(Tinmoi.vn) Trả lời về việc Bộ Giao Thông Vận Tải tổ chức thi tuyển Tổng cục trưởng, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho biết: "...những người đủ tự tin đủ khả năng thì người ta mới dự thi."
Người đủ tự tin đủ khả năng thì mới dự thi
Bộ trưởng Đinh La Thăng khi nói về câu chuyện thi tuyển Tổng cục trưởng tại Bộ Giao thông Vận tải đã cho rằng, vấn đề là quy trình tuyển chọn và tiêu chuẩn phải công khai minh bạch. Ban giám khảo cũng phải công khai minh bạch và phải khách quan. Bộ trưởng không nằm trong ban giám khảo đó, kết quả sẽ là căn cứ để ban cán sự Đảng lựa chọn. Không có chuyện thi cử xong là ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ lại họp lại quyết định ai trúng ai không. “Những người đủ tiêu chuẩn để tham gia dự thi tức là đã đủ tiêu chuẩn làm Tổng cục trưởng đường bộ” – ông Đinh La Thăng nói.
Giao thông tại một con đường tại Hà Nội lúc tan tầm. |
Bộ trưởng Đinh La Thăng cũng cho rằng, sau khi thi tuyển xong phải tổng kết, đánh giá xem kết quả có tốt hay không tốt, nếu mà tốt thì tiếp tục phát huy mở rộng, còn nếu cần phải có cái hoàn thiện cả về thể chế Chính sách, căn cứ pháp luật, điều kiện thực tiễn thì sẽ cần thời gian hoàn thiện tiếp. “Thi tuyển là khách quan, công khai” – Bộ trưởng Đinh La Thăng nhắc lại.
Về ý kiến lo ngại sẽ khó tuyển được người có thực tài vào vị trí cần tuyển, Bộ trưởng Đinh La Thăng cho rằng: “Chưa công khai thì chưa thu hút được, sợ thi là hình thức, thi mà lại chọn ông khác rồi, người ta chưa tin tưởng lắm thì không tham gia. Còn nếu công khai minh bạch rõ ràng thì những người đủ tự tin đủ khả năng thì người ta mới dự thi”.
Trước đó, theo Thông báo số 100/TB-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải về thi tuyển Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam có nêu rõ: Đối tượng tham gia dự thi phải là các cá nhân đang giữ chức vụ: Vụ trưởng thuộc Bộ Giao thông Vận tải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Hiệu trưởng các trường Đại học trực thuộc Bộ GTVT, Giám đốc Học viện Hàng không Việt Nam; Viện trưởng các Viện trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Chủ tịch Hội đồng thành viên (Hội đồng quản trị), Tổng Giám đốc các Tổng công ty trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải; Giám đốc các Sở Giao thông Vận tải.
Người dự thi phải trải qua hai phần thi: Thi viết và bảo vệ Chương trình hành động được thông báo công khai cho người đăng ký dự thi.
Thành phần Ban Giám khảo cuộc thi sẽ bao gồm 15 người do một Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tảilàm Trưởng ban. Bộ trưởng Giao thông Vận tải không nằm trong thành phần Ban Giám khảo.
Chưa chắc tìm được người tài
Theo TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông, chuyên gia đã có hơn 30 năm kinh nghiệm nghiên cứu giao thông đô thị cho rằng: "Tôi thấy mục đích mà Bộ GTVT hướng đến là rất tốt. Giống như các nước, chúng ta phải tăng tính dân chủ lên, để cho người dân có thể giám sát được. Qua việc thi tuyển công khai như vậy, người dân có điều kiện xem năng lực của các vị ứng cử thế nào, đạo đức, tinh thần trách nhiệm có tốt không?
Nếu Bộ GTVT làm tốt ở lần thi tuyển này thì chắc chắn những ngành khác cũng có thể triển khai những việc tương tự."
Tuy nhiên, theo TS Thủy, thành phần ban giám khảo cũng phải được công khai, điều này rất quan trọng, bởi nếu chỉ loanh quanh mấy quan chức chấm với nhau thì kiểu gì cũng có điều ra, tiếng vào.
Về việc thi tuyển liệu có tuyển được người tài không? TS Nguyễn Xuân Thủy băn khoăn: "Giao thông là một bài toán có tính hỗn hợp, chúng ta đã biết rằng giao thông luôn phải đi trước trong quá trình hiện đại hóa đất nước, nhưng động vào đâu cũng thấy có rắc rối thì phải làm thế nào?
TS Nguyễn Xuân Thủy - nguyên Giám đốc NXB Giao thông. Ảnh GDVN |
Tôi nói ngay như tình hình giao thông hiện nay, đã tốt chưa? Phải thẳng thắn là chưa tốt, loanh quanh luẩn quẩn cũng chưa có cái gì đột phá, chỉ là giải quyết sự vụ thôi. Điều đó chứng tỏ ngay cả năng lực những người đang giữ chức vụ ở ngành giao thông yếu kém. Bộ trưởng thì rất nhiều việc, lấy đâu ra thời gian mà xem xét hết chi tiết được, cho nên Bộ trưởng phải xem lại cấp dưới của mình. Có lẽ, Bộ trưởng ngày càng thấy rõ điều đó nên mới tổ chức cuộc thi tuyển này.
Điều mà tôi quan tâm nhiều nhất là tính khoa học của đề án mà các ứng cử viên dự thi, nhìn vào đó sẽ thấy ngay con người ấy có tư duy ở tầm chiến lược không, có đủ trình độ - năng lực tháo gỡ những khó khăn hiện nay để tiến tới mục tiêu đề ra không? Hay là nói thì hay nhưng làm lại dở bét? Cái này không cẩn thận là rất dễ bị như vậy, bởi vì nói lý thuyết suông nhiều ông nói hay lắm, nhưng thực tế là chẳng có làm được cái gì đâu.
Tôi nói thẳng là loanh quanh cũng chỉ vài ba vấn đề thôi. Ví dụ, anh Tổng Cục trưởng đường bộ thì phải quản lý cái gì? Phải biết tổng số đường bộ là bao nhiêu km? Trong đó bao nhiêu km là đường quốc lộ, bao nhiêu là đường nông thôn? Cầu đường hiện nay thế nào, tồn tại ra sao, giải pháp thế nào để nâng cao mạng lưới đường bộ? Viết vào đề án thì tương đối giống nhau thôi, tất nhiên cũng có những câu thử tài, thử về nghệ thuật quản lý, nhưng rồi thì cuối cùng có chọn được người xứng đáng không thì chẳng ai dám chắc."
Na Sầm (tổng hợp)