Tin mới

Thấy gì sau âm mưu khiến dân đổ xô săn rùa vàng 300 triệu/kg?

Thứ bảy, 10/01/2015, 19:33 (GMT+7)

Từ một con vật có giá trị thấp, rùa vàng trở thành mặt hàng "hot", được các lão nông đặc biệt quan tâm tại các vùng quê ở Phú Yên. Đỉnh điểm, 1kg được thương lái Trung Quốc thu mua với giá 300 triệu đồng. Vì thu nhập cao, nhiều người bất chấp luật pháp, quyết tận diệt loài động vật này dù không biết thương lái Trung Quốc thu mua rùa vàng để làm gì?

Từ một con vật có giá trị thấp, rùa vàng trở thành mặt hàng "hot", được các lão nông đặc biệt quan tâm tại các vùng quê ở Phú Yên. Đỉnh điểm, 1kg được thương lái Trung Quốc thu mua với giá 300 triệu đồng. Vì thu nhập cao, nhiều người bất chấp luật pháp, quyết tận diệt loài động vật này dù không biết thương lái Trung Quốc thu mua rùa vàng để làm gì?

 

Nghịch lý mong gặp... "xui" để đổi đời

Chuyện bắt rùa ở Phú Yên trở nên rầm rộ cách đây vài tháng và từ ngày 5/1 đến ngày 8/1 càng nóng lên. Mọi người xôn xao bàn tán chuyện săn bắt, mua bán rùa vàng (hay còn gọi rùa đồng, rùa Trung Bộ-PV). Loài rùa có kích thước trung bình và nhỏ, mai dẹp này trước đây xuất hiện tương đối nhiều trên các đồng ruộng, ao hồ ở địa phương này. Xưa kia dân gian có câu: "Ra đường gặp rắn thì đi, gặp quy (rùa) thì về", ai cũng cho rằng rùa mang lại điềm xui nên tránh. 
Thế nhưng, do giá rùa tăng cao ngất ngưởng nên từ đầu năm đến nay, trong mọi câu chuyện của người dân tại các huyện Tây Hòa, Sơn Hòa, Tuy An, Sông Hinh... không thể thiếu đề tài rùa và ai cũng mong gặp... xui để đổi đời!

Rất nhiều nông dân bỏ đồng ruộng, rủ nhau đi săn rùa vàng, mong một lần gặp xui. Theo ông Sáu V. (một thợ săn rùa ở xã Hòa Thịnh, huyện Tây Hòa) thì: "Chuyện trúng rùa bắt đầu bàn tán rôm rả từ trước Tết Nguyên đán. Giá loại rùa này ban đầu chỉ vài triệu đồng/kg, nhưng sau đó tăng lên 25 triệu đồng, rồi lên 27 triệu đồng/kg. Mới đây, do nguồn hàng khan hiếm trong khi các đầu nậu săn lùng tìm mua rùa, mà người đi săn thì không có rùa để bán nên giá rùa mỗi ngày một khác, kịch sàn lên đến gần 300 triệu đồng/kg". Thế nhưng khi chúng tôi đặt câu hỏi đã có ai bán được giá 300 triệu chưa thì ông V. lắc đầu: "Tôi nghe mọi người nói lại chứ chưa tận mắt chứng kiến".

Cũng theo ông Sáu V.: "Từ hồi nhỏ đến giờ tôi chưa thấy một loại mặt hàng nào tăng giá nhanh hơn giá rùa vàng bây giờ, khi chỉ trong vòng mấy tháng đã tăng gấp hàng chục lần". Từ khi rùa vàng tăng giá, ở Hòa Thịnh có rất nhiều người trúng rùa như nhóm Hai T., Tư Tr... trong đó nhóm của Hai T. từng trúng cả trăm triệu đồng từ việc đi săn rùa. Trừ chi phí, chia nhau mỗi người được mấy chục triệu đồng. Còn theo bà Kh., một đầu mối buôn rùa ở thị trấn Hai Riêng, huyện Sông Hinh cho biết: "Cách đây mấy năm, rùa vàng cũng có giá tương tự như nhiều loại rùa khác ở mức trên dưới 100.000 đồng/kg. Thế nhưng, cách đây mấy năm có thương lái từ ngoài Hà Nội lặn lội vào tận đây đặt hàng. Ban đầu, họ đặt với giá 5 triệu đồng/kg, rồi 25 triệu đồng/kg. Mấy tháng gần đây, giá thu mua rùa vàng liên tục tăng theo từng ngày".

Để tìm hiểu thực hư, PV báo Đời sống và Pháp luật theo chân ông Lê Thanh Q., thợ săn rùa ở huyện miền núi Sông Hinh. Vốn đi làm thuê ở huyện Sông Hinh, thấy họ "ăn khoai", ông cũng "vác mai đi đào", chuyển hẳn sang nghề săn rùa. Phải mất hai giờ đồng hồ đi bằng xe máy từ huyện Tây Hòa, ông Q., mới đến các điểm thả lờ nằm sâu trong các hồ nhỏ ở xã Sông Hinh (huyện Sông Hinh). Sau hơn hai giờ theo chân ông Q. đi thăm các điểm thả lờ này, từ xã Sông Hinh đến xã Ea Bar, Ea Trol, với các công đoạn thăm lờ- thay mồi - thả lờ và chờ đợi, ông Q. ngán ngẩm nói: "Đã gần hai tháng nay, tôi bỏ mọi công việc đồng áng ở nhà cho vợ lo rồi "đầu tư" gần chục triệu đồng mua lờ, mồi để đi săn rùa nhưng chưa một lần trúng được con rùa nào. Nghe người khác trúng rùa mà phát ham, trong khi tôi lại phát... nợ đến nơi rồi", ông Q. phân trần.

