Tin mới

Tái giá vẫn được phong Mẹ Việt Nam Anh hùng?

Thứ hai, 13/10/2014, 08:50 (GMT+7)

Trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp thắc mắc về việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các bà mẹ có chồng và 1 con trai hy sinh trong kháng chiến và đã tái giá.

Trong chương trình "Dân hỏi Bộ trưởng trả lời" ngày 12/10, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền đã giải đáp thắc mắc về việc phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng cho các bà mẹ có chồng và 1 con trai hy sinh trong kháng chiến và đã tái giá.

 

Cụ thể, trả lời câu hỏi về trường hợp các bà mẹ có chồng và 1 con trai hy sinh trong kháng chiến mà tái giá có được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng hay không?. Trong chuyên mục Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời lần trước, Bộ trưởng cho biết đã ủng hộ chủ trương phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho các mẹ kể trên, nhưng Bộ trưởng sẽ tham vấn thêm các cơ quan phối hợp. Vậy đến thời điểm này đã có Chính sách cụ thể cho các bà mẹ kể trên hay chưa?.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, thứ 6 vừa rồi (ngày 10/10), Bộ LĐTBXH, Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ đã có thông tư liên tịch hướng dẫn triển khai thực hiện. Trên cơ sở thông tư này các trường hợp nêu đó sẽ được xem xét giải quyết theo hướng dẫn tại Thông tư.

Như vậy, dẫu có muộn nhưng rất thiết thực, là việc làm đầy trách nhiệm đối với những người đã cống hiến đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước”, Bộ trưởng bày tỏ.

Như vậy, về trường hợp của bà Trần Thị M., 83 tuổi, nguyên quán huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi, hiện ở quận Bình Thạnh, TP.HCM có chồng và 1 con trai là liệt sỹ nhưng chưa được phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng chỉ vì bà đã tái giá, sẽ được xem xét giải quyết.

Cũng trong Chương trình "Dân hỏi- Bộ trưởng trả lời", một người dân chia sẻ "việc bình xét hộ nghèo của xóm tôi được thực hiện theo cách xoay vòng. Tức là nhà này được thì năm sau sẽ nhường nhà khác không kể gia đình có điều kiện như thế nào. Làm sao lại luân phiên và cào bằng như vậy khi mà một số hộ có của ăn của để lại được đưa vào diện hộ nghèo, trong khi những hộ nghèo thực sự như chúng tôi lại không được xét?".

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, theo quy định 21 của Bộ LĐTBXH về rà soát hộ nghèo đã nói rõ từng cơ sở, thôn, bản phải xác lập danh sách hộ nghèo, trên cơ sở đó có bình xét với sự tham gia của, cấp ủy, các tổ chức đoàn thể sau đó công khai.

"Nếu như đơn vị vừa nêu làm xoay vòng hộ nghèo là hoàn toàn trái với quy định của Nhà nước và tôi nghĩ rằng cách làm việc đấy dứt khoát cần phải xem xét, rà soát lại cho phù hợp".- Bộ trưởng khẳng định.

Trả lời câu hỏi của người dân về trường hợp "Tại Nghệ An, xóm có hơn 100 hộ thì phải có đến gần 40% thuộc diện hộ nghèo. Nhưng xóm có đưa vào danh sách nhưng xã không chấp thuận. Xã áp xuống số hộ nghèo là 11%, sau nâng lên thành 13%. Nghĩa là xã đặt chỉ tiêu 12% hộ nghèo, chứ dân nghèo nhiều quá lại ảnh hưởng đến thành tích. Bộ trưởng có cách nào để xử lý căn bệnh thành tích này để những người nghèo thực sự được hưởng chế độ của mình?".

Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho hay, nếu địa phương nào làm như vừa nêu là hoàn toàn trái với hướng dẫn, với những chính sách tốt đẹp về người nghèo của Đảng và Nhà nước. Vì chính sách bình xét không vì thành tích, tỷ lệ mà phải thực chất trên thực tế số hộ nghèo đến đâu, nên nếu địa phương ấn định tỷ lệ và áp xuống dưới là trái với hướng dẫn, tỷ lệ đó dứt khoát không được công nhận.

"Tôi đề nghị chính quyền cấp trực tiếp, ví dụ cấp xã làm thì cấp huyện phải trực tiếp kiểm tra, xem xét lại, nếu cần thiết phải hủy kết quả bình xét để đảm bảo đối tượng người nghèo được hưởng, dẫu có tỷ lệ lên 16 hay 17%, thực chất có những nơi lên đến 30%, 40% thì vẫn nằm trong diện nghèo theo của Nhà nước quy định."- Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Một người dân đã phản ảnh trong chương trình " Dù gia đình tôi mới chuyển từ diện hộ nghèo sang hộ cận nghèo, nhưng vẫn còn chưa ổn định và có thể quay trở về hộ nghèo bất cứ lúc nào. Ở diện hộ cận nghèo, các chính sách về vay vốn ưu đãi và các chính sách hỗ trợ khác thì tôi nhận thấy thấp hơn nhiều so với hộ nghèo. Vậy xin hỏi Bộ trưởng trong thời gian tới có gì thay đổi trong chính sách hộ nghèo và hộ cận nghèo hay không?"

Bộ trưởng Chuyền giải thích, giữa hộ nghèo và cận nghèo hiện chênh lệch là không đáng kể. Ví dụ ở nông thôn thu nhập 400.000 đồng/tháng/người là hộ nghèo còn thu nhập 420.000-450.000 đồng/tháng/người là hộ cận nghèo nên thiết kế chính sách hỗ trợ cho hộ cận nghèo phải nghiên cứu tiếp tăng lên. Tới đây chính sách phải tiếp tục tạo điều kiện để trước hết là hộ nghèo, sau đấy là hộ cận nghèo tiếp cận với các chính sách ưu tiên của Nhà nước.

Theo H.Nguyên (lược ghi)/Nguoiduatin

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news