- Thượng úy CSGT lái xe BMW gây tai nạn chết người bị bắt
- Vụ CSGT lái xe BMW gây tai nạn chết người: Chủ nhân biển số xe lên tiếng
Từ những diễn biến mới, dư luận đã đặt ra nhiều câu hỏi với chiếc xe gần chục tỷ đồng gây tai nạn khiến 2 người tử vong ở Bà Rịa - Vũng Tàu ngày 6/12.
Liên quan đến vụ thượng uý CSGT Phạm Hồng Tuân gây tai nạn khiến 2 người tử vong tại Bà Rịa – Vũng Tàu ngày 6/12, theo điều tra của phóng viên báo Giao thông vận tải, giấy ra vào “giấy ra vào” của xe 29A – 410.86 không có giá trị ra vào sân bay Tân Sơn Nhất mà chỉ được phép ra vào các cổng số 1,2,3,4,5 thuộc khu vực quản lý của Sư đoàn 370. Từ đó, phóng viên báo này đặt ra một chuỗi câu hỏi: Vậy tại sao chiếc xe đeo BKS giả 29A – 410.86 lại lọt qua khâu kiểm soát nghiêm ngặt để được cấp giấy ra vào khu vực quân sự? Vietstar Airlines có phải là đơn vị đề nghị cấp giấy hay không? Ai là chủ thực sự của chiếc xe sang tiền tỷ gây tai nạn kinh hoàng này?
Ba dấu hỏi cho xế sang BMW gây tai nạn làm 2 người tử vong ở BR-VT. Ảnh: Pháp luật TP HCM
Cụ thể, theo báo Giao thông vận tải, một manh mối để truy tìm chủ sở hữu thực sự chiếc xe BMW mà thượng úy Phạm Hồng Tuân, CSGT, huyện Châu Đức cầm lái gây tai nạn kinh hoàng sáng ngày 6/12, là trên kính lái của chiếc xe BMW vẫn còn lưu lại tấm “Giấy ra vào” do một bộ phận có tên là “Đóng quân canh phòng Tân Sơn Nhất” cấp cho xe có biển số 29A- 410.86 ký hiệu khu vực là E. Đơn vị đề nghị cấp là Công ty CP Hàng không Lưỡng dụng Ngôi sao Việt (Vietstar Airlines).
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên báo này, ông Nguyễn Như Hải – Chánh văn phòng Vietstar Airlines sau khi xem ảnh chụp lại “giấy ra vào” của xe 29A – 410.86 đã khẳng định ngay tên công ty là đúng nhưng công ty không đề nghị cấp, cũng không hề có chiếc xe nào xịn như thế.
Lãnh đạo Phòng pháp chế - Cảng Vụ Hàng không miền Nam cũng khẳng định là không hề có mẫu giấy ra vào này, cũng không có câu chữ nào ghi là Cảng vụ HKMN.
“Để thận trọng hơn, PV đã nhờ một sỹ quan của Quân chủng Phòng không không quân xem giúp, thì được biết cụm từ “Đóng quân canh phòng Tân Sơn Nhất” thuộc Sư đoàn không quân 370. Người ký giấy ra vào là Đại tá Phạm Trường Sơn – Tham mưu trưởng Sư đoàn 370.
Như vậy giấy ra vào này không có giá trị ra vào sân bay Tân Sơn Nhất mà chỉ được phép ra vào các cổng số 1,2,3,4,5 thuộc khu vực quản lý của Sư đoàn 370”, báo Giao thông vận tải viết.
Trước đó, theo thông tin ban đầu từ Cục Đăng kiểm Việt Nam và Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ, đường sắt (Công an TP. Hà Nội) biển kiểm soát 29A-410.86 không phải là biển của xe BMW gây tai nạn mà được cấp cho xe ô tô con 4 chỗ nhãn hiệu Toyota - Camry LE của bà Trần Thị Liên (ở đường Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).
Từ đó, dư luận đặt nghi vấn chiếc xe BMW do thượng úy Tuân điều khiển gây tai nạn mang biển số giả?
