Theo luật sư, việc tài xế gây tai nạn ở Long An khiến 4 người tử vong có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm. Bên cạnh đó còn phải bồi thường thiệt hại cho gia đình nạn nhân.
Theo tin tức từ báo Giao Thông, chiều ngày 2/1, một chiếc xe container mang BKS 62C-043.48 chạy từ Long An đi TPHCM. Khi đến ngã tư Nhựt Chánh đã đâm nhiều phương tiện đang chờ đèn đỏ. Hậu quả, 3 người chết tại chỗ, 1 người chết tại bệnh viện, 17 người bị thương được đưa đi cấp cứu và làm hư hỏng 21 xe máy.
Đáng chú ý là hình ảnh từ camera ghi lại vụ tai nạn cho thấy, làn đường sát con lươn có 2 xe tải, làn phía trong sát bên phải là xe máy, nhưng xe tải đã đánh lái sang làn xe máy và tông vào loạt xe máy đang dừng đèn đỏ.
Trao đổi với PV báo Lao Động, luật sư La Văn Thái (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi của tài xế container đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng và nếu bị xử lý sẽ tương ứng với Khoản 3, Điều 260 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về tội "Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ". Theo đó, người tham gia giao thông nếu gây tai nạn làm chết từ 3 người trở lên có thể bị phạt tù từ 7 - 15 năm.
Tài xế gây tai nạn ở Long An. Ảnh báo Giao Thông |
Bên cạnh đó, tài xế container còn phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho gia đình các nạn nhân khi họ có đơn yêu cầu. Cụ thể các chi phí về hư hại tài sản, điều trị sức khỏe, phần chi phí liên quan đến việc mai táng người thiệt mạng và phần tổn thất tinh thần đã gây ra cho những người bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng.
Nếu nạn nhân tử vong có con nhỏ dưới 18 tuổi, người gây tai nạn còn phải trợ cấp cho con các nạn nhân đến khi đủ 18 tuổi.
Đáng chú ý, trong quá trình điều tra, nếu Cơ quan CSĐT chứng minh được người vi phạm cố ý thực hiện hành vi thì có thể bị xem xét theo tội danh “Giết người” quy định tại Điều 123 BLHS 2015 thì khung hình phạt cao nhất trong trường hợp này là tử hình.
Đồng quan điểm với luật sư Thái, trao đổi với PV Pháp luật TP HCM, LS Nguyễn Hoài Nghĩa (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh: "Tại Điều 13 BLHS 2015 quy định “Người phạm tội trong tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình do dùng rượu, bia hoặc chất kích thích mạnh khác, thì vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự”. Cũng theo BLHS 2015, việc sử dụng ma túy không xem là tình tiết tăng nặng nên khi người vi phạm ở yếu tố cấu thành tội nào thì chịu trách nhiệm hình sự về tội đó."
Hà Trang (tổng hợp)