Tin mới

Thẩm phán: Ông Thăng có cống hiến, nhưng "pháp luật cần được tôn trọng"

Thứ hai, 22/01/2018, 09:11 (GMT+7)

Sáng 22/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Sau 4 ngày nghị án, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bước sang phần tuyên án.

Sáng 22/1, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng công ty Cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC). Sau 4 ngày nghị án, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bước sang phần tuyên án.

Thẩm phán bắt đầu đọc bản án cho bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm - Ảnh 1.

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân

Theo tin tức trên TTXVN, Tuổi trẻ, sáng nay 22/1, Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tiếp tục xét xử và tuyên án đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh (nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam - PVC) và đồng phạm bị truy tố về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và "Tham ô tài sản" trong vụ án xảy ra tại PVC và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). 

Bị cáo Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm nghe tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Sau 4 ngày nghị án, từ 8h sáng ngày 22/1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm bước sang phần tuyên án.

Từ đầu giờ sáng an ninh xung quanh phiên tòa đã được tăng cường đảm bảo. Các chốt xung quanh tòa đều được tăng cường cảnh sát cơ động bảo vệ. Trước khi phóng viên, người nước ngoài vào phòng báo chí để theo dõi phiên xử cũng được kiểm tra an ninh đối với người, các thiết bị, vật dụng kèm theo.

Các bị cáo nghe tòa tuyên án. Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN

Bản án sơ thẩm do chủ tọa phiên tòa - thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân công bố. Trong đó, Hội đồng xét xử nhận định về nội dung vụ án, nhận định về hành vi phạm tội của các bị cáo và quyết định mức án đối với từng bị cáo. 

Lúc 8h10, thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân, chủ tọa tuyên bố bắt đầu phiên tòa. 

Thẩm phán Nguyễn Ngọc Huân bắt đầu đọc bản án. Tất cả người tham gia phiên tòa, đại diện VKS, luật sư, các bị cáo đứng dậy nghe bản án được thẩm phán Huân đọc. Bị cáo Đinh La Thăng mặc áo khoác tối màu còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh mặc áo khoác ngoài màu trắng ngồi hàng đầu.

Trong phần đọc bản án, HĐXX nhận định, đối với bị cáo Đinh La Thăng căn cứ vào lời khai của bị cáo, HĐXX thấy rằng, mặc dù biết rõ PVC đang gặp khó khăn rất lớn về tài chính và chưa có năng lực, kinh nghiệm làm tổng thầu thi công những dự án nhiệt điện lớn và theo Nghị quyết số 9396/NQ-DKVN của Hội đồng Thành viên PVN phê duyệt phương án thành lập liên danh tổng thầu EPC Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2, theo đó PVC là thành viên đứng đầu liên danh, nhà thầu nước ngoài tham gia được lựa chọn theo hình thức đấu thầu quốc tế, nhưng bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN) vẫn quyết định lựa chọn PVC làm tổng thầu EPC của Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 - một công trình trọng điểm quốc gia theo hình thức Chỉ định thầu.

Trong khi chưa có đầy đủ điều kiện, thủ tục khác có liên quan theo quy định nhưng do nôn nóng, sức ép trong công việc nên bị cáo Đinh La Thăng đã chỉ đạo ký kết hợp đồng EPC 33 trái quy định.

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Quốc Khánh khai tại thời điểm ký kết hợp đồng 33 chưa có căn cứ pháp lý, chưa đủ điều kiện nhưng bị cáo chỉ đạo nhanh chóng ký hợp đồng là do tại thời điểm này bị cáo Thăng, Thực chỉ đạo, yêu cầu rút ngắn tiến độ, ký hợp đồng EPC Thái Bình 2 trước ngày 28/2/2011. Điều này, phù hợp với người làm chứng là ông Quang, nguyên TGĐ PVPower.

Việc ký hợp đồng 33 là do sức ép của PVN. PVPower đã báo cáo bị cáo Thăng tại các công văn về việc có thể ký hợp đồng thì phải chậm nhất từ 5 – 6 tháng. Chỉ có thể ký kết hợp đồng vào tháng 6/2011 nhưng bị cáo Thăng vẫn yêu cầu ký hợp đồng trước 28/2/2011 để khởi công vào 1/3/2011 phù hợp với các chứng cứ khác có trong hồ sơ.

HĐXX khẳng định, có đủ cơ sở khẳng định, bị cáo Thăng biết phải đến tháng 6/2011 mới có đủ hồ sơ ký kết hợp đồng 33 nhưng vẫn chỉ đạo cấp dưới ký kết hợp đồng trái quy định.Bị cáo Thăng thừa nhận chỉ đạo tạm ứng 10% vốn cho PVC trong khi Hợp đồng 33 thiếu nhiều nội dung quan trọng, không có cơ sở tạm ứng…

HĐXX cũng nhắc lại lời khai của bị cáo Vũ Hồng Chương trong cuộc gặp tại phòng làm việc của bị cáo Thăng có sự chứng kiến của bị cáo Khánh về việc hợp đồng 33 không đủ điều kiện. 

Sau đó, bị cáo Thăng yêu cầu bị cáo Nguyễn Xuân Sơn lên báo cáo và yêu cầu trong tuần phải chuyển tiền cho PVC. Bị cáo Sơn cũng khai, trước đợt chuyển tiền đầu tiên, bị cáo Thăng có trách mắng bị cáo Khánh, Sơn về việc tiến độ dự án Thái Bình 2 chậm, phải tạm ứng vốn kịp thời cho Ban quản lý dự án để chuyển cho nhà thầu như hợp đồng ký kết.