Tuy nhiên, trên Khám phá, bà Trần Thị Liên – người được cho là chủ nhân thật của ô tô mang BKS 29A-410.86 lại khẳng định mình không có chiếc xe nào mang BKS như vậy. Bà Liên xác nhận, gia đình bà từng mua một chiếc xe Camry màu đen. Nhưng biển số của chiếc xe này là 30K-5763 chứ không phải là biển gắn trên chiếc xe gây tai nạn. Gia đình bà Liên cũng đã bán chiếc xe Camry cách đây khoảng 3 năm cho một cơ sở buôn bán xe ô tô.
"Chiếc xe gây tai nạn và biển số đó hoàn toàn không liên quan đến gia đình tôi", bà Liên nói.
Vẫn theo Khám Phá, bà Liên hiện là chủ một nhà hàng nằm trên đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân, Hà Nội), có địa chỉ đúng với thông tin PC67 Hà Nội cung cấp.
Liên quan đến thông tin về chiếc xe BMW thượng uý Tuân điều khiển gây tai nạn, trong bài viết đăng sáng ngày 9/12, Tuổi trẻ dẫn lời đại tá Nguyễn Hữu Tụng, chánh văn phòng PC44, Công an Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, theo lời khai ban đầu của thượng úy Tuân với cơ quan điều tra, ngày 5/12 thượng úy này lên TP.HCM cùng vợ và con để tiêm ngừa cho con mới sinh.
Trên đường quay về Vũng Tàu, thượng úy Tuân cho vợ con về trước, còn mình vào TP Biên Hòa để lấy xe máy SH đang gửi sửa ở đây. Thế nhưng do xe chưa sửa xong nên thượng úy Tuân chưa lấy được.
Sau đó, thượng úy Tuân ghé mượn xe BMW của một người bạn tên D. đang làm CSGT tại Phòng CSGT tỉnh Đồng Nai để về Vũng Tàu.
Tiếp thông tin này, tối ngày 9/12, báo Tuổi trẻ dẫn lời một cán bộ có chức năng cho hay, sáng ngày 9/12, Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã triệu tập trung úy D. (Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Đồng Nai) đến làm việc. Tuy nhiên, cán bộ này từ chối tiết lộ chi tiết lời khai của trung úy D.
Về diễn biến xử lý vụ việc thượng uý Tuân gây tai nạn, chiều 8/12, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 4 tháng của Cơ quan CSĐT cùng cấp đối với thượng úy Phạm Hồng Tuân (28 tuổi, ngụ TP.Vũng Tàu, CSGT huyện Châu Đức) để điều tra về hành vi “Vi phạm quy định về điều khiển giao thông đường bộ”. Trước khi bị khởi tố, bắt tạm giam, thượng úy Phạm Hồng Tuân đã bị tạm đình chỉ công tác.
Được biết, phòng PC44, công an Bà Rịa – Vũng Tàu đã cử một tổ công tác ra TP Hà Nội để xác minh, lấy thông tin chính thức về biển số 29A-410.86 gắn trên chiếc xe BMW do thượng úy Tuân điều khiển gây tai nạn.
Như đã thông tin, lúc 1h30 sáng 6/12, hai nhóm dân quân của xã Láng Lớn và thị trấn Ngãi Giao, huyện Châu Đức đang đứng trên đường Mỹ Xuân – Ngãi Giao (thuộc ấp Tân Giao, xã Láng Lớn) để cùng phối hợp tuần tra, trực canh, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn giáp ranh.
Tuy nhiên, trong lúc các dân quân đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra thì bất ngờ bị thượng úy Phạm Hồng Tuân điều khiển chiếc ô tô hiệu BMW mang biển số 29A – 410.86 với tốc độ rất nhanh, lao sang phần đường ngược lại, đâm trực diện vào tổ dân quân, dân phòng đang ngồi trên xe gắn máy khiến 2 người thiệt mạng tại chỗ và 8 dân quân khác bị thương.
H.Minh (tổng hợp)