Tin mới

‘Thiên đường’ hàng xách tay tại Hà Nội trà trộn hàng fake

Thứ hai, 06/10/2014, 15:23 (GMT+7)

Vì lợi nhuận,\nnhiều chủ shop tại "thiên đường hàng xách tay" Nguyễn Sơn\n(Long Biên, HN) đã pha hàng fake để bán giá cao.

Vì lợi nhuận, nhiều chủ shop tại "thiên đường hàng xách tay" Nguyễn Sơn (Long Biên, HN) đã pha hàng fake để bán giá cao.

Hàng hiệu trốn thuế về Việt Nam như thế nào?

Phố Nguyễn Sơn hội tụ đủ các điều kiện để trở thành “con phố hàng không” nổi tiếng tại Hà Nội. Trên trục đường này có công ty nhập khẩu hàng không, gần khu tập thể hàng không, các cơ quan thuộc ngành hàng công, và đặc biệt, ngay sát trung tâm đoàn tiếp viên hàng không.

Hơn chục năm trước, nhu cầu dùng hàng xách tay của dân thủ đô gia tăng, những gia đình có người thân làm trong ngành hàng không tận dụng lợi thế này để “xách” các mặt hàng nước ngoài về bán tại thị trường trong nước kiếm lời.

Phố xách tay hàng không Nguyễn Sơn.

Theo quy định, mỗi tiếp viên hàng không được mang khoảng 30kg hành lý và một vali nhỏ. Nếu tận dụng tối đa quyền lợi này, tiếp viên hoặc phi công có thể xách về cho người nhà hơn 30kg hàng hóa/chuyến bay mà không bị tính thuế. Số hàng này được bán ra thị trường với giá thấp hơn các mặt hàng cùng loại nhập khẩu chính ngạch, nên có sức tiêu thụ mạnh. Đặc biệt, các loại nước hoa, thuốc lá, rượu… bị đánh thuế cao được tuồn về theo đường xách tay bán thấp hơn một chút so với giá thị trường, mang đến cho các chủ hàng lợi nhuận vô cùng lớn. Phố Nguyễn Sơn dần được nhiều người tìm đến, trở thành “thiên đường” đồ xách tay hàng hiệu giá rẻ.

Không chỉ lãi cao nhờ hàng né thuế, để tăng lợi nhuận, các “cửu vạn hàng không” thường chờ cơ hội mua hàng khuyến mãi, các đợt giảm giá, kích cầu tiêu dùng lớn tại nước ngoài để tranh thủ "ôm hàng” về nước bán lẻ. Do vậy, hình thức kinh doanh đồ xách tay hàng không “một vốn, bốn lời” trở thành lựa chọn của nhiều tiểu thương, không còn giới hạn ở các gia đình có người thân quen trong ngành.

Theo tiết lộ của một chủ cửa hàng chuyên bán buôn đồ xách tay Nga, Đức tại phố Nguyễn Sơn, những mối đổ buôn loại hàng này hiện đã “nâng tầm quan hệ”, thay vì đánh lẻ với tiếp viên hàng không, họ thường thông qua đầu mối chung là các “bộ đội” tại sân bay, gửi lượng hàng lớn theo khoang hành lý về nước.

“Nếu làm việc với tiếp viên chỉ xách về được số lượng hàng hóa ít mà chi phí hoa hồng đắt đỏ thì làm việc với “bộ đội” tiết kiệm được một nửa hoặc 1/3 chi phí, lại giảm thiểu rủi ro, thủ tục đơn giản hơn nhiều. Riêng hàng Đức, nhà tôi bao thầu độc quyền toàn bộ khu này, nhưng vẫn không có hàng cho khách mua buôn số lượng ít hoặc mua lẻ, bởi lần nào cũng có mối đặt trước nguyên 'kông'. Hàng về nguyên đai nguyên kiện như vậy thường là hàng chuẩn. Còn những mặt hàng bày ra bán lẻ hoặc bán buôn nhỏ tại cửa hàng, cái nào xịn, cái nào fake khách buôn hỏi tôi sẽ nói rõ từ đầu”, chủ buôn cho biết.