Có hay không trò bẩn của thương lái?

Chuyện trúng rùa là có thật. Nhiều người đã "đổi đời" nhờ rùa. Tuy nhiên, do có quá nhiều người đi săn nên đàn rùa đã "kiệt". Hiện nay số lượng rùa trong tự nhiên ở Phú Yên còn rất ít. Trong khi đó, số thợ săn tăng vọt nên nhiều người chuyển hướng đến các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông... để hy vọng đổi đời. Vì vậy, nhiều ngày qua đi trên đường ĐT645 đoạn qua huyện Sông Hinh, không quá khó để gặp những nhóm thợ săn rùa khăn gói "đồ nghề" ngược lên Tây Nguyên. Bà Đ., một chủ thu mua rùa vàng ở thị trấn Sơn Hòa, huyện Sơn Hòa cho biết: "Lúc vào cao điểm sốt săn rùa vàng, có ngày tôi thu mua được cả chục ký. Nhưng bây giờ có khi cả tuần mới có người mang rùa đến".

Một nhóm thợ săn rùa vàng chờ đón xe đi Tây Nguyên.

Khi PV đặt câu hỏi, việc thu mua rùa vàng với giá hàng trăm triệu đồng/kg của các thương lái có mục đích gì? các đầu nậu thu mua rùa vàng ở Phú Yên đều lắc đầu không biết. Họ chỉ nghe những thương lái này bảo: "Rùa được thu gom sẽ được đưa ra tập kết tại các tỉnh phía Bắc. Sau đó các thương lái sẽ đưa sang Trung Quốc tiêu thụ với giá cao hơn rất nhiều". Dù không biết rùa vàng được đưa sang Trung Quốc với mục đích gì nhưng thấy có lợi nên bà Kh., vẫn nhận lời thu gom rùa vàng cho các thương lái trên để kiếm lời.

Còn theo bà Thúy Ng., một thương lái ở Đồng Xuân, sau nhiều lần trò chuyện với đại lý "mẹ" của mình ở một quận ngoại ô phía bắc Hà Nội, đầu mối hàng hóa xuất đi Trung Quốc ở các tỉnh phía Bắc thì: "Ở bên Trung Quốc, rùa vàng được coi là một trong những thực phẩm và vị thuốc quý từ xa xưa. Tất cả các bộ phận của rùa đều được dùng làm thuốc". Bà Thúy Ng., lý giải thêm: "Giá rùa vàng đắt ngoài việc nguồn hàng trong tự nhiên gần như cạn kiệt khi bị người dân khai thác tận diệt thì còn phải kể đến việc tác dụng của loài động vật này được thổi phồng, khiến chúng không chỉ được người Trung Quốc ưa chuộng, mà còn được rất nhiều đại gia săn lùng, khiến giá cả bị đội lên nhiều lần so với giá trị thực".

Ông Lê Đắc Kh., một thợ săn rùa vàng lại cho rằng: "Rùa vàng có giá cao như vậy là do nhiều người truy lùng loài động vật này về để làm cảnh trong nhà". Thế nhưng ông cũng thắc mắc về giá trị thực của rùa vàng cũng như mục đích của việc thu mua giá "khủng" và lo lắng "có hay không trò bẩn của thương lái Trung Quốc?".

Trong khi đó, theo ông Lê Văn Bé, Chi cục phó Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phú Yên, rất khó để ngăn chặn tình trạng săn bắt rùa vàng trong tự nhiên hiện nay. Bởi để qua mắt lực lượng kiểm lâm, mỗi khi qua trạm, các thợ săn chỉ việc bỏ rùa vào túi áo, bình tĩnh đi qua. Rất nhiều thợ săn rùa, vì tiền sẵn sàng tận diệt loài động vật đang đứng trên bờ vực tuyệt chủng này. Đây là việc rất đáng báo động.

Loại động vật có nguy cơ tuyệt chủng

GS.TS Mai Đình Yên, chuyên gia nghiên cứu các loài rùa tại Việt Nam cho biết: "Rùa Trung Bộ hay rùa vàng là loài rùa đặc hữu, rất quý hiếm, chỉ còn sinh sống ở một số tỉnh Trung Bộ Việt Nam như Bình Định, Phú Yên. Do số cá thể rùa này còn rất ít ngoài tự nhiên, nên rùa Trung Bộ được đưa vào danh sách những loài động vật được bảo vệ, cấm mua bán trao đổi, hay tiêu thụ mà không được phép của Chính phủ. Đồng thời, rùa Trung Bộ cũng đã được ghi trong danh mục II, Công ước quốc tế về cấm buôn bán động vật có nguy cơ tuyệt chủng".

Theo Đăng Nguyên/ Đời Sống & Pháp Luật

Xem thêm Video: Tổng thầu Trung Quốc “trảm” giám đốc đường sắt trên cao


Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news