Tin mới

Thay cần gạt nước – Đơn giản nhưng quan trọng

Thứ bảy, 25/07/2015, 19:31 (GMT+7)

Là bộ phận nhỏ nhưng cần gạt nước trên xe ôtô lại có vai trò rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới tầm nhìn của người lái khi trời mưa, ẩm.

Là bộ phận nhỏ nhưng cần gạt nước trên xe ôtô lại có vai trò rất quan trọng. Nó ảnh hưởng trực tiếp tới tầm nhìn của người lái khi trời mưa, ẩm. Theo đó, ảnh hưởng tới sự an toàn khi vận hành. Vì vậy, hãy chú ý thay cần gạt nước ngay khi có dấu hiệu hỏng hóc.

Khi nào cần thay gạt nước?

Theo ghi nhận, khoảng 20% số tai nạn xảy ra do lái xe không quan sát rõ các tình huống trên đường vì kính chắn gió bị bẩn hay bị mờ hơi nước. Tại thời điểm công bố kết quả nghiên cứu, 50% số cần gạt có tuổi thọ quá quy định. Việc thay cần gạt nước là việc làm tuy đơn giản nhưng lại hết sức quan trọng.

Thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như ở Việt Nam ta thì hiện tượng lão hóa lưỡi cao su của cần gạt nước sẽ diễn ra nhanh hơn

Cần gạt nước bị hỏng hoặc không còn khả năng vận hành đúng tiêu chuẩn có thể gây ra đọng nước, xước kính lái, do đó, nhà sản xuất khuyến cáo chúng ta nên thay cần gạt sau 12 đến 18 tháng sử dụng. Tuy nhiên với thời tiết nóng ẩm mưa nhiều như ở Việt Nam ta thì hiện tượng lão hóa lưỡi cao su của cần gạt nước sẽ diễn ra nhanh hơn, nên việc chú ý thay lưỡi cao su cũng cần phải được tiến hành sớm hơn.

Nguyên nhân “làm hại” gạt nước

Sử dụng xe ở các vùng có độ bụi cao, bùn bẩn do các phương tiện giao thông ở đằng trước bắn ra, khí thải ống xả của xe ôtô, xe máy làm cho kính chắn gió bị bám bụi và dầu mỡ gây lão hóa lưỡi gạt.

 

Bên cạnh đó, nhiệt độ và thời gian làm cho lưỡi cao su bị biến dạng và mất khả năng đàn hồi gây ra các vạch nước và các vùng kính không gạt được. Nước rửa kính không đúng tiêu chuẩn cũng là nguyên nhân làm giảm tuổi thọ của cần gạt nước. Chúng vẫn có thể làm sạch kính chắn gió ngay lập tức, nhưng về lâu dài sẽ làm lưỡi cao su gạt nước bị cứng lại.

Dấu hiệu hỏng hóc

Bạn có thể phát hiện ra hỏng hóc của cần gạt nước từ những dấu hiện khi nó hoạt động. Đầu tiên là hiện tượng cần gạt có sinh ra tiếng kêu hay không. Thông thường, tiếng kêu xuất phát từ ma sát giữa lưỡi cao su và kính. Nếu không được khắc phục, nó sẽ tạo nên những vết xước làm đọng nước trên bề mặt.

 

Tiếp theo, trường hợp cần bị rung chứng tỏ lớp cao su bị hỏng hay quá trình lắp cần vào trục không đúng cách. Nếu quỹ đạo của cần gạt tạo nên những dải dẹt, mỏng là triệu chứng lưỡi cao su bị nứt hoặc hóa cứng, còn nếu có hình ren cửa chứng tỏ lưỡi cao su quá cong.

Trên mặt kính chắn gió xuất hiện làn sương mỏng khi cần gạt đi qua có nguyên nhân do lưỡi cao su chứa dầu hoặc bụi bẩn trên đường. Bên cạnh đó, lưỡi cao su quá mòn thường bị nứt, gãy còn trong trường hợp bạc màu chứng tỏ đã hóa cứng.

Thay thế cần gạt nước

Bạn có thể chọn cách thay thế toàn bộ cần gạt hoặc chỉ thay lưỡi cao su. Tùy thuộc từng loại, các tài xế có thể tự thay lưỡi tuy nhiên, cần chú ý điều kiện kích thước của chúng cần phải đồng nhất.

 

Rất nhiều cần gạt được bán độc lập, nhưng lời khuyên của các chuyên gia là thay thế cả cần và lưỡi cao su. Đối với hầu hết các loại xe du lịch, độ dài cần gạt nằm trong khoảng 406- 533 mm. Không bao giờ được thay loại cần gạt có kích thước khác loại đang sử dụng. Nếu cần, bạn nên đưa loại đang sử dụng ra để so sánh kích thước với chiếc mới mua.

Lưu ý khi sử dụng

Hiểu được nguyên nhân dẫn đến chiếc cần gạt nước trên xe bị hỏng, bạn sẽ biết được cách sử dụng chúng sao cho bền. Trừ những trường hợp bất khả kháng, bạn cố gắng không để xe bị phơi nắng quá lâu. Ánh nắng làm cho lưỡi cao su nhanh bị hỏng hơn.

Thường xuyên lau sạch cát, bụi trên lưỡi cao su, kính bằng vải hoặc giấy mềm. Tuyệt đối không sử dụng các chất tẩy rửa như: xăng, dầu hỏa hoặc chất có gốc dầu để lau lưỡi gạt nước.

Bạn cũng cần kiểm tra các dấu hiệu mòn, gãy, vỡ, bẩn… của lưỡi cao su gạt nước từ 4-6 tháng/lần.

Các chuyên gia kĩ thuật cũng đưa ra lời khuyên, bạn nên sử dụng nước rửa kính của các nhà sản xuất uy tín, thường xuyên kiểm tra mức nước và bổ sung dung dịch rửa kính xe nếu thiếu.

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news