Ông Nguyễn Huy Bằng – Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT cho rằng, dự thảo xử phạt hành chính của Bộ Giáo dục cần được hiểu theo hướng “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Ông Bằng cho biết, quan điểm Bộ GD&ĐT là nghị định trước hết để các chủ thể liên quan thấy việc không được làm. Nếu xảy ra vi phạm sẽ xử phạt theo các mức. Mục đích của việc này là để tránh chứ không chỉ nhằm phạt nhiều, theo Tri thức trực tuyến.
PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT – cho rằng quy định phạt giáo viên xúc phạm học sinh mức cao nhất 30 triệu đồng là không cần thiết. (Ảnh: Zing) |
Dự thảo đề cập quy định xử lý giáo viên nếu xúc phạm danh dự, nhân phẩm học sinh để hạn chế tình trạng bạo hành trong nhà trường. Đồng thời cũng có quy chế để bảo vệ nhà giáo trong trường hợp họ bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm và xâm phạm thân thể.
Tuy nhiên, theo ông Bằng, đây không phải là “cây gậy vạn năng” giải quyết mọi vấn đề, mà cần phối hợp sử dụng nhiều công cụ quản lý khác. Vì vậy, cần hiểu nó theo tinh thần “xử đúng thì tốt, nhưng không phải xử thì tốt hơn”.
Trước đó, khi có thông tin về nội dung dự thảo, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra.
Ông Đào Trọng Thi – nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, những hành vi vi phạm trong môi trường giáo dục khi đã được xác định là vi phạm pháp luật dù chưa tới mức hình sự cũng cần phải có chế tài xử lý.
Báo Lao Động dẫn lời ông Thi: “Tôi cho rằng việc có chế tài xử lý hành chính là bình thường. Trước kia chúng ta có kỷ luật nhưng chỉ là kỷ luật mang tính chất công vụ. Còn vi phạm hành chính là vi phạm pháp luật. Thậm chí, những giáo viên bạo hành học sinh, phụ huynh đánh giáo viên thời gian qua còn bị xử lý hình sự chứ không chỉ là hành chính”.
Ông PGS Trần Xuân Nhĩ – nguyên Thứ trưởng GD&ĐT cho biết, việc xử phạt mức cao nhất 30 triệu đồng không cần thiết và không khả thi, dù xuất phát từ ý tưởng tốt là có chế tài ngăn chặn bạo lực học đường.
Bạo lực học đường |
Ngoài ra, lương giáo viên là yếu tố quan trọng khiến giáo viên yên tâm làm việc và cống hiến với nghề. “Lương giáo viên chỉ 2-3 triệu đồng, thậm chí lương cao là 6 triệu đồng. Nhiều người không đủ sống lấy tiền đâu để nộp phạt?”, PGS Nhĩ nêu quan điểm.
Ông Lê Đức Dũng – nguyên Hiệu trưởng trường Tiểu học Xuân Trường (Đồng Nai) chia sẻ trên Báo Công Lý: “Ưu điểm của nghị định này là có thêm một biện pháp nữa để nhắc nhở những người làm công việc liên quan đến công tác giáo dục, nhưng tôi nghĩ, nếu làm như vậy, chỉ xử lý được phần ngọn còn phần gốc sẽ như thế nào?”.
Nghị định này mang nặng tính hành chính, tạo ra những áp lực không cần thiết. Như vậy, theo ông Dũng, không khác nào thầy cô chỉ là người truyền đạt kiến thức. Sau khi truyền đạt xong, thầy cô hết trách nhiệm, đồng thời thầy cô sẽ không có chia sẻ, giao lưu với học sinh.
Có quan điểm tương tự, ông Trần Mạnh Tùng – giáo viên Toán trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, do tính chất đặc thù, quan hệ thầy – trò, đồng nghiệp… được điều chỉnh bởi quan hệ đạo đức, văn hóa, chứ không được “luật hóa” theo quy định, chế tài.
Vì vậy hành vi “xúc phạm danh dự, nhân phẩm…” giữa thầy trò, đồng nghiệp nên xử lý theo quy chế, kỷ luật của ngành hơn là xử lý bằng chế tài hành chính.
Nếu thầy trò là quan hệ dân sự đơn thuần, việc làm này vừa không có tác dụng, vừa làm méo mó hình ảnh người thầy, không đạt mục đích và hiệu quả giáo dục.
Trang Vũ (Tổng hợp)