Theo luật sư, việc thay đổi vị trí ngồi của người bào chữa tại phiên tòa hình sự không quyết định tới kết quả tranh tụng nhưng phần nào cho thấy vai trò và địa vị tố tụng của những người tham gia phiên tòa.
Liên quan đến công văn hỏa tốc của chánh án TAND Tối về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định của BLTTHS 2015, trong đó có nội dung điều chỉnh vị trí ngồi của luật sư và kiểm sát viên (KSV) ngang bằng và đối diện nhau Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp –, coàn luật sư TP Hà Nội.
Theo luật sư Đặng Văn Cường: Có thể nói rằng công văn hỏa tốc ngày 01/4 vừa qua của Chánh án TAND tối cao về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định của BLTTHS 2015 là một nhiệm vụ của ngành tòa án để triển khai thực hiện Nghị quyết số 49/NQ-TW năm 2005, Hiến pháp năm 2013 và Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015.
Nghị quyết số 49/NQ-TW đã nêu rõ "Đổi mới việc tổ chức phiên tòa xét xử, xác định rõ hơn vị trí, quyền hạn, trách nhiệm của người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng theo hướng bảo đảm tính công khai, dân chủ, nghiêm minh; nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa xét xử, coi đây là khâu đột phá của hoạt động tư pháp".
Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự thông thường. Ảnh T. Hoan |
"Đào tạo, phát triển đội ngũ luật sư đủ về số lượng, có phẩm chất chính trị, đạo đức, có trình độ chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế bảo đảm để luật sư thực hiện tốt việc tranh tụng tại phiên tòa"
Điều 103 Hiến pháp năm 2013 cũng quy định rõ là "Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm", theo đó Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ảnh 2: Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Ảnh T. Hoan |
Tòa án lần đầu tiên được xác định là cơ quan thực hiện quyền tư pháp. Trong công cuộc cải cách tư pháp thì lấy tòa án làm trọng tâm. Tính độc lập của tòa án phải được đảm bảo, đảm bảo công bằng, bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội trong tố tụng hình sự.
Kết thừa tinh thần và các quy định của Nghị quyết số 49/NQ-TW và Hiến pháp năm 2013, Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 đã có những quy định để đảm bảo nguyên tắc tranh tụng bình đẳng, nâng cao vị thế của người bào chữa tại phiên tòa hình sự, đảm bảo quyền được bào chữa của bị can, bị cáo.
“Có thể thấy rằng việc thay đổi vị trí ngồi của người bào chữa tại phiên tòa hình sự không quyết định tới kết quả tranh tụng nhưng phần nào cho thấy vai trò và địa vị tố tụng của những người tham gia phiên tòa”. Luật sư Cường nhận định.
Việc thay đổi vị trí chỗ ngồi trong phiên tòa cũng là một đổi mới trong tố tụng cần được ghi nhận và triển khai đồng bộ, góp phần nào tạo ra cơ chế bình đẳng về địa vi pháp lý với những người tham gia tố tụng đảm bảo quyền bào chữa và các quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân đã được Hiến pháp ghi nhận.
Tuy nhiên, việc thay đổi vị trí chỗ ngồi trong phiên tòa hình sự chỉ là thay đổi về mặt hình thức, mà theo Triết học Mac - Lenin thì "nội dung quyết định hình thức", chứ hình thức không quyết định nội dung.
Vì vậy, địa vi pháp lý của người bào chữa có được nâng cao hay không, hoạt động xét xử có được công khai, bình đẳng hay không, có giảm bớt được oan sai hay không... còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, cơ chế khác.
Do đó, ngoài việc thay đổi về hình thức, mô hình xét xử, cần triển khai thực hiện các quy định khác của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015 như các quyền của bị can, bị cáo, quyền của người bào chữa... trong việc thu thập, cung cấp chứng cứ, quyền tranh tụng bình đẳng, nguyên tắc suy đoán vô tội...
Có triển khai đầy đủ, đồng bộ tăng cường cơ chế phối hợp giữa các cơ quan hữu quan thì mới thay đổi được mô hình tố tụng và hiệu quả trong tố tụng.
Còn nếu chỉ thực hiện triển khai những quy định về hình thức mà không làm tốt các quy định về mặt nội dung, không đảm bảo được quyền bào chữa, quyền con người, không bình đẳng trong địa vị tham gia tố tụng của các chủ thể... thì việc thay đổi vị trí ngồi trong phiên tòa cũng chẳng có ý nghĩa gì.
Trước đó, ngày 1-4, chánh án TAND Tối cao có công văn hỏa tốc về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định của BLTTHS 2015. Trong công văn, chánh án TAND Tối cao yêu cầu chánh án TAND và chánh án Tòa án Quân sự khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm hoạt động xét xử của tòa án.
Theo đó, mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự thông thường (ảnh 1)như sau: HĐXX ngồi trên bục cao nhất; thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX; đại diện VKS và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, các đương sự ngồi đối diện nhau và ở phía dưới HĐXX; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.
Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi(ảnh 2) như sau: Tất cả người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng. HĐXX ngồi ở giữa; đại diện VKS ngồi ở bên phải HĐXX; người giám hộ, người dưới 18 tuổi, luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi ngồi đối diện với HĐXX.
Thu Trang