Đó là băn khoăn của GS.TS Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, do bộ GD&ĐT tổ chức sáng nay (2/8).
Tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm học 2017-2018, những điều đạt được và chưa đạt được trong năm học qua được Bộ trưởng bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nêu lên. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến về lỗ hổng trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018 được các đại biểu nhắc tới.
Phát biểu tại hội nghị, GS.TS. Trần Thọ Đạt, Hiệu trưởng ĐH Kinh tế Quốc dân nêu ý kiến: “Hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng đề thi cần đảm bảo ngưỡng điểm, đề thi tốt cần có sự phân hóa tốt để phân ra thí sinh khá, giỏi.
Cán bộ ra đề cần nghiên cứu kỹ phổ điểm để tránh tình trạng đề thi năm dễ năm khó. Kết quả thi THPT là căn cứ quan trọng cho nhà trường tuyển sinh, nếu làm tốt chúng tôi hoàn toàn ủng hộ kỳ thi này.
Về kỳ thi THPT Quốc gia tổ chức tại địa phương, không thể nói là không tin sở GD&ĐT, tuy nhiên tôi thấy vẫn cần sự tham gia của trường ĐH.
Tuyệt đối không để thí sinh đặc biệt, ví dụ tại sao các chiến sĩ Cảnh sát cơ động ngồi riêng phòng thi? Tất cả thí sinh dự thi phải được trộn lẫn danh sách đảm bảo đúng quy chế. Tiếp đó với những lỗ hổng trong bài thi cũng cần sửa đổi, để khi chấm thi giám thị không biết bài thi của thí sinh nào”, ông Đạt nhấn mạnh.
Cũng tại hội nghị, nhận định về những hành vi sai phạm trong ngành giáo dục, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Năm học này, ngành giáo dục phát động phong trào thi đua trong các thầy cô. Nguyên tắc ai vi phạm thì ra khỏi ngành.
Một người ra khỏi ngành là ảnh hưởng đến cả gia đình họ nhưng vì tương lai con em chúng ta, phải làm kiên quyết việc này. Cần thẳng thắn nhìn rõ, phần lớn những bất cập, tiêu cực trong giáo dục lại xuất phát từ cán bộ giáo dục, các thầy cô giáo”.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại hội nghị.
Tại hội nghị, GS.TS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Hà Nội nêu ra vướng mắc trong ngành sư phạm: “ So với các nước trên thế giới, chúng ta có quá nhiều cơ sở đào tạo sư phạm. Theo phân tích thực tế, chúng ta chỉ cần 10 cơ sở là có thể đáp ứng đào tạo sư phạm rồi”.
“Bên cạnh đó, ngành sư phạm cũng đang mất đi sự hấp dẫn với học sinh giỏi, do 3 nguyên nhân: Cơ hội việc làm, thu nhập và cơ hội thăng tiến. Vì vậy, cần có sự quy hoạch đào tạo theo cung cầu, đáp ứng đúng nhu cầu thị trường. Tạo sức hút với sinh viên giỏi”, ông Minh đề nghị.
Đặng Thủy