Đạt 27,5 điểm (Địa 9,5; Sử 9,5; Văn 8,5) và trở thành thủ khoa khối C cao nhất cả nước năm 2013, Đinh Thị Lệ Thu không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm.
Đinh Thị Lệ Thu – cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi (Hải Dương) đã xuất sắc đỗ thủ khoa khối C Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, đồng thời là thủ khoa khối C cao điểm nhất cả nước.
Học khối C cũng cần tư duy
Nói về bí quyết ôn thi đạt điểm cao, Thu tươi cười cho biết “không có bí quyết đặc biệt nào cả”. Mỗi người sẽ có một cách học và phương pháp học riêng phù hợp với bản thân. Thông thường, mọi người cho rằng để đạt điểm cao khối C chỉ cần học thuộc lòng và ghi nhớ, tuy nhiên học Văn, Sử, Địa cũng cần phải có phương pháp và tư duy.
Đinh Thị Lệ Thu - thủ khoa khối C Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. |
Làm cách nào để nhớ chính xác các mốc thời gian, chuỗi sự kiện lịch sử, lập luận và dẫn chứng trong câu hỏi nghị luận xã hội như thế nào hay kiếm điểm tuyệt đối trong câu vẽ biểu đồ địa lý, đó là những câu hỏi mà thủ khoa khối C sẽ chia sẻ cùng chia sẻ.
Theo Lệ Thu, trong ba môn thi đại học khối C gồm Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, mỗi môn có độ khó và độ dễ riêng nên cần phải có cách học phù hợp. Tuy nhiên, ở từng môn thi lại có những phần dễ kiếm điểm, sĩ tử đặc biệt lưu ý để không bị mất điểm những phần này.
Đối với môn Địa lý, thí sinh hoàn toàn có thể đạt điểm tuyệt đối trong câu hỏi vẽ biểu đồ. Phần lịch sử thế giới và nghị luận xã hội cũng là những phần giúp thí sinh “ăn điểm”.
Lựa chọn một phương pháp học phù hợp dành cho mình, Lệ Thu chia sẻ: “Mình chủ yếu học theo ý chính, kiến thức cơ bản làm gốc, kết hợp đọc thêm sách tham khảo bên ngoài, tăng cường viết, luyện đề để rèn chữ và nâng cao khả năng trình bày”.
Đối với môn Ngữ văn, Lệ Thu khuyên các sĩ tử nên dành thời gian đọc kỹ các văn bản trong sách giáo khoa để lấy dẫn chứng cho bài viết và hiểu được nội dung của tác phẩm. Gạch đầu dòng ý chính của từng bài văn cụ thể, đọc thêm các loại sách tham khảo như bình giảng văn học… để lấy những lời hay ý đẹp cho bài văn thêm phong phú.
Riêng với môn Lịch sử, môn học được cho là khó nhất đối với các thí sinh thi khối C, theo Lệ Thu, sĩ tử cần dành nhiều thời gian cho môn này vì khối lượng kiến thức lớn, dễ quên hơn các môn còn lại. Để khắc phục khó khăn khi học môn Sử, thí sinh có thể lập bảng ghi nhớ thời gian, sự kiện. Bảng có thể chia thành 2 cột, trong đó một cột thời gian, một cột sự kiện. Sau đó để trống và tự mình điền các thông tin vào bảng.
Việc học Sử không nhất thiết phải đúng theo thời gian biểu ôn tập, có thể học bất cứ lúc nào, nhớ ra mốc thời gian hoặc sự kiện thì học luôn.
Với môn Địa lý, thí sinh cần học chắc kiến thức sách giáo khoa, đặc biệt học các phần số liệu cụ thể để lấy dẫn chứng cho bài làm. Sau mỗi bài Địa lý, lưu ý làm các câu hỏi ở cuối bài để củng cố kiến thức.
