Từ ngày 16/3, giá điện mới sẽ có hiệu lực. Theo đó, giá điện sẽ tăng 7,5% lên mức bình quân 1.622,05 đồng/kWh.
Trong phiên họp của thường trực Chính phủ chiều 5/3, Bộ Công Thương và EVN báo cáo các phương án điều chỉnh giá điện, Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo các Bộ, ngành đã thảo luận và nhất trí việc điều chỉnh tăng giá bán điện.
Theo đó, đồng ý điều chỉnh giá bán điện tăng 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh và thời điểm điều chỉnh giá bán điện từ ngày 16/3/2015.
Với mức tăng 7,5%, việc điều chỉnh giá điện lần này đảm bảo các yêu cầu EVN không bị lỗ (nếu không điều chỉnh, năm 2015, EVN sẽ lỗ khoảng 12.000 tỷ đồng); dành một phần để giảm khoản lỗ do chênh lệch tỷ giá các năm trước để lại (hiện còn khoảng 8.000 tỷ đồng); đảm bảo khả năng phấn đấu đạt mức tăng trưởng GDP 6,2%; và bảo đảm kiểm soát lạm phát khoảng 5%.
Trước đó, Bộ Công Thương đã trình Chính phủ 3 phương án lần lượt là 7,5%, 8,5% và cao nhất là 9,5%.
Từ ngày 16/3, giá điện sẽ tăng lên 7,5%, tương ứng giá bán điện bình quân 1.622,05 đồng/kWh.
Tại cuộc họp chiều 5/3, các thành viên Chính phủ cho rằng mức tăng 7,5% là phù hợp để không ảnh hưởng xấu đến tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Trả lời báo chí đầu tuần này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nói rằng giá điện đáng ra đã tăng trước Tết. "Các yếu tố tăng giá điện đã hội đủ thời điểm đó song lo ngại điều chỉnh giá có thể ảnh hưởng tâm lý người dân, doanh nghiệp trong Tết nên Thủ tướng yêu cầu chưa tăng", ông Hải nói.
Ông Hải cho biết một loạt yếu tố đầu vào cấu thành giá điện đều tăng. Giá than tăng 22% từ tháng 7/2014. Giá khí đã điều chỉnh 4 lần trong 16 tháng qua. Thuế tài nguyên nước tăng thêm 2%. Giá mua điện từ các nhà máy thủy điện nhỏ cũng tăng. Tỷ giá đã điều chỉnh thêm 1% sau lần tăng giá tháng 8/2013.
T.P (tổng hợp)