Tin mới

Thủ khoa, th.sĩ bằng tây trượt công chức: Người trong cuộc lên tiếng

Thứ ba, 12/05/2015, 08:53 (GMT+7)

Một số thạc sĩ tốt nghiệp bằng khá, giỏi ở nước ngoài trượt kỳ sát hạch công chức tại Hà Nội cho rằng họ làm bài rất tốt, trả lời đúng, hết các câu hỏi nhưng không hiểu "tại sao lại trượt".

Một số thạc sĩ tốt nghiệp bằng khá, giỏi ở nước ngoài trượt kỳ sát hạch công chức tại Hà Nội cho rằng họ làm bài rất tốt, trả lời đúng, hết các câu hỏi nhưng không hiểu "tại sao lại trượt".

Như tin tức đã đưa, mới đây, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội công bố kết quả kiểm tra, sát hạch công chức thuộc diện đặc cách xét tuyển năm 2015. Trong đó, có 30/63 thí sinh đã không vượt qua được kỳ kiểm tra, sát hạch này. Đáng lưu ý, có 5 người là thạc sĩ loại giỏi, xuất sắc ở nước ngoài, số còn lại đều là thủ khoa xuất sắc trong nước, cử nhân bằng giỏi ở nước ngoài.

Chia sẻ trên Dân Việt, anh Quang, thạc sĩ tốt nghiệp ở nước ngoài cho biết, bài thi sát hạch tuyển công chức anh làm khá tốt, trả lời đúng tất cả các câu hỏi nhưng không hiểu “tại sao lại trượt?”.

“Ngay lúc nộp hồ sơ, nhà tuyển dụng chỉ nhận bằng và bảng điểm của tôi. Các văn bằng chứng chỉ khác cũng như quá trình làm việc công tác của tôi, nhà tuyển dụng đều không nhận. Như vậy, vô hình trung đã đánh đồng tôi với các ứng viên khác”, anh Quang bày tỏ.

Bày tỏ nguyện vọng, anh Quang mong  Nhà nước thay đổi cơ chế thi tuyển công chức để cứu lấy 30 nhân tài.

"Họ là nguồn chất xám rất quý báu mà không dễ gì có được. Họ đã quy tụ về thi công chức, nhà nước cần có cơ chế Chính sách để tận dụng được 30 người này, đừng bỏ đi, như vậy quá phí”, anh Quang nói.

Thủ khoa, th.sĩ bằng tây trượt công chức: Người trong cuộc lên tiếng

Thủ khoa, th.sĩ bằng tây trượt công chức lên tiếng. Ảnh minh họa

Cùng tâm trạng, anh Nam, thạc sĩ tốt nghiệp loại giỏi ở nước ngoài chia sẻ: chuyên ngành anh ứng tuyển chỉ có một mình anh, không phải cạnh tranh với ai. Do đó, chỉ cần đạt 50 điểm là anh sẽ đỗ. Tuy nhiên, kết quả của anh lại không như mong đợi, anh được dưới 50 điểm và trượt công chức.

“Tôi thấy kết quả không phản ánh đúng bài thi. Mặc dù có 2 câu hỏi không nằm trong nội dung ôn tập nhưng tôi vẫn làm được, vì tôi đã từng đọc qua trong quá trình công tác. Đặc biệt là ở vòng phỏng vấn, có 3 người trong Hội đồng sát hạch nhưng không có ghi âm, không có giám sát và cũng không biết giám khảo chấm điểm thế nào? Trong khi đó, tôi con nhà chính sách cũng không được ưu tiên gì”, Anh Nam thắc mắc.

Cũng theo quan điểm anh Nam, câu hỏi trong kỳ thi sát hạch vừa rồi chưa hợp lý, thi như vậy chỉ dành cho người học thuộc lòng, không thể đánh giá được trình độ của người thi tuyển.

“ Nhà nước nên thay đổi chính sách chiêu mộ, thu hút nhân tài vào các cơ quan nhà nước. Từ đó, các nhân tài mới góp sức, cống hiến trí tuệ để đất nước ngày càng giàu mạnh’, báo Dân Việt dẫn đề xuất của anh Nam.

Liên quan đến “lùm xùm” quanh kỳ sát hạch công chức tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của báo chí tại buổi họp báo thường kỳ quý II/2015 ngày 7/5, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, xét tuyển không qua thi là một chính sách nhằm thu hút người có trình độ, năng lực phù hợp với yêu cầu công việc, phát huy được khả năng của mình.

“Tôi đã trao đổi với Sở Nội vụ HN và phía sở cho biết, những người chưa được tuyển dụng đợt này do chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên chưa tuyển”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, khi xét tuyển đặc cách không qua thi, dù tốt nghiệp trong nước hay nước ngoài thì không nên phân biệt cứ tốt nghiệp nước ngoài về là giỏi! Khi tốt nghiệp ở trình độ ĐH thì phải công bằng chứ không nên so sánh, phân biệt như vậy.

Việc tuyển dụng không qua thi phải phù hợp với tính chất, vị trí công việc. Theo đó, Thứ trưởng Tuấn cho rằng, có thể hội đồng sát hạch HN khi xem xét thấy rằng, các ứng viên này không phù hợp thì chưa tuyển dụng.

“Trên mạng có nhiều bình luận phản cảm, cho rằng phải tuyển hết công chức cho người tốt nghiệp ở nước ngoài. Có thể họ nắm chưa đủ thông tin, hoặc có thể là người bị trượt bình luận trên đó, rất thiếu khách quan”, ông Tuấn bình luận thêm. 

Trao đổi với báo chí ngày 8/5, ông Tuấn cho biết: “Bộ Nội vụ sẽ kiểm tra lại việc này. Khi có kết quả cuối cùng chúng tôi sẽ thông tin lại cho dư luận xã hội biết”.

Cũng theo ông Tuấn, sắp tới Bộ Nội vụ sẽ sửa đổi nghị định 24 để đảm bảo việc thi tuyển cũng như sát hạch nhũng trường hợp không qua thi tuyển được đảm bảo công khai, công bằng, khách quan. Trong đó việc đổi mới thi tuyển công chức sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin.

H.Minh (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news