Vì nhiều lý do, một số phụ huynh thường giao con cho ông bà hay giúp việc và thời gian tiếp xúc với con cái rất ít. Chuyên gia tâm lý khuyến cáo, nếu duy trì việc này trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ sau này.
Một số người phó mặc việc chăm sóc con cái cho ông bà, giúp việc nói là do hoàn cảnh, nhưng cũng có người xuất phát từ quan điểm “muốn con dễ bảo thì tạo sự cách biệt với chúng”.
Việc bố mẹ giao khoán con cái cho giúp việc sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển của trẻ sau này. Ảnh minh họa: nguồn internet |
Theo Theo Thạc sĩ Nguyễn Thành Đoàn, Hiệp hội Tâm lý học xã hội Việt Nam, dù vì lý do gì thì việc xa lánh con trong một thời gian dài sẽ tạo những tác động xấu đến tâm sinh lý và quá trình phát triển của trẻ sau này như: kỹ năng giao tiếp, phát triển nhân cách...Thậm chí, nó còn có nguy cơ khiến trẻ có thể tự kỷ.
Cụ thể, nếu 1 thời gian dài không được tiếp xúc với bố mẹ, khoảng cách tâm lý giữa bố mẹ và con cái sẽ ngày càng xa; trẻ sẽ thu mình với thế giới xung quanh, coi cha mẹ như người xa lạ.
Để minh họa cho việc này, ông Đoàn dẫn chứng trường hợp một người đi du học nước ngoài 3 năm khi đứa con mới hai tuổi và khi trở về đứa trẻ này không gọi là ba nữa, mà gọi là chú. Sau đó, người cha này phải mất 2 năm tích cực gần con mới có sự thay đổi trong nhận thức và tình cảm của con. Tuy nhiên cảm nhận của người cha đó là vẫn thấy có khoảng cách nhất định.
Từ câu chuyện này, ông Đoàn nhắn nhủ những ông bố, bà mẹ mỗi khi đi công tác thì nên thường xuyên gọi điện nói chuyện với con cái để chúng vẫn cảm nhận được sự quan tâm, gần gũi của bố mẹ dù đang có khoảng cách về địa lý.
Từ việc con cái có khoảng cách với cha mẹ, ông Đoàn cho biết, nó sẽ kéo theo nhiều hệ quả như: nghe lời người giúp việc hơn là bố mẹ nên khi bố mẹ nói con không nghe và luôn mang giúp việc ra làm “bia đỡ đạn”. Nguy hiểm hơn, những đứa trẻ thiếu sự quan tâm, giáo dục của bố mẹ mỗi ngày có thể bị chậm phát triển về trí tuệ hơn những đứa trẻ khác. Nhân cách của trẻ cũng bị ảnh hưởng vì không có sự định hướng của bố mẹ.
Trên thực tế, trong số trẻ ở tuổi vị thành niên đã bước vào con được sa ngã: bỏ nhà đi bụi, yêu sớm, thậm chí vi phạm pháp luật, phần đa đều có hoàn cảnh gia đình không hạnh phúc, bố mẹ chia tay hoặc thường xuyên cãi vã, bỏ mặc con cái. Thế nên, một chuyên gia giáo dục đã nói rằng, nền tảng của giáo dục, hình thành, phát triển nhân cách con người là giáo dục gia đình.
H.Minh