Tin mới

Tâm sự người mẹ thoát khỏi “động quỷ”, đỏ mắt chờ tin 2 con

Chủ nhật, 03/05/2015, 13:55 (GMT+7)

Hy vọng vào một cuộc đổi đời, chị D. nhẹ dạ tin vào những lời đường mật của bọn buôn người để rồi hứng chịu cuộc sống ly tán, cùng cực nơi xứ người.

Hy vọng vào một cuộc đổi đời, chị D. nhẹ dạ tin vào những lời đường mật của bọn buôn người để rồi hứng chịu cuộc sống ly tán, cùng cực nơi xứ người.

Sự sống chỉ hồi sinh khi chị D. được lực lượng công an giải cứu, nhưng nó cũng là sự khởi đầu cho nỗi đau tột cùng khi hai đứa con gái của chị vẫn bặt vô âm tín. Giọt nước mắt tưởng như không thể cạn trong cuộc trải lòng của chị với PV báo ĐS&PL trong buổi chiều giữa tháng Tư này.

Cám cảnh ba mẹ con bị lừa bán sang Trung Quốc

Đã hơn một năm trôi qua, kể từ ngày chị Lý Thị D. (36 tuổi, ngụ thôn Cư Rang, xã Cư Pui, huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) bị bọn buôn người lừa gạt bán sang Trung Quốc, may mắn được lực lượng chức năng giải cứu trở về. Trong vòng tay chia vui của mọi người, chị D. nước mắt lưng tròng kể về cuộc sống cực khổ, tủi nhục bị đánh đập, đày đọa và lo lắng cho hai cô con gái là Thảo Thị Ph. (20 tuổi) và Thảo Thị Ch. (19 tuổi), hiện vẫn lưu lạc xứ người. 

Ngôi nhà, nơi chị D. sinh sống.

Theo lời kể của chị D., vợ chồng chị sinh được bốn người con (hai trai, hai gái). Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng vợ chồng chị yêu thương nhau, con cái hiếu thảo. Tưởng đâu những ngày tháng êm đềm cứ thế trôi đi, nào ngờ đầu năm 2012, một tai họa ập đến với gia đình khi chồng chị gặp nạn trong một lần đi rừng và qua đời.

Từ ngày chồng mất, gia đình xáo trộn, kinh tế kiệt quệ, cuộc sống vốn đã khó khăn nay càng khó khăn gấp bội. Con cái còn nhỏ, một mình chị phải cáng đáng hết mọi việc lớn nhỏ trong nhà. Để lo cho đàn con đang tuổi ăn tuổi học được bằng bạn bằng bè, chị vất vả làm thuê, làm mướn đủ kiểu, nhưng cái đói, cái nghèo vẫn đeo bám.

“Thời gian này, tôi thấy có một  người nào đó thường xuyên điện thoại rủ Thảo Thị Ph. (con gái chị - PV) sang Trung Quốc làm thuê với mức lương cao. Ph. là đứa con hiếu thảo, vì muốn đỡ đần cho mẹ nên cứ nằng nặc đòi đi làm kiếm tiền phụ mẹ lo cho các em.

Chị D. trò chuyện với PV.

Nghĩ con gái đã lớn, hơn nữa cuộc sống khó khăn, trong  khi Ph. quả quyết đi bằng được, tôi cũng không cấm cản. Thế nhưng, từ ngày Ph. khăn gói theo người ta ra đi đến nay đã hơn hai năm mà tin tức vẫn biền biệt. Suốt thời gian qua tôi mất ăn mất ngủ, lúc nào cũng lo lắng mong ngóng tin con”.

“Cho dù gia đình đã làm mọi cách nhưng không thể nào liên lạc được với Ph., không biết con bé còn sống hay đã chết. Nhiều lúc nghĩ đến con, tôi chỉ muốn chết đi cho xong. Nhưng nghĩ lại còn mấy đứa con nhỏ không ai lo, đành cắn răng sống cho qua ngày”, chị D. tâm sự  trong nước mắt.

Đang khắc khoải lo lắng cho con thì  đầu năm 2014, một người đàn ông lạ liên tục gọi vào điện thoại của chị D. rủ sang Trung Quốc làm thuê với mức tiền công 300 ngàn đồng/ngày. Lúc này, phần vì hoàn cảnh kinh tế gia đình đã kiệt quệ, phần ôm niềm hy vọng có thể gặp được đứa con gái nơi xứ người nên chị D. gật đầu đồng ý.

Thảo Thị Ch. (con gái thứ hai của chị D.).

Tối 5/2/2014, theo lịch hẹn, người đàn ông lạ đến nhà chở chị D. lên bến xe tỉnh Đắk Lắk, rồi bắt xe thẳng ra Hà Nội. Khi đến Hà Nội, người đàn ông này tiếp tục đón một chiếc xe buýt ngược lên tỉnh Lào Cai. Khi chị vừa xuống xe đã có một người đàn ông đứng chờ sẵn.

