Theo luật sư, để xác định một xe tải có đi vào đường cấm hay không cần căn cứ vào con số thể hiện ở hai nơi: một là con số ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định và hai là ghi trên biển hiệu 106b.
Thời gian gần đây, dư luận đang xôn xao trước phiên tòa hành chính sẽ được mở theo đơn khởi kiện của lái xe Phan Đình Anh và bên bị kiện là Công an thành phố Vinh, Nghệ An.
Theo đơn khởi kiện của ông Anh, ngày 8/3/2016, ông điều khiển xe tải mang biển số 37C-17.832 đi chở hàng. Khi xe rẽ vào đường Lê Lợi (thành phố Vinh), ông Anh thấy biển báo hình tròn, nền trắng, viền đỏ và gạch chéo màu đỏ, ở giữa có hình một xe ô tô tải, trên hình xe có hàng chữ 4T màu trắng (biển báo số 106b). Xác định xe mình không có hàng nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của biển báo 106b nên ông Anh vẫn cho xe vào đường Lê Lợi. Đến trước cổng bến xe Vinh, ông Anh bị 2 cảnh sát giao Công an thành phố Vinh ra hiệu lệnh dừng xe để xử lý hành vi đi vào đường cấm. Cảnh sát giao thông ra quyết định xử phạt hành chính 4,9 triệu đồng và tạm giữ xe 9 ngày theo Quyết định số 10 ngày 18/1/2016 của UBND tỉnh Nghệ An.
Biển báo đầu đường Lê Lợi (TP Vinh), ông Anh cho xe đi vào và cho rằng không vi phạm - Ảnh: Vnexpress |
Dư luận xôn xao không chỉ vì vụ kiện này thuộc hàng hy hữu ở Nghệ An mà còn nằm ở chỗ đang tồn tại những cách hiểu và giải thích khác nhau về nội dung biển cấm 106b.
Để rộng đường dư luận, PV đã có cuộc trao đổi với luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco.
Luật sư Phong cho biết, theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2016/BGTVT thì “Để báo đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn một giá trị nhất định, phải đặt biển số P.106b. Biển có hiệu lực cấm các loại xe ô tổ tải có khối lượng chuyên chở (xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn giá trị chữ sô ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ xe).
“Như vậy, có thể hiểu rằng, để xác định một xe tải có đi vào đường bị cấm hay không, cần căn cứ vào con số thể hiện ở hai nơi, một nơi ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định và một nơi ghi trên biển hiệu 106b. Trong trường hợp con số ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định lớn hơn con số ghi trên biển hiệu thì xe tải sẽ bị coi là đi vào đường cấm, và ngược lại, nếu con số ghi trên Giấy chứng nhận kiểm định nhỏ hơn con số ghi trên biển hiệu thì sẽ không bị coi là đi vào đường cấm” – luật sư Phong nói.
Luật sư Phong phân tích thêm, trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia nêu trên, không giải thích cụ thể về khối lượng chuyên chở, mà chỉ có giải thích về Tải trọng bản thân xe, Tải trọng toàn bộ xe và Tải trọng toàn bộ xe cho phép. Trong đó, Tải trọng bản thân xe được hiểu là khối lượng của xe, đo bằng kg hoặc tấn được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định, không kể đến khối lượng người và hàng hóa trên xe. Tải trọng toàn bộ xe bằng trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng của người, hành lý và hàng hóa xếp trên xe. Tải trọng toàn bộ xe cho phép bằng trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định.
Qua quy cách giải thích trên đây, cho phép chúng ta hiểu rằng, có sự phân định giữa khối lượng chuyển chở và Tải trọng toàn bộ xe cho phép. Khối lượng chuyên chở không bao gồm tải trọng bản thân xe, và khối lượng chuyên chở của xe được ghi trong Giấy chứng nhận kiểm định. Hiểu rõ hơn, khối lượng chuyên chở chính là khối lượng mà xe được mang thêm trên mình, và không bao gồm tải trọng của bản thân xe.
Biển cấm 106b chỉ áp dụng đối với khối lượng chuyển chở, tức là nếu trên Giấy chứng nhận kiểm định của xe, có ghi khối lượng chuyển chở nhỏ hơn con số ghi trên biển thì sẽ không bị coi là đi vào đường cấm.
"Căn cứ vào thông tin trên, chúng ta dễ thấy là lái xe Phan Đình Anh hoàn toàn có cơ sở khi cho rằng mình không vi phạm", luật sư Phong nhận định.
Tuy nhiên, luật sư Phong cũng cho biết thêm, trong tình huống này (như thông tin báo chí đăng tải - PV), CSGT TP Vinh không căn cứ vào quy định Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia nêu trên mà lại căn cứ vào Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An. Ngoài ra, hệ thống biển hiệu sử dụng theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia, nhưng phần quy định cụ thể về hành vi cấm lại căn cứ theo Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND. Trong Quyết định 10/2016/UBND quy định “Cấm các loại xe tải có tổng trọng lượng (bao gồm trọng lượng xe cộng hàng cho phép tham gia giao thông theo thiết kế) từ 4,0 tấn trở lên và xe ô tô khách từ 16 chỗ trở lên (trừ xe công vụ; xe buýt; xe hợp đồng; xe tham quan du lịch; xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang; xe phục vụ tang lễ, phục vụ đám cưới) hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày trên các tuyến đường được quy định tại phụ lục số 01 kèm theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 28/7/2014”.
Quy định cấm trong Quyết định 10 trên đây có thể giải thích ngắn gọn là cấm xe tải có Tải trọng toàn bộ xe cho phép. Điều này hoàn toàn mâu thuẫn với quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia đã trích dẫn trên đây, vì biển hiệu 106b chỉ sử dụng giá trị khối lượng chuyển chở mà không sử dụng giá trị Tải trọng toàn bộ xe cho phép.
“Hội đồng xét xử sẽ rất đau đầu khi phải phán xét là tài xế Phan Đình Anh phải tuân theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia hay tuân theo quy định của UBND tỉnh Nghệ An. Đau đầu hơn, tài xế Phan Đình Anh đã tuân thủ biển hiệu theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia mà vẫn vi phạm quy định của tỉnh thì phải xử lý như thế nào. Một câu hỏi lớn, thực là khó có lời đáp” – luật sư Phong nói.
Trung Khánh