Bị cáo Thăng thừa nhận vào 30/5 có bút phê vào công văn xin tạm ứng và 1/6 có chỉ đạo tạm ứng cho PVC theo hợp đồng. HĐXX cho rằng, các lời khai của các bị cáo xác định, bị cáo Đinh La Thăng biết rõ điều kiện năng lực của PVC đang rất khó khăn nhưng bị cáo vẫn yêu cầu, chỉ định thầu cho PVC đối với nhiệt điện Thái Bình 2. 

Như vậy, bị cáo là người đứng đầu PVN đã có hành chỉ định thầu cho PVC làm tổng thầu dự án NĐ Thái Bình 2 khi biết doanh nghiệp không đủ điều kiện, năng lực tài chính, kinh nghiệm.

Hành vi của bị cáo đã vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế…., gây hậu quả nặng nề. Hành vi của bị cáo thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của tội cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng không phải là tội danh khác như bị cáo và các luật sư của bị cáo nêu.

HĐXX xác định, việc lựa chọn nhà thầu và ký Hợp đồng EPC số 33 nêu trên là làm trái Điều 41 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng; Điều 16, Điều 17 Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ quy định về Quản lý dự án đầu tư xây dựng; Điều 9, Điều 10 Nghị định số 48/2010/NĐ-CP ngày 7/5/2010 của Chính phủ quy định về Hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

HĐXX ghi nhận các cống hiến của bị cáo Đinh La Thăng như tình tiết giảm nhẹ nhưng pháp luật cần được tôn trọng, công minh, bình đẳng, không loại trừ bất kỳ ai. Một bản án có tình, có lý, cả công và tội là sự cảnh báo cần thiết cho sự tùy tiện, lạm dụng quyền lực vi phạm pháp luật gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cho Nhà nước, nhân dân.

HĐXX cho rằng, đối với bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại phiên tòa thừa nhận biết năng lực PVC chưa đạt làm tổng thầu, hồ sơ chưa đầy đủ nhưng vẫn chỉ đạo PVC ký kết hợp đồng 33, thừa nhận đôn đốc ban giám đốc PVC sớm tạm ứng thực hiện hợp đồng, đưa ra chủ trương góp vốn…

HĐXX khẳng định, vai trò của Trịnh Xuân Thanh là quyết định trong việc chỉ đạo, ký kết hợp đồng 33. Ý kiến của luật sư cho rằng, bị cáo có vai trò mờ nhạt chỉ là thiếu trách nhiệm là không có cơ sở.

HĐXX nhận thấy, hậu quả của việc chỉ định thầu trái phép và tạm ứng tiền trái phép được tính toán tổng hợp trên nhiều khía cạnh.

Một là, hàng loạt cán bộ, chuyên gia trên các lĩnh vực dầu khí, xây dựng, tài chính của PVN được đào tạo bài bản, có quá trình cống hiến đã vi phạm pháp luật, lâm vào vòng lao lý. Đây là tổn thất đặc biệt lớn.

Hai là, do không có năng lực thi công nên Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 đã chậm 18 tháng so với tiến độ Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 428/QĐ-TTg. Việc chậm tiến độ đã làm đội vốn công trình, lãi phát sinh đối với các khoản vay trong và ngoài nước.

Ba là, nhiều máy móc, thiết bị đắp chiếu đã hết thời hạn bảo hành khi nhà máy chưa vận hành. Những tổn thất này chưa thể thống kê hết trong giai đoạn điều tra và sẽ tiếp tục bộc lộ sau khi xét xử.

Bốn là, sau khi ký Hợp đồng EPC số 33 và Hợp đồng EPC số 4194, dưới áp lực của bị cáo Đinh La Thăng, PVC đã được tạm ứng số tiền 6.607.500 USD và hơn 1.312 tỷ đồng, sau đó đã dùng số tiền trên 1.115 tỷ đồng không đúng mục đích. Khoản tiền này, sau một thời gian mới được trả lại cho Ban Quản lý Dự án.

Hơn 1.000 tỷ đồng của Nhà nước không thể tùy tiện mang cho PVC chi dùng trái phép. Nếu tất cả các bộ, ngành đều tùy tiện sử dụng tiền và tạm ứng sẽ gây hỗn loạn cho nền kinh tế. Khoản tiền hơn 1.000 tỷ đồng phải tính thiệt hại ngay từ khi tạm ứng trái phép, còn việc trả lại chỉ là căn cứ giảm nhẹ chứ không phải là không có hậu quả.

Trong khi đó, PVN là chủ đầu tư, PVC là nhà thầu nhiều dự án đang hàng ngày phải trả lãi ngân hàng với lãi suất cao. Bị cáo Đinh La Thăng và Hội đồng Thành viên PVN biết rất rõ điều này. Vì vậy, cách tính thiệt hại theo lãi vay là có lợi cho bị cáo. Trên cơ sở đó, Hội đồng xét xử chấp nhận kết quả giám định thiệt hại là 119,8 tỷ đồng như đã nêu trong Kết luận giám định.

Từ thực tế này, Hội đồng xét xử sẽ tiếp tục kiến nghị Cơ quan điều tra làm rõ thiệt hại xảy ra do việc việc chậm tiến độ trong Dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2.

Đức Hòa(tổng hợp)

 

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news