Dự báo thời tiết 14/6: Khu vực Hà Nội, từ ngày 13/6 đến ngày 15/6 cũng phổ biến có mưa rào và dông. Đêm 15/6 và ngày 16/6 có mưa vừa, mưa to và dông. Khả năng tình trạng ngập úng cục bộ vẫn tiếp tục tái diễn.
Trận mưa lớn sáng 13/6 đã làm nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập úng cục bộ. Ảnh: FB |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Trung ương, đêm qua (12/6) và ngày hôm nay (13/6), do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24-26 độ vĩ Bắc nên ở Bắc Bộ đã có mưa diện rộng, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội có mưa vừa, mưa to, một số nơi có mưa rất to như: Mường Tè (Lai Châu) 45mm, Phù Liễn (Hải Phòng) 59mm, Hà Đông (Hà Nội) 57mm,…
Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp phân tích trên nên từ ngày 13/6 đến ngày 15/6 ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa, mưa vừa, vùng núi mưa to và rải rác có dông. Đêm 15/6 và ngày 16/6, rãnh áp thấp phân tích trên bị nén bởi Không khí lạnh từ phía Bắc nên ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.
Tại khu vực Hà Nội, từ ngày 13/6 đến ngày 15/6 có mưa rào và dông. Đêm 15/6 và ngày 16/6 có mưa vừa, mưa to và dông. Mưa dông diện rộng ở các tỉnh Bắc Bộ còn có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 20/6.
Trong sáng nay (13/6), một cơn mưa lớn đã bất ngờ đổ xuống Hà Nội. Lượng mưa đo được tại một số nơi như Cầu Giấy, Văn Miếu, Kim Liên... lên đến gần 100mm.
Mưa lớn kèm theo sấm sét đã làm nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Hơn nữa, mưa vào đúng giờ cao điểm khiến nhiều tuyến đường bị tắc nghẽn cục bộ, giao thông đi lại khó khăn.
Lý giải về cơn mưa lớn, bất ngờ sáng nay, ông Lê Thanh Hải - Phó Tổng Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết: “Mưa do rãnh gió mùa (monsoon trough) - một loại dải hội tụ rộng lớn vắt từ Ấn Độ-Miến Điện, Vân Nam (Trung Quốc) sang bắc bán đảo Đông Dương gây ra. Bản chất của loại rãnh thấp này là áp thấp nhiệt. Do vùng Nam Á bị mặt trời đốt nóng, hút gió mùa tây nam mang nhiều hơi ẩm từ Vịnh Bengal sang gây mưa”.
Từ ngày 15-17/6, một đợt lũ sẽ xuất hiện trên sông Thao, sông Lô với biên độ lũ lên từ 3-5m. Lưu lượng đến các hồ chứa lớn trên thượng nguồn sông Hồng sẽ tăng nhanh với biên độ lũ lên từ 1300-1500 m3/s tại vùng hồ Lai Châu; từ 1800-2000 m3/s tại vùng hồ Sơn La trên sông Đà; 500-800 m3/s tại vùng hồ Tuyên Quang trên sông Gâm.
Lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt một số tỉnh khu vực Tây Bắc như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang.
Đức Hòa (tổng hợp)