Tin mới

Thủ tướng: Việt Nam chưa là con hổ của châu Á, nhưng tại sao không?

Thứ sáu, 12/01/2018, 14:04 (GMT+7)

Thành tựu kinh tế trong năm 2017 được xem là cơ sở để Việt Nam tự tin hơn trong tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ để tăng trưởng mạnh hơn trong dài hạn.

Thành tựu kinh tế trong năm 2017 được xem là cơ sở để Việt Nam tự tin hơn trong tái cơ cấu, chuyển đổi mạnh mẽ để tăng trưởng mạnh hơn trong dài hạn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức, ngày 11/1.

Người đứng đầu Chính phủ nói rằng diễn đàn đầu năm này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam vừa về đích với những con số khả quan, là dịp để các nhà hoạch định Chính sách ,chuyên gia ngồi lại và thảo luận những chuyện cũ và mới.

 

Năm 2017 được đánh giá là năm thành công của nền kinh tế với GDP đạt 6,81%, thuộc nhóm các quốc gia có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực cũng như toàn cầu. Đồng thời, cải cách kinh tế được đẩy mạnh, tăng cường công khai minh bạch, phòng chống tham nhũng, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, cạnh tranh bình đẳng công bằng.

Những việc này được Thủ tướng nhận xét đã giúp củng cố lòng tin của nhà đầu tư và cộng đồng doanh nghiệp, tạo ra sinh khí mới cho nền kinh tế.

Dù vậy, ông thẳng thắn cho rằng vẫn còn nhiều thách thức trong trung và dài hạn. Một trong số những thách thức quan trọng là bài toán kép: phát triển nhanh nhưng phải bền vững, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.

Điều này đã được Thủ tướng nói trước đó tại Hội nghị toàn quốc với địa phương mới đây, khẳng định Chính phủ, Quốc hội coi trọng việc phát triển đi kèm chất lượng.

Nghĩa là, kèm theo phát triển kinh tế, các chỉ số môi trường cũng phải được cải thiện, có chuyển biến mạnh mẽ, sức sống, xã hội được yên bình hơn, an ninh an toàn hơn. "Mọi người dân Việt Nam nhất là người nghèo phải có cuộc sống tốt hơn, cả về vật chất lẫn tinh thần", Thủ tướng nói.

Thực tế, sau 30 năm Đổi mới, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, nền kinh tế đã trở thành nền kinh tế thị trường năng động, hội nhập mạnh mẽ. Điều này khiến Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn khu vực và thế giới cũng như có sức chống chịu cao hơn với những biến động lớn.

Dù vậy, Thủ tướng lưu ý không được ngủ quên trên chiến thắng, bộ máy phát triển không được phép dừng lại. Theo đó, đất nước cần kiên trì thay đổi mô hình mới dựa trên nền tảng năng suất và đổi mới sáng tạo, giảm dần sự phụ thuộc tài nguyên, lao động giá rẻ bởi lẽ những lợi thế của hôm nay sẽ không kéo dài trong tương lai.

Đối với bài toán kép: tăng trưởng nhanh và bền vững, Thủ tướng cho rằng dù mâu thuẫn nhưng không phải là bất khả. Nguyên nhân trên thế giới dã có nhiều nước thành công, như Hàn Quốc, Nhật Bản. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam cần làm gì để hoá giải mâu thuẫn này.

Với 3 khuyến nghị của các chuyên gia gồm: năng lượng xanh và bền vững, cải thiện năng suất trong bối cảnh công nghiệp hoá và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt trong thương mại tín dụng đầu tư, Thủ tướng đề nghị các ban ngành liên quan cần xem xét, nghiên cứu.

"Tăng trưởng và phát triển là cuộc đua maraton đường trường chứ không phải cuộc chạy đua nước rút", Thủ tướng nhấn mạnh.

Ông cũng nói thêm rằng cần biến khát vọng của dân tộc thành hành động cụ thể, tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức phát huy tối đã trở thành con hổ mới của châu Á.

"Bây giờ chưa được, nhưng tại sao lại không và luôn phải tìm câu trả lời làm gì để đạt được điều ấy", Thủ tướng nói.

Theo Cafebiz/Trí Thức Trẻ

Theo dõi Tinmoi.vn trên Tinmoi.vn - Google news