của tôi đã hoàn thành và được chính thức phát hành bởi NXB Tri Thức. Kinh phí in ấn, xuất bản sách hoàn toàn là do phía NXB. Tôi không phải bỏ tiền túi ra để tự in sách của mình như một số người khác, bởi tôi nghiên cứu và viết sách vì đam mê khoa học chứ không có nhu cầu xuất bản rộng rãi để lấy danh.

Như tôi đã nói ở trên, buổi hội thảo giới thiệu sách dự kiến diễn ra ngày 15/5 tại L’Espace 24 Tràng Tiền vừa qua là do NXB Tri Thức và Trung tâm văn hóa Pháp tổ chức, tôi cũng chỉ là một khách mời đến trao đổi về cuốn sách với các học giả, nhà nghiên cứu khác.

Ngay từ đầu, tôi đã không quan trọng việc ra sách, giới thiệu sách nên khi buổi giới thiệu sách bị hoãn, thực sự là tôi không buồn lắm. Chỉ buồn một chút vì nó bị gây ra bởi người mà mình coi là bạn thân thôi.

- Xin ông cho biết vài nét khái quát về cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường”, trong đó có những chi tiết khiến ông Bùi Xuân Đính phản ứng?

- Cuốn sách “Nguồn gốc người Việt – người Mường” dày 843 trang, gồm 17 chương và 31 phụ lục.

Về nội dung, chủ đề chính của cuốn sách là nguồn gốc của hai nền văn hóa Đá Mới Phùng Nguyên và Đồng Thau Đông Sơn; sự hình thành của các nước Xích Quỉ, Việt Thường, Văn Lang, Âu Lạc, Nam Việt (những nước được coi là tổ tiên của người Việt), từ đó làm sáng tỏ nguồn gốc người Việt – người Mường, hai tộc người vốn khác nhau từ gần 4.000 năm qua.

Nhiều giả thuyết, kết luận tôi đưa ra trong cuốn sách trái ngược với những điều nhiều nhà nghiên cứu vẫn thừa nhận lâu nay, như tôi cho rằng tổ tiên trực tiếp của người Việt - người Mường là người Lạc Việt - người Phùng Nguyên, là dân di cư từ phương Bắc xuống; người Việt và người Mường từ xa xưa đã là hai tộc người khác nhau…

Tôi ý thức được rằng, những điều khác với sự thừa nhận lâu nay của số đông mà tôi nêu ra trong cuốn sách sẽ phải nhận những phản ứng, thậm chí là phản đối, nhưng là một học trò của Giáo sư Sử học Phan Huy Lê, tôi rất tâm đắc với lời của thầy: “Nếu sự thật nâng chúng ta lên thì chúng ta càng phấn khởi, nhưng có cái đau đớn chúng ta cũng phải chấp nhận. Chân lý phải được đặt lên cao nhất. Sự thật lịch sử phải được tôn trọng đầy đủ”.

Tôi viết cuốn sách này như một cách làm tròn bổn phận nghề nghiệp, một cách đền đáp lại những gì đã nhận được từ tổ tiên, đất nước và cuộc đời.

Tôi hi vọng cuốn sách này sẽ là một ngọn lửa nhỏ góp phần làm sáng tỏ lịch sử đất nước, làm ấm lên tri thức lịch sử dân tộc, làm cháy lên tình yêu đối với các ngành sử học, dân tộc học, khảo cổ học, ngôn ngữ học và khoa học xã hội nói chung.

Duy Minh (thực hiện)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news