Thật, giả lẫn lộn

Hơn 20 cửa hàng chuyên bán buôn, bán lẻ hàng xách tay nằm dọc trục đường chính và trong các ngõ nhỏ trên phố Nguyễn Sơn được bài trí theo nhiều phong cách: sạp hàng đổ đống kiểu dân dã hoặc siêu thị “sang chảnh”. Tuy nhiên, theo chia sẻ của một số khách hàng lâu năm hoặc dân trong nghề, phần lớn các cửa hàng trong “thiên đường xách tay” này đều giống nhau về nguồn gốc hàng hóa, có hàng xịn và cũng có cả hàng fake.

Hàng xách tay thật, giả lẫn lộn tại phố Nguyễn Sơn.

Chị Nguyễn Hải Anh (Hàng Lược, Hà Nội) đã dùng hàng xách tay gần chục năm nay. Nắm địa bàn Nguyễn Sơn như lòng bàn tay, chị cho biết, vài năm trước, con phố này nhìn bên ngoài tưởng như vắng vẻ, nhưng vào cửa hàng bán đồ xách tay nào cũng thấy tấp nập cảnh bán, mua. Tuy nhiên, do lợi nhuận, nhiều chủ hàng dần bán lẫn cả hàng fake Trung Quốc lẫn hàng xịn để kiếm lời từ những khách hàng kém sành sỏi.

Dẫn ví dụ về hàng hóa, chị mách nhỏ: “Nước hoa mini bỏ túi thường được dân yêu hàng xách tay rất thích vì giá rẻ, hàng xịn, nhỏ nhưng vẫn nguyên hộp, mã code. Nhưng tại đây hiện giờ rất khó để tìm được nước hoa chính hãng, phần lớn là hàng fake với màu nước đục, mẫu mã các vỏ lọ thủy tinh kém tinh xảo, không code hoặc code được nhân bản như cừu Dony”. Khách hàng này cũng chỉ đích danh một số địa chỉ chuyên bán quần áo, váy hàng hiệu châu Âu nhưng “made in Quảng Châu, Trung Quốc”.

Theo chỉ dẫn của chị Hải Anh và một số khách hàng, chúng tôi tiếp cận vài cửa hàng trong ngõ 117 Nguyễn Sơn. Vào một sạp hàng đổ đống la liệt giữa nhà, xem qua nhiều loại hàng hóa đóng túi nilon nhưng không có nhãn mác, chúng tôi vẫn được chủ hiệu khẳng định là hàng xách tay xịn. “Đây là hàng chuẩn, nhưng do về nhiều nên không kịp bày lên kệ. Trong quá trình vận chuyển, nhiều hàng bị va chạm nên mất mác”, chủ hàng giải thích.

Một chiếc áo hàng hiệu Burberry để lẫn với nhiều nhãn hàn khác lâu ngày phủ bụi được báo giá 1,3 triệu đồng, chỉ bằng khoảng ¼ - 1/5 giá niêm yết tại website chính hãng. Khi xem kỹ các chi tiết có thể thấy mác được đính khá lỏng lẻo, lật mặt trái áo xem ở sườn dưới có ghim một mẩu vải với dòng in mờ “Made in China”. “Thế này mà nhiều người vẫn mua chỉ vì cái mác hiệu đấy!”, chị Thúy, một người trong nhóm khách đang xem hàng nói thầm.

Do thị hiếu người tiêu dùng đang có xu hướng chuộng các sản phẩm chức năng và hàng thực phẩm Nga, Đức, Nhật, nên từ 2 năm nay, các chủ shop cũng nhanh nhạy tập trung vào mặt hàng trên. Tuy nhiên, theo tiết lộ của một khách buôn, nếu như hàng thực phẩm Nga, Nhật là bánh kẹo, chocolate, hướng dương, đồ ăn dặm trẻ em… tại đây khá ổn thì thực phẩm chức năng nên cẩn trọng để tránh mua phải hàng nhái, dập lại date hoặc bị hư hỏng, do bảo quản không tốt.

Cũng vì vậy mà thời gian gần đây, nhiều tín đồ xách tay đã tẩy chay con phố này. Một số chủ hàng mất khách đành đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh.

Theo Zing

 

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news