Các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên quá lạm dụng việc rút hồ sơ ra, vì bản thân việc thay đổi nguyện vọng quá nhiều sẽ làm rối tình hình mà chưa chắc đã hiệu quả.
[mecloud]pXDQ0yiy59[/mecloud]
Video VTV
Theo ghi nhận của báo chí, hai ngày nay, tại các trường đại học đã xuất hiện tình trạng thí sinh xếp hàng chờ rút hồ sơ, nhất là những trường có đông thí sinh đăng ký xét tuyển.
Tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM, PGS.TS. Nguyễn Đức Minh, Trưởng phòng đào tạo nhà trường cho biết, đến ngày 11/8, lượng hồ sơ đăng ký xét tuyển vào trường đã lên đến 10.000 hồ sơ. Tuy nhiên cũng có khoảng 400 em rút hồ sơ ra.
Thí sinh nháo nhào rút hồ sơ, chuyên gia khuyên cân nhắc kỹ. Ảnh: Dân trí |
Tương tự, tại trường ĐH Sư phạm TPHCM, những ngày qua có khá đông thí sinh, phụ huynh đến đề nghị rút hồ sơ đã đăng ký xét tuyển. Theo ghi nhận của báo Dân trí, đến hết ngày 11/8 có hơn 500 thí sinh đã rút hồ sơ tại trường này. Nhà trường đã bố trí hẳn một phòng chỉ dành để trả hồ sơ cho thí sinh, tuy nhiên vì đã có hàng ngàn hồ sơ nhận vào nên việc tìm kiếm hồ sơ cho thí sinh rút ra cũng tốn khá nhiều thời gian.
Tại Trường ĐH Sài Gòn, trường đã bố trí 2 phòng và hơn 10 nhân viên để giải quyết cho thí sinh rút hồ sơ.
[mecloud]o68qSeKtkf[/mecloud]
Video VTV
Ông Mỵ Giang Sơn, trưởng phòng đào tạo nhà trường, cho biết trường nhận được khoảng hơn 10.000 hồ sơ. Trong đó, trường đã giải quyết cho 1.500 thí sinh đến trường rút lại hồ sơ sau khi biết khả năng mình không đậu vào trường.
Trường ĐH Mở TPHCM đã nhận được 4.000 hồ sơ và đã giải quyết cho 150 trường hợp rút hồ sơ. Tại đây, thí sinh nộp phiếu yêu cầu rút hồ sơ sẽ được giải quyết sau 2 giờ.
Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng nhận hơn 4.000 hồ sơ và ngày hôm qua đã giải quyết cho 200 thí sinh đến rút hồ sơ.
Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM mỗi ngày cũng có cả 100 thí sinh đến rút hồ sơ và được giải quyết nhanh chóng.
Trường ĐH Kinh tế TPHCM hiện nay đã có 5.400 hồ sơ đăng ký xét tuyển nguyện vọng 1 và trường đã giải quyết cho hơn 100 thí sinh rút hồ sơ.
Trước phản ánh trên, các chuyên gia khuyến cáo, thí sinh không nên quá lạm dụng việc rút hồ sơ ra, vì bản thân việc thay đổi nguyện vọng quá nhiều sẽ làm rối tình hình mà chưa chắc đã hiệu quả. Điều quan trọng, các em phải quan sát tình hình cụ thể và đưa ra quyết định nộp hồ sơ, sau khi đã cân nhắc kĩ các yếu tố như: mức điểm của bản thân, điểm chuẩn những năm trước và tình hình hồ sơ thực tế của các trường.
Trao đổi trên Tuổi trẻ, tiến sĩ (TS) Lê Chí Thông, trưởng phòng Đào tạo, Trường ĐH Bách Khoa TP.HCM khuyên các thí sinh nên cân nhắc về việc tiếp tục giữ hay rút hồ sơ tại nơi mình đăng ký.
“Các bạn có thể lên trang web của trường ĐH Bách Khoa để xem thống kê điểm và số lượng thí sinh. Nếu ngành nào số thí sinh đủ rồi mà điểm của mình cao hơn điểm thấp nhất hiện tại thì vẫn có thể nộp vào. Với ngành chưa đủ chỉ tiêu thì dù điểm cao hay thấp hơn điểm thấp nhất hiện tại, thí sinh vẫn nộp hồ sơ được. Ngược lại, nếu ngành nào đã đủ chỉ tiêu mà điểm của thí sinh thấp hơn điểm hiện tại công bố thì nên rút hồ sơ ra”, ông Thông chia sẻ.
TS Mai Đức Ngọc, Trưởng ban đào tạo Học viện Báo chí tuyên truyền cũng nhắn nhủ: Thí sinh cần phải bình tĩnh cân nhắc kĩ, để lựa chọn thời điểm cần thiết trước khi quyết định thay đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ. Tránh tình trạng chỉ nghe thông tin chưa chính xác đã vội vã rút hồ sơ, thay đổi nguyện vọng vừa gây khó khăn cho các trường, vừa tự đánh mất cơ hội thực sự của mình.
H.Minh (tổng hợp)