Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần luôn sẵn sàng đối đầu với thiên tai của người dân Việt Nam: “Sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa”.
Theo tin tức trên Vietnamnet và Tri Thức Trực Tuyến cho hay, tại hội nghị toàn quốc về phòng chống thiên tai sáng nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Việt Nam là 1 trong 5 nước chịu tác động lớn nhất của thiên tai.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. |
“Việt Nam sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa. Chúng ta có truyền thống kiên cường chống giặc bão lũ, thiên tai để giữ gìn dân tộc trường tồn suốt nhiều thế kỷ. Chúng ta chưa bao giờ đầu hàng cái gì, từ giặc ngoại xâm đến thiên tai”, Thủ tướng nói.
Trước bối cảnh Việt Nam là một trong năm nước bị thiên tai đe dọa nhiều nhất, Thủ tướng nhấn mạnh thiên tai xen kẽ biến đổi khí hậu, hoạt động mạnh mẽ ở tất cả vùng miền. Dự báo là khâu quan trọng, nhất là khi xảy ra lũ lụt, sạt lở đất, bởi dự báo không tốt sẽ gây hậu quả lớn. Tuy nhiên, năng lực cảnh báo, quan trắc của Việt Nam còn chưa đạt yêu cầu, đặc biệt khi xảy ra lũ ống, lũ quét ở những khu vực nhạy cảm gây hậu quả nghiêm trọng như Sơn La, Quảng Ninh...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tinh thần luôn sẵn sàng đối đầu với thiên tai của người dân Việt Nam: “Sáng chống bão dông, chiều ngăn nắng lửa”.
Năm 2017 có tới 16 cơn bão, 4 cơn áp thấp khiến 386 người chết, thiệt hại trên 60.000 tỷ đồng, tương đương với 1-1,5% GDP, tăng 300% so với trung bình nhiều năm. Cá biệt tại Yên Bái, thiệt hại do thiên tai năm qua vượt quá 1.800 tỷ đồng, chiếm 73% GDP của tỉnh. Đây cũng là năm điển hình nhất về thiên tai từ trước đến nay với hàng loạt kỷ lục.
“Dự báo là khâu vô cùng quan trọng, nếu dự báo không tốt thì hậu quả rất lớn. Giờ lên Tổng cục Khí tượng thủy văn rồi thì phải làm tốt hơn nữa”, Thủ tướng chỉ đạo.
Thủ tướng yêu cầu bộ máy phòng chống thiên tai tinh gọn, cán bộ trách nhiệm cao. |
Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ còn tình trạng chủ quan rất lớn trong lãnh đạo địa phương và nhân dân, như tại Khánh Hoà, Phú Yên, nghĩ bão số 12 không vào, người dân không phòng bị nên gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản.
"Trong chỉ đạo, điều hành, không để xảy ra tình trạng sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi”, Thủ tướng khẳng định trách nhiệm của lãnh đạo từ Trung ương đến địa phương là phải đảm bảo cuộc sống người dân trong bão lũ.
Cũng theo Thủ tướng, nạn phá rừng đầu nguồn, khai hoang hóa quá mức gây sạt lở, một số địa phương khai thác trái phép, không có kế hoạch cụ thể, ảnh hưởng tới trữ lượng sản xuất cả nước.
Đã họp bão phải đầy đủ các bộ ngành. Về lâu dài, quy hoạch thiên tai phải rõ hơn, không để nhiều hồ đập gây chết người do quy trình, tàu vào ra phải kiểm soát, tránh tình trạng kêu mãi tàu không về.
Thủ tướng cũng đồng thời lưu ý việc đề phòng siêu bão có thể xảy ra trong thời gian tới. Các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM và một số thành phố, các địa phương rà soát lại tiêu thoát nước chống ngập, đặc biệt, không được lấp các hồ để làm đô thị như một số nơi đã làm.
Trang Vũ (tổng hợp)