Sau đó, người này chở chị D. bằng xe máy đi suốt đêm đến một túp lều tối om sâu bên trong rừng.  Rạng sáng hôm sau, người này nói đi mua đồ ăn bảo chị D. cứ ngồi đợi. “Khi tôi ngỏ ý đi cùng, người này dọa “đây là địa phận Trung Quốc, nếu cô ra ngoài là bị bọn xấu giết ngay”, chị nhớ lại.

Nghe người đàn ông nói vậy, chị D. ngoan ngoãn nghe lời ở yên trong lều. Thế nhưng, chị chờ mãi đến chiều tối vẫn không thấy ông ta quay lại. Chị D. đói quá nằm thiếp đi một lúc. Tỉnh dậy thấy có đôi vợ chồng nói bằng tiếng Trung Quốc đứng trước mặt mình. Vì bất đồng ngôn ngữ, chị D. chỉ biết răm rắp làm theo những mệnh lệnh bằng ám hiệu của họ, nếu không sẽ bị đánh đập không thương tiếc.

“Tiếp đó, hai người này dẫn tôi đến giao cho một người đàn ông Trung Quốc khoảng 55 tuổi. Tôi thấy họ trò chuyện một lúc, rồi trao đổi với nhau thứ gì đó giống như tiền. Lúc này, tôi lo sợ vì đoán rằng mình đã bị bọn xấu lừa gạt bán sang Trung Quốc”, chị D. kể.

Đau đáu chờ tin con

Chị D. cho biết: “Quãng thời gian một tháng sau đó tôi phải chung sống và lệ thuộc vào người đàn ông xa lạ với nỗi tủi nhục đến cùng cực. Đất đai khô cằn, hằng ngày tôi phải làm việc quần quật từ sáng tới tối. Đã vậy, mỗi khi làm phật ý ông ta, tôi bị đánh không thương tiếc khiến toàn thân luôn bầm giập.

Nhiều lần tôi định bỏ trốn nhưng vì đường sá không biết, nơi ở thưa dân cư nên đành cắn răng nhẫn nhịn. Và rồi cuối cùng cơ hội cũng đã đến, trong một lần chở tôi đi chợ, nhân lúc ông ta đang nói chuyện với một người bạn, tôi chạy một mạch tới đồn công an gần đó xin giúp đỡ”.

Thảo Thị Ph. (con gái đầu của chị D.).

“Rất may, lúc này tôi có đem theo chứng minh nhân dân nên được các anh công an cho tạm lánh tại đồn. Trong hai ngày chờ liên lạc với Công an Việt Nam, tôi được tiếp đãi rất tử tế. Sáng 20/3/2014, lực lượng Công an Trung Quốc trao trả tôi cho Công an Việt Nam”, chị D. nhớ lại.

Thế nhưng, dù đã trở về, lòng chị vẫn không yên, khi hai cô con gái là Ph. và Ch. vẫn biệt tăm biệt tích nơi xứ người. “Nỗi đau đứa con gái đầu chưa nguôi ngoai, khi về nhà lại hay tin  đứa con gái thứ hai  tên Ch. cũng  bị dụ dỗ bán sang Trung Quốc chỉ sau tôi ít hôm.

Đã trải qua cuộc sống đó, nên tôi hiểu những gì con gái tôi phải chịu đựng. Giờ chỉ mong sao cơ quan công an sớm vào cuộc điều tra và may mắn một lần nữa đưa hai đứa con tôi trở về để gia đình được sum họp”, chị D. nức nở.

Trao đổi với PV báo ĐS&PL về tình trạng người dân bị lừa sang Trung Quốc tại địa phương, ông Y. Căl M. Lo, Trưởng Công an xã Cư Pui (huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) cho biết: “Hiện tại trong thôn có 187 hộ với 1.125 nhân khẩu, hầu hết bà con trong thôn là đồng bào dân tộc Mông. Cuộc sống bà con chủ yếu phụ thuộc vào cây lúa, thế nhưng đất đai trong vùng rất cằn cỗi, cuộc sống của bà con còn gặp nhiều khó khăn.

Trường hợp của gia đình chị D. không phải là một ngoại lệ. Bởi trong thôn hiện tại có tổng cộng 8 người phụ nữ bị lừa đi làm việc tại Trung Quốc, nhưng đến nay vẫn không có tin tức gì. Chỉ có trường hợp hi hữu là chị D. được giải thoát trở về nhà an toàn”.    

 

Tích cực tìm kiếm người  mất tích                                       

Ông Y. Căl M. Lo cho biết thêm, hầu hết bà con trong thôn là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí thấp, nhiều kẻ xấu đã lợi dụng điều này để thực hiện hành vi phi pháp. Chính vì vậy, hiện tại, lực lượng công an xã bố trí cán bộ túc trực thường xuyên, kiểm soát những đối tượng lạ mặt ra vào thôn, đồng thời thu thập thông tin nhằm tìm kiếm những người mất tích trong thời gian sớm nhất để bà con yên tâm lao động sản xuất, chăm lo xây dựng cuộc sống.

   

Theo Hồ Nam/Đời sống & Pháp luật

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: công an