Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 13 của BCH Trung ương Đảng về “ Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 ”.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị. Ảnh VGP
Theo tin tức từ Chinhphu.vn, sáng nay 21/4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết việc thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH Trung ương Đảng về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Theo báo cáo đánh giá từ Bộ Kế hoạch Đầu tư, sau 3 năm triển khai, Nghị quyết số 13 về “Xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2020” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có những chỉ đạo kịp thời tạo ra những chuyển biến lớn trong phát triển kết cấu hạ tầng từ nhận thức đến hành động cụ thể; các nhiệm vụ về xây dựng và hoàn thiện thể chế về phát triển kết cấu hạ tầng nhìn chung được thực hiện đầy đủ, hệ thống văn bản pháp luật đã được xây dựng hoàn thiện cơ bản về số lượng theo chương trình hành động của Chính phủ đề ra.
Phát biểu gợi ý thảo luận tại Hội nghị, nhấn mạnh tầm quan trọng của phát triển kết cấu hạ tầng - một trong những khâu đột phá chiến lược, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung phân tích rõ những mặt đã đạt được, những hạn chế, khó khăn, yếu kém còn tồn tại sau 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 13. Trong đó cần phân tích rõ nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém, đề xuất các giải pháp để huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội hóa cho đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, các giải pháp để thực hiện đầu tư theo quy hoạch tốt hơn, tránh tình trạng có nơi có chợ mà không có người, có nơi lại thiếu chợ; hoặc có nơi bệnh viện quá tải, nhưng có nơi bệnh viện lại không có ai nằm.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần kiến nghị các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu tư công; việc đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng, khắc phục tình trạng giải phóng mặt bằng chậm làm kéo dài tiến độ thi công các công trình, dẫn đến phát sinh chi phí đầu tư, làm giảm hiệu quả đầu tư; việc tăng cường phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong triển khai thực hiện công tác phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội.
K. Duy (tổng hợp)