Tin mới

Tài xế gây tai nạn liên hoàn khiến nữ công nhân vệ sinh tử vong đối diện mức án nào?

Thứ tư, 24/04/2019, 08:59 (GMT+7)

Liên quan đến vụ tai nạn liên hoàn ở trên đường Láng, luật sư cho biết, tài xế lái xe đâm chết nữ công nhân vệ sinh có thể đối diện mức án từ 1 - 5 năm tù.

Chiều ngày 23/4, trao đổi với PV Tuổi Trẻ, một lãnh đạo Công an quận Đống Đa cho biết Cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận vừa ra quyết định khởi tố vụ án "vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ", tạm giữ hình sự tài xế Đỗ Xuân Tuyên (49 tuổi, trú tại phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) để điều tra vụ xe 7 chỗ gây tai nạn liên hoàn trên đường Láng.

Theo điều tra ban đầu, tài xế Tuyên khai do trước đó ở nhà có việc nên đã uống khoảng từ 5-7 cốc bia loại lớn. Sau đó điều khiển ôtô không còn làm chủ được tốc độ nên gây ra vụ tai nạn liên hoàn khiến nữ công nhân vệ sinh môi trường tử vong.

Được biết, thời điểm gây tai nạn, tài xế Tuyên có  nồng độ cồn 1,041ml/lít khí thở, vượt mức quy định cho phép.

Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh internet

Sau khi vụ tai nạn xảy ra, nhiều người đặt ra câu hỏi tài xế sẽ đối diện với mức án nào. Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VP luật sư Tinh Thông Luật) cho biết:

"Người tham gia giao thông phải có ý thức tự giác, nghiêm chỉnh chấp hành quy tắc giao thông, giữ gìn an toàn cho mình và cho người khác. Chủ phương tiện và người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc bảo đảm an toàn của phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Luật giao thông đường bộ nghiêm cấm hành vi điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở.

Hành vi phạm tội trong tình trạng dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự. Trong tình trạng không kiểm soát, người say rượu, bia có thể bị giảm sút hoặc mất hoàn toàn năng lực nhận thức và điều khiển hành vi trong một khoảng thời gian nhất định.

Tuy nhiên, người say do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác được cho là đã tự đặt mình vào tình trạng say. Vô hình trung, họ đã tự tước bỏ năng lực nhận thức và điều khiển hành vi của mình. Vì vây, người điều khiển phương tiện phải chịu trách nhiệm hình sự căn cứ theo quy định tại Điều 13 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Pháp luật hình sự cũng không coi việc “say rượu, bia hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác” là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự."

Cũng trao đổi với PV Tổ Quốc, luật sư Diệp Năng Bình - Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho biết: "Tại Điều 260 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định, người nào tham gia giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây tai nạn làm chết một người  thì bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Tuy nhiên cùng hành vi này nhưng người gây tai nạn lại đang trong trạng thái say xỉn, nồng độ cồn vượt quá mức cho phép hoặc sử dụng chất kích thích mạnh thì sẽ bị định khung ở mức án cao hơn, bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm. Như vậy, việc say xỉn trong khi tham gia giao thông dẫn đến gây tai nạn có thể coi là tình tiết tăng nặng vì họ đã tăng mức độ nguy hiểm cho chính bản thân và người khác".

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news