Việc lạm dụng Smartphone là rất phổ biến trong xã hội. Và một chuyên gia mới đây đã đưa ra cảnh báo nghiêm trọng về hiện thực này.
Mới đây, một khảo sát từ ĐH San Francisco (Mỹ) đã tiết lộ những con số thực sự đáng ngại về việc con người ngày càng lạm dụng công nghệ - mà cụ thể ở đây là smartphone.
Theo đó, việc sử dụng smartphone quá nhiều khiến não bộ phải chịu những hiệu ứng như khi nghiện ma túy vậy.
Chưa hết, những người phụ thuộc vào smartphone cũng cảm thấy bị cô lập, mệt mỏi, chán nản và cảm giác cô đơn xâm chiếm so với người sử dụng có kiểm soát.
"Việc nghiện smartphone cũng tạo ra những liên kết thần kinh trong não tương tự như khi tiếp xúc với các chất gây nghiện nhóm opiod" - Erik Peper, giáo sư khoa học sức khỏe tại ĐH bang San Francisco cho biết.
Peper đã thực hiện một khảo sát trên 135 sinh viên trong trường. Kết quả cho thấy, những người lạm dụng smartphone thường có đời sống xã hội tương đối nghèo nàn.
Theo ông, có thể chính điều này đã khiến họ có cảm giác cô đơn. Khi con người ít tương tác, thiếu đi ngôn ngữ cơ thể, sự cô đơn sẽ tăng lên.
Bên cạnh đó, những sinh viên lạm dụng smartphone còn có xu hướng không tập trung, thường tìm cách làm nhiều việc một lúc (multitasking). Điều này khiến đầu óc, tâm trí trở nên kém linh hoạt hơn.
Trong bản báo cáo, Peper viết rằng việc sử dụng smartphone có thể kích thích khu vực trong não vốn chịu trách nhiệm cảnh báo con người khi gặp nguy hiểm. Có điều, các công ty công nghệ đang lợi dụng điều đó để thu lợi.
"Xem càng nhiều, click càng nhiều, tức là tiền càng nhiều."
"Nhưng sự thật là chúng ta đang vô tình bị lợi dụng cơ chế vốn là để bảo vệ bản thân khỏi các tình huống hiểm nghèo."
Trên thực tế, đây không phải nghiên cứu đầu tiên chỉ ra rằng việc nghiện smartphone cũng đem lại những hiệu ứng tương tự như các chất gây nghiện. Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng đưa ra một số kết luận trái chiều.
Như theo nhóm nghiên cứu từ ĐH McGill, dù sử dụng điện thoại có khiến chúng ta bị cô lập, nhưng chưa chắc chúng ta đã thực sự nghiện điện thoại. Thứ bị lạm dụng là các ứng dụng mạng xã hội.
Nhưng dù là vì thứ gì, Peper vẫn cho rằng mấu chốt vấn đề là chúng ta cần phải hạn chế việc lạm dụng công nghệ trong cuộc sống. Hãy để tâm trí được nghỉ ngơi một cách đúng nghĩa trong lúc rảnh rỗi, thay vì dán mắt vào màn hình.