Tin mới

Thanh tra có phần trách nhiệm sau những đại án tham nhũng?

Thứ bảy, 18/01/2014, 23:28 (GMT+7)

Thời gian gần đây, người dân trên cả nước đều hướng sự quan tâm đặc biệt về một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Với nhiều án tử hình, nhiều người hy vọng đây sẽ là “liều thuốc” mạnh “đặc trị” căn bệnh nan y tham nhũng.

 

 

Thời gian gần đây, người dân trên cả nước đều hướng sự quan tâm đặc biệt về một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được đưa ra xét xử. Với nhiều án tử hình, nhiều người hy vọng đây sẽ là “liều thuốc” mạnh “đặc trị” căn bệnh nan y tham nhũng.

Tuy nhiên, khi nhìn lại mới thấy, việc tuyên án tử đối với những “con sâu” đục khoét tiền của Nhà nước mới chỉ là biện pháp xử lý “phần ngọn”. Không ít người cho rằng, việc để xảy ra những “đại án” tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng, phải chăng lỗi phát hiện phần nào thuộc về công tác thanh tra. Thực tế cho thấy, đã có nhiều vụ việc thanh tra kết luận tốt, không có “vấn đề” gì nhưng sau đó đổ bể ra vụ án tham nhũng lớn.Vậy công tác phát hiện tham nhũng qua khâu thanh tra, kiểm toán của chúng ta còn yếu hay vì còn nhiều lý do khác.

Thanh tra có phần trách nhiệm sau những đại án tham nhũng?
Cần phải truy trách nhiệm để “con voi” tham nhũng lọt qua lỗ kim (Ảnh minh họa).

Liệu Thanh tra có phần trách nhiệm sau những vụ án tham nhũng?

Nhiều người nhận xét rằng, thanh tra là lực lượng có vai trò quan trọng trong việc phát hiện tham nhũng. Tuy nhiên, nhiều năm qua, công tác này đang bộc lộ những điểm yếu kém. Các vụ “đại án” tham nhũng được đưa ra xét xử năm 2013 là một trong những minh chứng rõ nét nhất. Khi hai “đại án” Vinalines và Vinashin được phơi bày, người dân trên cả nước tỏ ra vô cùng ngạc nhiên. Bởi trước đó, cả kiểm toán và thanh tra đều vào cuộc, nhưng không phát hiện ra vấn đề, sai phạm gì. Nói về điều này, ông Nguyễn Đình Quyền, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đặt nghi vấn: “Cứ để các sự việc tham nhũng xảy ra như vậy mà thanh tra trước đó vẫn vô can thì chúng tôi cảm thấy rất băn khoăn”. Ông Quyền đặt câu hỏi về trách nhiệm của thanh tra ở đâu và có nên xem xét lại đội ngũ này?

Rõ ràng, sau một số vụ tham nhũng bị thanh tra bỏ lọt, nhiều người tỏ ra thất vọng với đội ngũ chuyên trách này. Hàng “núi tiền” của Nhà nước đổ xuống sông xuống bể, chảy vào túi cá nhân, nhiều con tàu thành đống sắt vụn trên biển... nhưng các cuộc thanh tra đều báo cáo “không phát hiện thấy vấn đề gì”. Đây là điều mà bất cứ ai nhìn vào cũng cảm thấy bất bình thường. Vấn đề thanh tra không phát hiện ra sai phạm ở những nơi có tham nhũng đồng nghĩa với việc tạo điều kiện cho những kẻ đục khoét tiền bạc của Nhà nước và người dân. Nếu phát hiện ra sớm và đề xuất các biện pháp ngăn chặn, thậm chí chuyển sang cơ quan điều tra thì hậu quả đã không nghiêm trọng như hiện nay.

Báo cáo trước Quốc hội về công tác phòng chống tham nhũng năm 2013, Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết: “Trong thời gian qua, một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, mức hình phạt tương xứng thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị kỷ luật hành chính, 4 trường hợp đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm trước). Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm công tác phòng chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn cao, kiến thức xã hội rộng, có nhiều mối quan hệ, có nhiều thủ đoạn để che đậy hành vi phạm tội”.

 

Tuy nhiên, theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Tư pháp (Quốc hội), năm 2013, hiệu quả hoạt động của các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu. Số vụ việc tham nhũng được phát hiện và xử lý qua hoạt động của cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra còn thấp. Việc điều tra, truy tố, xét xử đối với nhiều vụ án tham nhũng còn kéo dài, trả hồ sơ điều tra bổ sung nhiều lần, một số vụ việc đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can, miễn trách nhiệm hình sự có dấu hiệu áp dụng chưa đúng với quy định của pháp luật. Việc thay đổi sang tội danh khác nhẹ hơn hoặc không phải là tội danh về tham nhũng còn chiếm tỉ lệ cao. Điều này phản ánh chất lượng hoạt động chưa cao của các đơn vị chuyên trách chống tham nhũng.

