Cho rằng chủ đầu tư trạm thu phí An Sương – An Lạc (quận Bình Tân) hoạt động quá hạn so với quy định, nhóm tài xế đậu xe phản đối khiến giao thông qua trạm ùn ứ, chủ đầu tư liên tục xả trạm để vãn hồi.
Chiều tối ngày 3/12, một số tài xế chạy ôtô qua trạm thu phí An Sương – An Lạc (quận Bình Tân, TP. HCM) dừng xe, không chấp nhận mua vé. Tài xế yêu cầu gặp lãnh đạo công ty, hỏi rõ vì sao trạm thu phí đã thu quá thời hạn vẫn không dừng hoạt động, theo báo Thanh Niên.
BOT An Sương - An Lạc xả trạm. Ảnh: VnExpress |
Các tài xế dừng xe tranh luận với nhân viên thu phí khá lâu khiến nhiều ôtô phía sau bị ùn ứ. Tình trạng kẹt xe ở hai chiều đường dần nghiêm trọng nên các nhân viên cho xả trạm. Nhiều ôtô đồng loạt bấm kèn, hò hét chạy qua. Một số người sau đó vòng lại trạm, tiếp tục phản đối.
Theo VnExpress, các tài xế cho rằng, hợp đồng thu phí giữa Bộ Giao thông vận tải với Công ty cổ phần đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc) bắt đầu từ tháng 4/2004, kéo dài 145 tháng. Tính theo hợp đồng, IDICO đã thu phí quá hạn 31 tháng.
Hơn chục người đứng tại trạm BOT vẫy tay kêu các xe qua lại. Ảnh: VnExpress |
Vụ việc khiến giao thông trên quốc lộ 1 qua trạm thu phí An Sương – An Lạc ùn tắc kéo dài cả hai hướng. Trước tình hình trên, chủ đầu tư buộc phải xả trạm thu phí, đảm bảo giao thông di chuyển ổn định trên quốc lộ 1.
Công an quận Bình Tân cũng nhanh chóng có mặt giữ an ninh trật tự khu vực
Anh Phạm Thành Long (38 tuổi, ngụ quận Bình Tân), cho biết theo văn bản quy định trạm thu phí An Sương – An Lạc bắt đầu hoạt động từ tháng 4/2004 đến 1/1/2017. Tuy nhiên, trạm thu phí hoạt động đến nay đã quá thời hạn 31 tháng.
“Chúng tôi yêu cầu chủ đầu tư bỏ trạm thu phí. Chủ đầu tư phải thực hiện đúng cam kết, pháp luật”, anh Long nói.
Trao đổi với Tri Thức Trực Tuyến, ông Nguyễn Hồng Ninh, Giám đốc Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng IDICO (chủ đầu tư dự án), cho biết việc tài xế dừng ôtô phản đối thu phí quá thời hạn là sự hiểu lầm.
Trạm thu phí An Sương – An Lạc phải xả trạm do tài xế dừng xe phản đối, gây ùn ứ kéo dài. Ảnh: Báo Tin tức |
Theo đại diện chủ đầu tư BOT An Sương – An Lạc, tuy hợp đồng trước đó đã hết hạn vào năm 2017 nhưng đơn vị tiếp tục thực hiện đầu tư các hạng mục khác như cầu vượt Tỉnh lộ 10, cầu vượt Hương lộ 2, cầu vượt Ngã 4 Gò Mây… Thông qua việc thực hiện các hợp đồng này, thời gian thu phí được điều chỉnh đến năm 2033.
“Kinh phí xây dựng thêm 4 cây cầu trên và kinh phí nâng cấp đoạn đường 12 km là gần 2.500 tỷ đồng , thời gian thu phí được tiếp tục thực hiện từ 2/1/2017 đến 31/1/2033, theo quy định của Nhà nước”, ông Nguyễn Hồng Ninh nói.
Nhiều tài xế dừng ôtô phản đối thu phí tại trạm thu phí An Sương - An Lạc. Ảnh: Zing.vn |
Đơn vị này cho rằng, mọi thủ tục thực hiện dự án đều đã được các cơ quan chức năng phê duyệt, làm đúng quy định.
Đến 21h cùng ngày, BOT An Sương – An Lạc vẫn xả trạm. Lực lượng chức năng quận Bình Tân túc trực cả hai bên đường điều tiết giao thông. Họ chỉ nhắc nhở những người dừng lại xem, rồi ghi biên bản chứ không can thiệp vào nhóm tài xế.
Trang Vũ (tổng hợp)