Tin mới

Thứ trưởng Bộ Công an nói về vụ ông Vĩnh, ông Hóa rơi vòng lao lý

Thứ tư, 05/09/2018, 11:34 (GMT+7)

Tại phiên họp toàn thể Uỷ ban Tư pháp sáng 5/9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập đến vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet, liên quan đến 2 cựu tướng ngành công an.

Tại phiên họp toàn thể Uỷ ban Tư pháp sáng 5/9, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an đã đề cập đến vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet, liên quan đến 2 cựu tướng ngành công an.

Chú thích ảnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga chủ trì phiên họp. Ảnh: TTXVN

Diễn ra trong 2 ngày 4 - 5/9, tại Phiên họp thứ 11, Ủy ban Tư pháp thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của ngành năm 2018; Báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án năm 2018; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Kết quả hình ảnh cho phiên họp 11 toàn thể Uỷ ban Tư pháp

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác của ngành. Ảnh: QH

Điểm lại vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng internet, liên quan đến 2 cựu tướng ngành công an, trên Tiền phong dẫn lời ông Lê Quý Vương cho rằng, không thể nói vụ việc xảy ra ở Tổng cục Cảnh sát, mà xảy ra ở đơn vị CNC, loại hình “công ty bình phong nhưng thực chất cũng không phải bình phong”. 

Theo ông Vương, trách nhiệm cá nhân chỉ có 2 trường hợp, là ông Phan Văn Vĩnh, Tổng cục trưởng và ông Nguyễn Thanh Hóa, cục trưởng trực tiếp tham gia, còn cán bộ chiến sĩ ở tuyến dưới thì không biết.

Tướng Lê Quý Vương cũng cho biết, các hoạt động này xảy ra hết sức tinh vi. Phan Sào Nam, Hoàng Thành Trung là 2 người sáng tác kịch bản trò chơi, nhưng lại giao cho Nguyễn Văn Dương tổ chức đánh và lại lấy cổng khác thanh toán. 

Tức là chia khúc ra và tất cả được thực hiện theo công nghệ cao, đánh song xóa luôn và thực hiện đổi thưởng bằng thẻ cào, rất tinh vi.

Cũng theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, vụ án này do Bộ Công an chỉ đạo làm. Trong tài liệu điều tra, toàn bộ quá trình điều tra có sự chỉ đạo của Bộ trưởng, thứ trưởng Bộ Công an và ban chuyên án, đặc biệt có vai trò rất quan trọng của công ty an ninh mạng, bởi toàn bộ kỹ thuật liên quan đến an ninh mạng rất phức tạp. 

Dù đây là một vụ việc đau xót nhưng cũng là một nỗ lực cố gắng, thể hiện tinh thần đấu tranh, dám giải quyết vấn đề, dù có liên quan đến cán bộ trong ngành.

Nói về thân phận 2 vị tướng vừa rơi vòng lao lý, trên Người lao động dẫn lời Tướng Lê Quý Vương cảm thấy rất buồn. "Một người là trung tướng, thủ trưởng cơ quan điều tra, anh hùng lực lượng vũ trang, thương binh 2/4… với đầy đủ các yếu tố, một con người rất đáng trân trọng.

Còn ông Nguyễn Thanh Hóa là thiếu tướng, sinh trưởng trong một gia đình rất cách mạng: Ông nội là liệt sĩ, bà nội là Bà mẹ Việt Nam Anh Hùng, bố đẻ là liệt sĩ, mẹ đẻ thương binh, bản thân anh ấy được đưa ra đào tạo, nhưng lại không chịu khó tu dưỡng rèn luyện, rất đáng tiếc", ông lý giải.

Tại phiên làm việc về tình hình tội phạm 2018 này, nhiều đại biểu Quốc hội đã đánh giá cao quyết tâm của ngành công an khi phá nhiều vụ án lớn, dù có liên quan đến cán bộ trong lực lượng vũ trang. 

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, qua vụ việc trên cũng cho thấy bất cập trong việc kiểm soát nội bộ ngành công an, cần phải nhìn thẳng vào sự việc để đưa ra những giải pháp hiệu quả, ngăn chặn những sự việc đáng tiếc không xảy ra trong thời gian tới.

Trước đó tại phiên làm việc sáng 4/9, Thượng tướng Lê Quý Vương cũng điểm lại nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…

Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho thấy, đối với tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, toàn quốc xảy ra 40.088 vụ (giảm 4.03% so với cùng kỳ năm 2017), tính chất vẫn nghiêm trọng, mức độ bạo lực gia tăng; hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động, nhất là liên quan tới tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại nhiều địa phương.

Đức Hoà (tổng hợp)

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news