Để đạt điểm cao trong từng môn
Câu nghị luận xã hội trong bài Ngữ văn luôn tạo sự thích thú đối với các sĩ tử. Đây là câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải có kiến thức xã hội rộng, nhất là những vấn đề nóng trong xã hội. Để làm tốt câu nghị luận xã hội, Lệ Thu khuyên thí sinh nên lắng nghe chương trình thời sự hàng ngày cũng như đọc thêm sách báo.
Lệ Thu chụp ảnh cùng các bạn lớp đại học. |
Việc xem thời sự và đọc sách báo sẽ không mất nhiều thời gian, lại có thể giúp thí sinh bổ sung thông tin, dẫn chứng cần thiết trong bài làm. Nhưng không phải chỉ xem và đọc, sĩ tử cần chắt lọc thông tin cần thiết ghi chép vào cuốn sổ nhỏ để làm kho dẫn chứng.
“Quyển sổ đó có thể chia làm các chủ đề khác nhau như tình yêu thương, lòng dũng cảm… Phần này yêu cầu người viết phải trình bày rõ ràng và mạch lạc, tốt nhất là nên gạch thành các ý” - Lệ Thu nói thêm.
Để đạt điểm cao môn Địa thì phần vẽ biểu đồ không thể sai sót. Đọc và phân tích kỹ yêu cầu của đề bài để xác định rõ dạng biểu đồ nào hợp lý nhất. Đặc biệt chú ý không để thiếu chú giải, tên biểu đồ, tên bảng số liệu cần lập (nếu có). Những chi tiết dù nhỏ nhất của biểu đồ cần kiểm tra kỹ lưỡng, không dễ bị thiếu.
Học 12 năm nhưng kết quả sẽ phản ánh trong 3 tiếng với từng môn thi. Do đó, quá trình làm bài thi vô cùng quan trọng. Việc phân bố thời gian thi cử cho từng câu hỏi sẽ tương ứng với số điểm của câu đó.
Thu chia sẻ: “Thời gian làm bài của từng môn khối C là 180/10 điểm. Tuy nhiên trừ đi thời gian cho các công việc phụ thì còn 170 phút/10 điểm, như vậy 17 phút/1 điểm, 2 điểm là 34 phút, 3 điểm là 51 phút… Cứ như vậy nhân với số điểm, sĩ tử sẽ có sự căn chỉnh thời gian hợp lý khi làm bài”.
Với các môn xã hội, việc chia thời gian khoa học như vậy giúp thí sinh không bỏ sót bất cứ câu nào hay không sa đà vào một câu cụ thể.
Chỉ còn chục ngày nữa, các thí sinh khối C bước vào kỳ tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2014. Với khoảng thời gian ôn tập ngắn như vậy, Lệ Thu khuyên các sĩ tử dành thời gian tổng hợp lại kiến thức, xác định xem phần nào còn lơ mơ thì tập trung kỹ cho phần đó, phần nào quan trọng phải đọc lại nhiều lần.
Việc giữ gìn sức khỏe trong kỳ thi được Thu đặc biệt lưu ý cùng thí sinh. Sĩ tử nên phân bố thời gian học và chơi hợp lý. Thời điểm sát ngày thi nên để cho đầu óc được thư thái, tránh căng thẳng.
Việc căng thẳng dẫn đến cảm giác run và lo sợ, do vậy dễ mất bình tĩnh, quên kiến thức khi bước vào phòng thi. Thí sinh có thể nghe nhạc, đọc sách, xem tivi hoặc đi dạo phố phường thư giãn… - những cách giải trí lành mạnh như vậy sẽ mang lại hiệu quả tích cực.
Gửi lời chúc tới các sĩ tử trong kỳ thi đại học sắp tới, Lệ Thu nói: “Chúc các bạn gặp nhiều may mắn và đạt kết quả cao”.
Theo GDVN
Video bạn có thể quan tâm trên tinmoi.vn: Cô dâu hát tưng bừng trong đám cưới