Bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ lập hội đồng giám định sức khỏe cho học sinh lớp 5 không viết nổi tiên mình vào ngày 8/6 tới. Hiện, nhà trường sẽ cùng phụ huynh hoàn thành thủ tục cho em L.Đ.T theo yêu cầu của bác sĩ.
Liên quan đến câu chuyện một học sinh lớp 5 ở Hà Nội không viết nổi tên mình gây xôn xao dư luận, theo tin tức trên báo Dân trí, ngày 25/5, ban giám hiệu trường tiểu học Phương Liệt đã cùng đại diện hội phụ huynh học sinh đã đưa em L.Đ.T đi khám ở Bệnh viện Bạch Mai.
Sau khi được chuyển vào phòng tư vấn, các bác sĩ đề nghị phía trường tiểu học Phương Liệt và phụ huynh phối hợp lập hồ sơ y bạ cho em T., sau đó xác nhận tại chính quyền địa phương để phía bệnh viện sẽ thành lập hội đồng giám định cho em T.
“Các bác sỹ cho biết tới ngày 8/6 tới đây hội đồng giám định sức khỏe cho em T. sẽ được thành lập. Tuy nhiên, thời điểm này đưa em L.Đ.T đi khám đã là quá muộn vì trẻ có dấu hiệu tự kỷ cần đi khám ngay từ 5 – 6 tuổi khi bắt đầu học tiểu học”, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai , Hiệu trường trường tiểu học phương liệt cho biết.
HS lớp 5 ở Hà Nội không viết nổi tên mình sắp được giám định sức khỏe |
Cũng theo bà Mai, hiện tại phía nhà trường sẽ cùng phụ huynh hoàn thành thủ tục cho em L.Đ.T để được các bác sỹ thăm khám.
Trước đó như tin tức đã đưa, cháu L.Đ.T., 11 tuổi (ở Phương Liệt, Thanh Xuân, Hà Nội), hiện là học sinh lớp 5A2, trường tiểu học Phương Liệt chỉ có khả năng nhận mặt các chữ cái, còn về khả năng tính toán, T. cũng chỉ nhận mặt được các chữ số và làm được một vài phép tính đơn giản.
Theo lời kể của chị Tuyết (mẹ cháu T.), cách đây 3 tuần, khi phát hiện học gần hết lớp 5 mà con trai vẫn chưa biết đọc biết viết chị Tuyết đã cho con nghỉ học ở nhà và làm đơn kiến nghị lên phía ban giám hiệu nhà trường.
Chị Tuyết cho biết, do hoàn cảnh gặp nhiều trắc trở nên mãi tới năm 2003 mới lập gia đình với anh L.Đ.Hạnh (57 tuổi) và sinh hạ cháu L.Đ.T vào năm 2004. Khi cháu sinh ra, cân nặng, sức khỏe đều bình thường. Khi tới tuổi đến lớp, cháu T. cũng nhập trường như các bạn cùng trang lứa.
Tuy nhiên, sau một thời gian học lớp 1, chị Tuyết được phía trường tiểu học Phương Liệt cho biết cháu T. không thể học tập bình thường có biểu hiện của trẻ tự kỷ, nhưng vẫn cho đến lớp học cùng các bạn để hòa nhập.
Theo tin tức trên Dân trí, các năm lớp tiếp theo đó, học sinh L.Đ.T vẫn được theo học cùng các bạn và lên lớp bình thường. Gia đình chị Tuyết vẫn đóng các khoản thu cho cháu T. đi học. Tuy nhiên, khi về nhà, thử kiểm tra việc học, chị Tuyết phát hiện cháu T. vẫn chưa biết đọc, biết viết dù đã học tới lớp 3. Do công việc bận rộn nên chị Tuyết chỉ tranh thủ được lúc rảnh kèm cặp cháu T. viết chữ và các phép tính đơn giản.
“Cháu nhà tôi không hề có dấu hiệu của trẻ tự kỷ, cháu chỉ chậm tiếp thu, không được kèm cặp, không biết đọc, biết viết nên không thể nhận thức được như các bạn cùng trang lứa" - chị Tuyết nói.
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai – hiệu trưởng trường Tiểu học Phương Liệt cho biết, sau một thời gian em L.Đ.T nhập học, cô giáo chủ nhiệm đã nhận ra dấu hiệu "bất thường" và phản ánh ngay với ban giám hiệu.
Sau khi đánh giá, ban giám hiệu đã xác định em T. nằm trong diện "học sinh khuyết tật" nên chiếu theo quy định của ngành giáo dục chỉ lập phiếu theo dõi, đánh giá học sinh chứ không lập học bạ và xếp loại.
"Ở trường không chỉ có trường hợp em T., còn có em khác tương tự, nhà trường đều cố gắng tạo điều kiện kèm cặp cho các em nhưng vì nhận thức của các em quá yếu, học trước quên sau nên dù các cô giáo đã bỏ nhiều công sức nhưng cũng không thay đổi được nhiều.
Theo bà Mai, nhà trường luôn sẵn sàng cho T. đi học lại để hòa nhập với các bạn và cũng nhiều lần nhắc phụ huynh làm đơn để được miễn giảm một số khoản phí trong phạm vi trường học. Đồng thời, phía trường cũng nhiều lần động viên gia đình chuyển T. sang trung tâm đặc biệt phù hợp với em để được dạy học nhưng gia đình không đồng ý.
H.M (tổng hợp)