 

Cố tình làm sai, cần khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự

Trao đổi với PV báo Đời sống và Pháp luật về một  số vụ án tham nhũng nghiêm trọng bị bỏ lọt, nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ, thời gian qua, việc phát hiện hành vi tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị còn hạn chế. Ngay cả các đơn vị chuyên trách về chống tham nhũng như thanh tra, kiểm toán Nhà nước cũng ít phát hiện ra tệ nạn này. Thậm chí, những “đại án” tham nhũng cả “núi tiền” của cũng dễ dàng “qua mặt” các cơ quan liên quan. Thực tế cho thấy, từ trước đến nay, chúng ta phát hiện ra tham nhũng chủ yếu nhờ vào người dân, nhờ báo chí hoặc các vụ việc làm ăn đổ vỡ, mâu thuẫn trong việc ăn chia của những “con sâu” đục khoét tiền của Nhà nước. 

Nguyên ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết cũng khẳng định: “Nói đi cũng phải nói lại, có rất nhiều nguyên nhân khiến tham nhũng khó phát hiện. Đầu tiên chính là việc người tham nhũng dù là ở cơ sở, hay cấp trên thì cũng đều là những người có chức có quyền. Người có chức có quyền mà tham nhũng thì không bao giờ có chuyện họ tự xử lý mình hoặc để cho người khác tố cáo mình. Thứ hai, tham nhũng thường có ăn chia, dây rợ nên tổ chức rất chặt chẽ, tinh vi. Lý do thứ ba, người dân rất khó phát hiện ra tham nhũng vì những thông tin về tài chính, cơ sở vật chất ở cơ quan Nhà nước thì ngay cán bộ bình thường ở chính cơ quan đó cũng không biết chứ đừng nói đến người ngoài. Người dân chỉ phát hiện tham nhũng qua những trường hợp quá lộ liễu. Cũng phải nói thêm, hiệu quả phát hiện tham nhũng qua thanh tra thời gian vừa rồi rất ít, không đáp ứng so với yêu cầu. Do đó, muốn chống tham nhũng thì phải có cơ chế tương đối độc lập. Độc lập ở chỗ, người đi phát hiện tham nhũng phải tương đối độc lập so với khu vực có thể xảy ra tham nhũng”.

Cùng quan điểm, ông Hà Tuấn Trung, nguyên Ủy viên Ủy ban kiểm tra T.Ư cho rằng, hiện nay, bộ máy tư pháp của chúng ta ở một số khía cạnh nhất định chưa đủ độc lập. Ngành tư pháp không độc lập thì rất khó giải quyết. Hoạt động cơ quan tố tụng vốn dĩ phải độc lập mới đảm bảo khách quan và công minh trong xử lý vụ án. Đã phạm pháp là phải đưa ra toà án và toà án thì phải độc lập chứ không chịu sự chỉ đạo của ai cả. Quá trình xét xử phải độc lập và hoàn toàn tuân theo pháp luật.

Nói về việc một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng bị bỏ lọt và trách nhiệm của cơ quan thanh tra, ông Trung thẳng thắn: “Ngành thanh tra cần phải phải kiểm điểm nghiêm khắc và rút ra vấn đề về những vụ việc nêu trên. Thậm chí, phải xử lý nặng như cách chức những người đã không làm hết trách nhiệm đó. Bởi lẽ, thanh tra sai phạm là trách nhiệm của cơ quan này. Việc thanh tra nhiều lần mà không phát hiện ra sai phạm, sau đó tham nhũng xảy ra mà thanh tra viên vẫn vô can là không được. Thanh tra viên không phát hiện ra thì phải xem đó là do trình độ hay là do bao che vì được nhận phong bì. Thậm chí, nếu biết có tình trạng cố tình làm sai để tham nhũng xảy ra cần phải khởi tố, truy cứu trách nhiệm hình sự những người liên quan.

Có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm tham nhũng

Theo báo cáo của Ủy ban Tư pháp, việc xử lý một số vụ việc tham nhũng có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm hoặc chỉ bị xử lý kỷ luật, hành chính. Việc đình chỉ điều tra, nhất là đối với một số vụ án đặc biệt nghiêm trọng vẫn diễn ra (đã đình chỉ 19 vụ với 30 bị can, chiếm 8,15% số vụ việc và 5,28% số bị can so với số vụ án/bị can đã khởi tố)... Bên cạnh đó tình trạng áp dụng hình phạt không đúng quy định của pháp luật như hình phạt nhẹ, phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, cho hưởng án treo hoặc phạt cải tạo không giam giữ (bị cáo cho hưởng án treo và phạt cải tạo không giam giữ chiếm 31,2% tổng số bị cáo phạm các tội về tham nhũng đã xét xử; một số bị cáo phạm tội nghiêm trọng, rất nghiêm trọng vẫn được hưởng án treo. Việc xử lý tham nhũng không đủ tính răn đe chính là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến “căn bệnh” này trở nên khó chữa.

Văn Chương - Phạm Hạnh - ĐSPL

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news
Từ khóa: án tử hình