Luật sư cho biết, hành khách trên chuyến xe trong vụ tai nạn thảm khốc ở Hòa Bình sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe và tài sản.
Để làm rõ về trách nhiệm pháp lý của các bên liên quan trong vụ tai nạn nghiêm trọng ở Hòa Bình, PV đã có cuộ trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp – Đoàn luật sư Hà Nội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, dưới góc độ pháp lý thì mối quan hệ giữa hành khách và chủ phương tiện vận chuyển trên chuyến xe khách bị tại nạn vào trưa ngày 15/3 vừa qua là mối quan hệ dân sự, cụ thể là hợp đồng vận chuyển hành khách được quy định cụ thể từ Điều 527 đến Điều 534 Bộ luật dân sự năm 2005.
Theo đó, trường hợp tính mạng, sức khỏe và hành lý của hành khách bị thiệt hại trong quá trình thực hiện hợp đồng vận chuyển hành khách thì bên vận chuyển phải có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại đã xảy ra theo điều 533 Bộ luật dân sự.
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh Otofun. |
Như vậy, theo quy định trong điều 533 thì "trường hợp tính mạng, sức khoẻ và hành lý của hành khách bị thiệt hại thì bên vận chuyển phải bồi thường", chỉ khi thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của hành khách thì hành khách mới không được bồi thường, còn nếu thiệt hại do lỗi của bên vận chuyển, lỗi của bên thứ ba hoặc không ai có lỗi thì bên vận chuyển vẫn phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo nguyên tắc bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và các quy định khác của Bộ luật dân sự hiện hành.
"Theo thông tin được biết, nguyên nhân dẫn đến vụ tai nạn nghiêm trọng này là do chiếc xe bồn bị lật, đâm vào xe khách. Như vậy, lỗi là không phải từ phía hành khách mà là do bên thứ ba gây ra (người điều khiển xe bồn) hoặc do thao tác xử lý tình huống của người lái xe khách chưa hợp lý... Do đó hành khách trên chuyến xe khách trên sẽ được bồi thường toàn bộ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản theo quy định pháp luật.
Mức thiệt hại là những thiệt hại thực tế về tài sản đã bị mất, hư hỏng, hủy hoại; Tiền chi phí cứu chữa, phục hồi sức khỏe; Tiền chi phí mai táng (với nạn nhân thiệt mạng); Nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng; Tiền thu nhập bị mất, bị giảm sút của nạn nhân và người chăm sóc nạn nhân; Tiền bồi thường thường thiệt hại về tinh thần không quá 30 tháng lương tối thiểu đối với người bị thương và không quá 60 tháng lương tối thiểu đối với những gia đình có nạn nhân thiệt mạng...", ông Cường phân tích.
Cũng theo luật sư Cường, việc mua bảo hiểm cho hành khách là nghĩa vụ bắt buộc của chủ xe. Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là bằng chứng giao kết hợp đồng bảo hiểm trách nhiệm dân sự giữa chủ xe cơ giới với doanh nghiệp bảo hiểm. Theo Điều 14 Nghị định 103/2008/NĐ-CP ngày 16/9/2008 về bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới, “trường hợp chủ xe cơ giới chết hoặc bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường trực tiếp cho người bị thiệt hại”.
Trong trường hợp có bảo hiểm thì bên bảo hiểm sẽ có trách nhiệm bồi thường những thiệt hại theo quy định của luật bảo hiểm và các văn bản pháp luật khác có liên quan. Những khoản thiệt hại ngoài phạm vi cơ quan bảo hiểm thanh toán thì bên vận chuyển có trách nhiệm phải bồi thường cho các nạn nhân.
Như tin đã đưa, hồi 16h ngày 14/3 tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình, xảy ra vụ Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.
Xe ô tô đầu kéo chở nhựa đường đi hướng Hà Nội - Sơn La khi đến địa điểm trên thì đâm vào xe ô tô khách đi ngược chiều, trên xe có 28 hành khách.
Sau va chạm, 2 xe ô tô lật ngang trên quốc lộ, nhựa đường đổ tràn ra đường, bén lửa làm 2 xe ô tô bốc cháy. Hậu quả làm 3 người chết tại chỗ, 23 người bị thương được đưa đi cấp cứu ban đầu tại Bệnh viện huyện Mai Châu và Bệnh viện huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Thu Trang