Theo chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh, ê kíp Táo quân cần có lời xin lỗi về những ngôn từ gây tổn thương đến cộng đồng LGBT.
Trong chương trình Táo quân, nhân vật Bắc Đẩu do nghệ sĩ Công Lý đảm nhận để lại nhiều ấn tượng bởi giọng điệu cùng ngoại hình nửa nam nửa nữ. Tuy nhiên, trong chương trình Táo quân 2018, vai diễn của Công Lý tiếp tục gây ấn tượng với vẻ ngoài nữ tính và bị các Táo đem ra “bàn tán” gây cười như: "trông như con cave già chuyển giới hỏng" hay "nam không ra nam nữ không ra nữ", "Con chi sống trên trời không phải nữ cũng chẳng phải nam", "bọn phụ nữ một nửa"...
Việc Táo Quân dùng giới tính của Bắc Đẩu để tạo tiếng cười đã gây nhiều tranh cãi vì cười cượt, mỉa mai người đồng tính. Mới đây, Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) cùng Trung tâm Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người LGBT (ICS) vừa có thư ngỏ gửi đến Đài truyền hình Việt Nam và Ban biên tập chương trình Gặp nhau cuối năm để phản đối chương trình này.
Nhân vật Bắc Đẩu (phải) luôn được đem ra gây cười bằng vấn đề miệt thị giới tính. Ảnh: VTV |
Trao đổi trên báo Infonet, ông Huỳnh Minh Thảo, Quản lý truyền thông ICS cho biết: “Tôi không thể nhớ hết tất cả những câu thoại của các tập Táo quân ở những năm trước, nhưng nhớ mỗi lần nhân vật này xuất hiện thì đều là đề tài bàn tán về cách ăn mặc, trang điểm, làm lố trên sân khấu. Tuy vậy, phải đến năm nay, giọt nước mới tràn ly, khi nhân vật Bắc Đẩu liên tục bị trêu chọc, bêu riếu tấn công về ngoại hình của mình".
Là những tổ chức đã có nhiều năm hoạt động vì quyền của cộng đồng LGBT, thay mặt tổ chức ông Thảo bày tỏ sự phản đối việc sử dụng những từ ngữ miệt thị công khai làm tổn thương những thành viên của cộng đồng LGBT chỉ vì đặc điểm cơ thể của họ, cũng như làm khắc sâu thêm những định kiến và phân biệt đối xử trong xã hội với nhóm cộng đồng này.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Trung tâm ICS nhấn mạnh, bản dạng giới mỗi người sinh ra là khác nhau và là vấn đề riêng tư cần được pháp luật bảo vệ; không một ai có quyền kỳ thị, bêu riếu, xúc phạm người khác chỉ vì sự khác biệt của mỗi cá nhân. Bản thân cộng đồng LGBT tại Việt Nam với những cá nhân đang nỗ lực đóng góp xây dựng đất nước, không có lý do gì nhân phẩm của họ lại bị hạ thấp và làm trò cười cho người khác.
“Điều này đi ngược lại những mục tiêu bình đẳng, đa dạng và tôn trọng quyền con người mà các tổ chức trong nước và quốc tế đang nỗ lực bảo vệ, cũng như các cam kết của Chính phủ Việt Nam. Chúng tôi đồng ý cuộc sống luôn cần sự hài hước và tiếng cười, chương trình giải trí trên truyền hình là cần thiết; nhưng chúng tôi không cho rằng miệt thị người khác, làm tổn thương cộng đồng yếu thế là sự hài hước và nhân văn.
Chúng tôi hoan nghênh sự đóng góp của quý Đài trong sự nghiệp phát triển xã hội chung. Trong hành trình đóng góp đó, chúng ta cần trân trọng các nhóm cộng đồng trong đó có người LGBT. Việc miệt thị bêu riếu cộng đồng LGBT là một hành động cần chấm dứt”- thư ngỏ nêu.
Cũng nêu quan điểm của mình về vấn đề trên, trao đổi với PV Dân Trí, chuyên gia giáo dục, TS Vũ Việt Anh cũng cho rằng hài kịch với vai trò là dùng tiếng cười là để uốn nắn cuộc sống.
Tuy nhiên việc lạm dụng quá mức sẽ gây ra phản cảm cho người xem. Ngay cả những người bình thường khi nghe những lời miệt thị về giới tính của Bắc Đẩu trong Táo Quân cũng đã cảm thấy khó nghe chứ chưa nói đến những người thuộc giới tính thứ ba.
TS Vũ Việt Anh chia sẻ: “Họ được thế giới chấp nhận, luật pháp Việt Nam thừa nhận, xét về mặt sinh học họ còn là đối tượng bị thiệt thòi, vì thế nếu không có những sự đồng cảm, chia sẻ cùng với họ thì ít nhất cũng coi họ là thành phần bình đẳng trong xã hội chứ không nên miệt thị thành phần yếu thế này. Tôi cho rằng không chỉ là Táo quân mà các chương trình hài kịch khác cũng giảm bớt việc sử dụng thủ pháp cười cơ học, rẻ tiền, bậy bạ, miệt thị.. làm tổn thương đến những nhóm người khác biệt trong xã hội”.
“Thiết nghĩ Đài Truyền hình Việt Nam, đại diện ê kíp thực hiện chương trình Táo Quân cần có lời xin lỗi về những ngôn từ làm tổn thương đến cộng đồng này, đó cũng là phép tắc tối thiểu trong giao tiếp mà những người làm văn hóa cần phải thực hiện”, TS Vũ Việt Anh nói thêm.
Cho đến thời điểm hiện tại, VTV chưa có phản hồi chính thức về việc này.
Hà Trang (tổng hợp)