Tối 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp về tỉnh Quảng Bình, địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của cơn bão số 10 vừa qua để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thị sát tình hình bão lũ ở Quảng Bình. Ảnh: Quang Hiếu/VPG |
Do ảnh hưởng của bão số 10, toàn tỉnh Quảng Bình đã có 49.155 ngôi nhà bị tốc mái; 7 người chết và bị thương... ước tính thiệt hại ban đầu gần 1.800 tỷ đồng... Đây là địa phương thiệt hại năng nhất trong cơn bão số 10.
Trước tình hình trên, tối 15/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp về tỉnh Quảng Bình để nắm tình hình và chỉ đạo khắc phục hậu quả. Báo cáo với Thủ tướng, ông Nguyễn Hữu Hoài - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, cho biết bão số 10 là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua.
Tỉnh Quảng Bình và người dân đã chủ động phòng chống bão để hạn chế thiệt hại về người và của. Tuy vậy, cơn bão cũng khiến 2 người tử vong và 14 người bị thương. Trong đó, có 1 người tử vong trong khi chằn chống nhà cửa.
Ông Hoài cũng cho hay theo thống kê thiệt hại ban đầu thì đã có hàng chục ngàn căn nhà trên địa bàn bị hư hại, chủ yếu là bị tốc mái, số lượng nhà sập ít.
Các cơ quan chức năng tỉnh Quảng bình cũng cho hay hệ thống đường bộ, hệ thống đường sắt và sân bay Quảng Bình đều đã thông suốt và hoạt động trở lại. Hệ thống điện hiện vẫn đang bị mất trên diện rộng.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá rất may bão đến nhanh và đi nhanh nên đã hạn chế được thiệt hại cho các địa phương nơi cơn bão đi qua.
"Chính quyền địa phương, các Bộ ban ngành và lực lượng quân đội, công an nhanh chóng hỗ trợ, đưa nhân dân trở lại cuộc sống bình thường.
Nhất định phải đảm bảo cuộc sống tối thiểu cho nhân dân. Chính quyền không được để người dân nào phải sống cảnh màn trời chiếu đất, đói ăn, nhất là người dân ở vùng biển", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Ngoài ra, Thủ tướng đề nghị Bộ Công thương chỉ đạo ngành điện sớm có điện cho Quảng Bình và các địa phương khác. Bộ Công thương cần huy động các công ty thủy điện phối hợp đưa điện sớm trở lại cho người dân.
"Bộ cũng cần rà soát an toàn hiệu quả vận hành các hồ thủy điện để không xảy ra tình trạng xả lũ gây ra lũ sau bão. Không để các hồ thủy điện xả đập gây ra lũ ở vùng bão số 10 vừa đi qua", Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng yêu cầu chính quyền địa phương cần đảm bảo vệ sinh môi trường ngay sau đây, không để xảy ra dịch bệnh. Tỉnh cũng cần có kế hoạch hỗ trợ nhân dân dựng lại nhà cửa, đặc biệt là những nhà bị sập và tốc mái nghiêm trọng.
Thủ tướng yêu cầu Quân khu IV tăng cường lực lượng quân đội để hỗ trợ người dân, xử lý vấn đề nhà cửa ngay từ bây giờ.
“Việc đầu tiên, là đảm bảo cuộc sống của người dân”, Thủ tướng đặt ra yêu cầu để người dân không vướng vào cảnh màn trời, chiếu đất, không bị đứt bữa, nhất là vùng ven biển.
Thủ tướng chỉ đạo ngành Y tế đảm bảo cơ số thuốc cần thiết cung cấp cho người dân, nhất là vùng chịu thiệt hại của bão; các bộ, ngành liên quan tiếp tục theo dõi tình hình thời tiết để chuẩn bị các phương án sẵn sàng cho công tác phòng, chống lụt bão; tổ chức rút kinh nghiệm bão số 10 để ứng phó tốt hơn trong mùa mưa bão năm nay.
Thủ tướng giao Ban Chỉ đạo phòng, chống lụt bão trung ương tổng hợp thiệt hại các địa phương, nhất là Hà Tĩnh và Quảng Bình để báo cáo đầy đủ, kịp thời cùng các địa phương thiệt hại do bão số 10 khác để trình Thủ tướng có phương án hỗ trợ. Tại buổi làm việc, Thủ tướng đồng ý giải quyết 3.000 tấn gạo hỗ trợ người dân Quảng Bình khắc phục hậu quả mưa bão.
Đây là bài học kinh nghiệm tốt cho việc chống bão lũ nhất là vai trò chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương, của các thông tin dự báo và sự chủ động của nhân dân.
Quảng Bình và các tỉnh miền Trung là khu vực có nhiều thiên tai nên cần có quy hoạch hợp lý cơ sở hạ tầng trong phát triển trung và dài hạn để hạn chế thiệt hại.
Đức Hòa (tổng hợp)